Doanh nghiệp đề nghị xây tặng trụ sở, chính quyền TP.HCM lúng túng
(VOVTV) - Trước tình hình xuống cấp của trụ sở UBND phường An Lợi Đông (TP Thủ Đức), một doanh nghiệp đã đề nghị được xây tặng một trụ sở mới với hình thức "chìa khóa trao tay". Tuy nhiên, điều này lại gây lúng túng cho địa phương khi việc này là chưa từng có tiền lệ.
Trụ sở xuống cấp, trưng dụng container để làm việc
Tìm đến trụ sở UBND phường An Lợi Đông, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi trụ sở này nằm “heo hút” ở con đường đất, thấp trũng, cuối đoạn đường Nguyễn Cơ Thạch sầm uất trong khu đô thị Sala (TP.Thủ Đức). Phải theo bảng chỉ dẫn ở đầu đường, nhiều người mới tìm thấy được trụ sở ủy ban nhân dân phường.
Trụ sở UBND phường An Lợi Đông vốn là một trường mầm non được trưng dụng lại. Hơn 50 con người, gồm nhân sự của UBND phường và các lực lượng khác làm việc ở một trụ sở tạm bợ.
Theo ông Nguyễn Như Thành, Chủ tịch UBND phường An Lợi Đông, ở trụ sở này, chỉ cần mưa hay triều cường là nước ngập lênh láng. Không đủ phòng, phường phải tận dụng mọi cơ sở vật chất hiện có; mà trong đó, nơi làm việc của các hội, đoàn thể là một thùng container. Nhiều người dân đến đây đã phải thốt lên “không thể tin được” khi ngay trong lòng Khu đô thị Thủ Thiêm hiện đại lại có một trụ sở thế này.
Mong ước có một trụ sở đàng hoàng để làm việc là trăn trở của đội ngũ cán bộ cũng như người dân.
Ông Nguyễn Như Thành, Chủ tịch UBND phường An Lợi Đông nói: "Trụ sở cũng đã xuống cấp nhiều lần được sửa chữa, tu sửa nhưng thường xuyên bị ngập bởi mùa mưa. Cơ sở vật chất xuống cấp nên anh em cũng rất tâm tư, mong muốn sớm có trụ sở mới để có điều kiện phục vụ nhân dân tốt hơn".
Theo Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức Hoàng Tùng, trụ sở UBND phường An Lợi Đông thuộc khu đất Nhà nước, nằm trong lòng dự án của Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh ở khu vực Thủ Thiêm.
Việc đầu tư xây dựng mới trụ sở UBND phường An Lợi Đông là hết sức cấp bách nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức, người lao động và phục vụ nhân dân trên địa bàn phường An Lợi Đông.
Nguồn vốn cho đầu tư xây dựng sẽ do Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh thực hiện theo hình thức "chìa khóa trao tay". Nhà nước sẽ thiết kế và thông qua doanh nghiệp sẽ xây dựng, giao cho chính quyền. Tuy nhiên, UBND TP. Thủ Đức đang khó khăn vướng mắc trong thủ tục giao đất, cấp phép xây dựng và hình thức thực hiện để triển khai dự án.
Ông Hoàng Tùng nói: "Người ta sẵn sàng trong chuyện đó nhưng chúng ta chưa sẵn sàng về mặt thủ tục để triển khai. Tại TP.HCM còn nhiều nơi khác sẽ vướng như vậy do chuyện này chưa bao giờ quy định ở đâu hết".
Được biết, ngoài trụ sở UBND phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức còn có một số công trình nhận được nguồn tài trợ để đầu tư xây dựng phục vụ cộng đồng nhưng chính quyền chưa thể nhận lời. Cụ thể là trạm trung chuyển chất thải rắn Long Trường do Công ty Him Lam tài trợ 80 tỷ đồng hay Công ty Keppel Land dự kiến tài trợ cho Quận 2 cũ 100 tỷ đồng để xây trường cấp 2.
Gỡ vướng bằng PPP
Để đảm bảo tiến độ triển khai dự án, UBND TP.Thủ Đức kiến nghị UBND TP.HCM xem xét tạm giao đất cho UBND phường An Lợi Đông và thống nhất chủ trương thực hiện theo hình thức "chìa khóa trao tay" trên tinh thần vận dụng Kết luận số 14 ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
UBND TP. Thủ Đức đề xuất 4 bước thực hiện đó là UBND TP. Thủ Đức quyết định tiếp nhận đề nghị để nhận sản phẩm tài trợ; chủ đầu tư lập hồ sơ dự án trình cơ quan chuyên môn và sau đó UBND TP phê duyệt dự án đầu tư, chủ đầu tư lập thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công. Sau đó, sẽ triển khai xây dựng, nghiệm thu công trình và bàn giao. Cuối cùng là thực hiện các thủ tục xác lập tài sản công theo qui định.
Theo UBND TP.Thủ Đức, phương án đề xuất này là sáng kiến mới và sáng tạo chưa từng có địa phương nào tại TP áp dụng. Đồng thời cân nhắc, tính toán trong trường hợp thi công mà nhà tài trợ không đủ khả năng tài chính để tiếp tục thực hiện thì UBND TP. Thủ Đức cũng sẽ cân đối nguồn vốn đầu tư công để thực hiện. Nếu thành công, quy định thực hiện có thể xem xét, áp dụng trên phạm vi toàn TP.HCM.
Theo Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Lê Duy Minh, nếu nhà đầu tư tặng một tài sản lưu động như máy móc thiết bị, phương tiện thì dễ. Còn đây là tặng trụ sở trên đất công nên chưa có qui định.
Theo qui định pháp luật, có các hình thức ghi nhận sở hữu nhà nước với tài sản công là tài sản hiện hữu người dân hiến tặng, hai là liên doanh liên kết với người nước ngoài, khi họ rút về nước thì tài sản còn lại xây dựng trên đất người ta hiến tặng, trường hợp thu hồi và đầu tư phương thức đối tác công - tư (PPP).
Trong trường hợp cụ thể như trụ sở UBND phường An Lợi Đông, ông Minh gợi ý có thể dùng hình thức đầu tư PPP. Chúng ta kêu gọi doanh nghiệp cùng chính quyền xây trụ sở. Khi hình thành tài sản thì họ chuyển giao, tặng phần doanh nghiệp đáng lẽ được sử dụng.
Ông Lê Duy Minh nói: "Đây là cách nhanh hơn chứ còn chúng ta nhận khoản tiền tài trợ về thì phải nộp vào ngân sách. Lúc đó TP Thủ Đức lại xin dự án đầu tư công, phải bố trí lại đầu tư công rất vất vả. Trong khi đó nếu sử dụng PPP sẽ nhanh. Cái này Sở Tài chính sẽ tham mưu thêm để làm".
Liên quan đến vấn đề này, mới đây Văn phòng UBND TP.HCM đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại buổi làm việc với Ban thường vụ Thành ủy Thủ Đức về tình hình KT–XH Quí I và giải quyết một số kiến nghị, đề xuất của UBND TP. Thủ Đức.
Theo đó, với đề xuất tiếp nhận trụ sở hành chính phường An Lợi Đông cũng như Trạm trung chuyển chất thải rắn Long Trường và Trường THCS tại phường An Phú, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP. Thủ Đức, các sở Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Tài nguyên – Môi trường khẩn trương nghiên cứu đề xuất của UBND TP. Thủ Đức, báo cáo UBND TP.HCM phương án tiếp nhận trước ngày 28/4/2023 và phương án hoàn thành đưa các công trình trên vào sử dụng vào cuối năm 2024.
Tin nổi bật
Tin Video