Đề xuất lập quỹ tài chính dành riêng cho phát triển nhà ở xã hội
(VOVTV) - "Thành lập một quỹ tài chính quốc gia dành riêng cho phát triển nhà ở xã hội. Quỹ này sẽ huy động nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, cả khu vực công lẫn khu vực tư". Đây là ý kiến của chuyên gia tại hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng nay (28/3).
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Đăng Hồ - Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: Năm 2022, chỉ duy nhất dự án 260 căn nhà ở xã hội được đưa vào vận hành tại TP Thủ Đức, là dự án được đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020. Khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội được ông Hồ chỉ ra là dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng phải làm thủ tục tính toán xong mới được miễn. Ngoài ra còn phải thực hiện thủ tục thẩm định giá bán nhà, kiểm tra đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Những việc này khiến thời gian làm thủ tục kéo dài, không hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội cũng hạn chế, gói tín dụng thời gian qua không đủ để nhà đầu tư kéo giảm giá thành. Quan điểm, nhận thức của đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội cũng khác nhau nên cũng ảnh hưởng đến định hướng phát triển nhà ở xã hội.
Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia, hiện nay việc phát triển nhà ở xã hội có nhiều vướng mắc, như: chưa nhất quán về quan điểm, vướng mắc về quy hoạch quỹ đất, khó khăn về nguồn vốn, thủ tục đầu tư nhiêu khê…Kiến nghị về giải pháp, ông Lực cho rằng cần nhất quán về quan điểm phát triển nhà ở xã hội, trong đó phải xây dựng một đề án tổng thể, cũng như có chính sách để tăng tính hấp dẫn cho nhà ở xã hội.
Ngoài ra, ông Lực cũng kiến nghị cần khắc phục tình trạng trục lợi chính sách nhà ở xã hội, cũng như có dự báo, phân tích nhu cầu của xã hội về loại hình này.
Đặc biệt, ông Lực đề xuất thành lập một quỹ tài chính quốc gia dành riêng cho phát triển nhà ở xã hội: "Quỹ này sẽ huy động nguồn lực tài chính cả trong và ngoài nước, cả khu vực công lẫn khu vực tư. Trước hết phải có vốn mồi, từ ngân sách nhà nước có thể bỏ 15% - 20%. Phần thứ hai là nguồn vốn huy động từ các quỹ, vì có những nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào những công việc có liên quan đến chính sách kinh tế nhân văn".
Tin nổi bật
Tin Video