Tin tức

Đèo Cả bị phong hoá, gây sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió

(VOVTV) - Sáng nay (14/4), hàng ngàn hành khách đi trên các chuyến tàu Bắc- Nam tiếp tục được trung chuyển bằng xe ô tô qua đèo Cả. Trong khi đó, hàng trăm nhân công đang nỗ lực khắc phục sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Nguyên nhân sạt lở được xác định do công trình xây dựng lâu đời, đèo Cả bị phong hóa, gây sạt lở.

Tác giả Thái Bình/VOV Miền Trung
14/04/2024 12:12

Từ khi sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió, đèo Cả xảy ra vào trưa ngày 12 tháng 4, hành khách trên chuyến tàu Bắc- Nam qua khu vực này buộc phải chuyển tải bằng ô tô khách. Theo đó, từ phía Bắc vào tàu sẽ dừng tại ga Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, sau đó, toàn bộ hành khách sẽ lên xe ô tô để đi đường bộ khoảng 60 km vào ga Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa để lên tàu tiếp tục hành trình. Chiều ngược lại các tàu khách từ phía Nam ra cũng phải trung chuyển tương tự. Riêng các tàu hàng vẫn đang tạm dừng hành trình tại các ga trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên.

Đèo Cả bị phong hoá, gây sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió- Ảnh 1.

2 ngày qua, cả trăm mét khối đất đá sạt lở, vùi lấp hầm Bãi Gió

Việc chuyển tải mất khoảng 2 giờ đồng hồ, tần suất khoảng 10 xe ô tô khách mỗi chuyến tàu, chuyển tải khoảng 300 hành khách. 

Ông Nguyễn Xuân Đài, đi từ ga Thanh Hóa vào ga Nha Trang cho biết: "Đến Tuy Hòa sau đó chuyển tải vào ga Giã, do thiên tai khó khăn như thế, tất cả hành khách đều phải chịu thôi. Nắng nóng cũng phải chịu. Khiêng đồ qua lại cũng vất vả. Chuyến đi này không may. Anh em hành khách vất vả, nhà tàu cũng thế thôi".

Đèo Cả bị phong hoá, gây sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió- Ảnh 2.

Ngành đường sắt huy động hàng trăm nhân lực, phương tiện nhưng chưa thể khắc phục

Mỗi ngày có 12 chuyến tàu khách đi qua đèo Cả, tất cả đều phải chuyển tải với số lượng khoảng 3.600 hành khách. Ngành Đường sắt đang huy động tối đa ô tô, nhân lực trong hệ thống để việc chuyển tải được thuận lợi, hạn chế phiền hà đối với hành khách; hỗ trợ suất ăn, nước uống, mang vác hành lý giúp hành khách. 

Ông Trần Vĩnh Duy, Trưởng phòng Chăm sóc khách hàng chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang thông tin: "Sẵn sàng tiếp tục huy động lực lượng của đơn vị, anh em đơn vị khác trong khu vực ga phối hợp ở 2 đầu ga Tuy Hòa và ga Giã để không có hành khách nào phải ở lại. Điều tiết xe đảm bảo đủ lượng xe chuyển tải cho các đoàn tàu. Mùa cao điểm du lịch, lượng xe chúng tôi có khó khăn nhưng đã khắc phục được, sẽ chuyển tải cho đến khi thông đường, thông tuyến".

Đèo Cả bị phong hoá, gây sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió- Ảnh 3.

Công nhân thi công mái vòm để gia cố nhưng sạt lở vẫn xảy ra

Hầm Bãi Gió được xây dựng trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1930, khánh thành năm 1936. Về nguy cơ xảy ra sạt lở hầm cũng đã được dự báo từ lâu. Trước khi xảy ra vụ sạt lở, hầm Bãi Gió được đơn vị thi công gia cố các lớp chống thấm, khung thép và phun bê tông lên vỏ hầm. Việc thi công đang diễn ra thì xảy sự cố sạt lở.

Đèo Cả bị phong hoá, gây sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió- Ảnh 4.

Mỗi ngày có 12 chuyến tàu phải trung chuyển hành khách bằng ô tô qua Đèo Cả

Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh, cho biết nguyên nhân xảy ra sự cố là thời gian sử dụng hầm đã lâu, đất đai bị phong hóa dẫn đến sạt lở. Để khắc phục sự cố sạt, lở, ngành đường sắt đã huy động hơn 200 cán bộ, công nhân cùng 2 đoàn tàu công trình, 4 máy đào nhỏ cùng các trang thiết bị để gia cố vỏ hầm. Tuy nhiên, sạt lở tiếp tục xảy ra, việc khắc phục càng khó khăn hơn. Đơn vị thi công đã 2 lần làm khung thép để gia cố vỏ hầm nhưng bất thành vì đất đá trong hầm Bãi Gió vẫn sạt, lở. 

Hôm nay (14/4), các đơn vị khắc phục sự cố tiếp tục khảo sát kỹ vị trí sạt lở từ phía trên đèo Cả để tìm hướng thi công phù hợp, sớm thông tuyến đường sắt, đảm bảo chạy tàu Bắc - Nam. 

Đèo Cả bị phong hoá, gây sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió- Ảnh 5.

Hầm Bãi Gió được đưa vào sử dụng từ năm 1936

Ông Lê Quang Vinh cho biết: "Do địa chất ở đây lâu ngày quá, đá bị phong hóa, bây giờ rửa ra, bị rơi tự do, vỡ hết các nắp hầm trong này. Làm mái vòm bằng sắt đỡ mái hầm khỏi sạt nữa nhưng hai lần làm rồi nhưng không thành công, vì cứ tiếp tục rơi".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận