Tin tức

Để chữ 'thầy' không bị rẻ rúng

Việc cần làm ngay là chấn chỉnh tình trạng loạn danh xưng "thầy tự phong" trên mạng xã hội để bảo vệ hình ảnh và sự tôn nghiêm của những người thầy chân chính.

24/12/2021 09:08

Mới đây, một phụ huynh tại Hà Nội vô tình phát hiện cô giáo dạy tiếng Anh cho con mình không mặc quần áo và có tư thế ngồi phản cảm trong giờ dạy trực tuyến. "Cô giáo" này sau đó được làm rõ là nhân viên của một công ty du lịch, đi làm việc bán thời gian tại trung tâm vì biết cả tiếng Anh và tiếng Nhật. Tuy nhiên, việc "cô giáo" có nghiệp vụ sư phạm hay không thì chúng tôi không thấy được đề cập đến.

Không thể chấp nhận cô giáo như vậy, vị phụ huynh có con học lớp 3 kể trên đã đề nghị phía trung tâm tiếng Anh đổi giáo viên hoặc hoàn trả tiền.

Với sự bùng nổ của mạng xã hội cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì hình thức học online thực sự là một sự lựa chọn phù hợp với xu thế và điều kiện dịch bệnh. Thế nhưng trên không gian mạng ảo này, cảm tưởng như ai cũng có thể làm thầy hoặc được gọi là thầy.

Để chữ 'thầy' không bị rẻ rúng - Ảnh 1.

Clip do phụ huynh dùng điện thoại quay lại qua màn hình học trực tuyến của con trai

Thực tế không phải người nào tự xưng là thầy hoặc được gọi là thầy trên mạng xã hội đều có nghiệp vụ sư phạm, được đào tạo bài bản, đủ tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp để có thể thực hiện nhiệm vụ truyền thụ kiến thức, kỹ năng cho người khác. Người viết đã vào tìm những clip của "thầy" Huấn "hoa hồng" hay "thầy" Lộc Fuho (tức phụ hồ) để cố gắng "lĩnh hội" những kiến thức mà những người tự xưng là thầy (hoặc được "tôn" là thầy) này rao giảng.

Xét cả về hình ảnh lẫn nội dung, thật khó để tìm thấy giá trị giáo dục ở những clip này. Vậy mà không hiểu sao, những giờ dạy vô thưởng, vô phạt với những ngôn từ tục tĩu vô văn hóa, những triết lý dạy đời nửa mùa kéo dài hàng tiếng đồng hồ thu hút hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn lượt theo dõi. Phía dưới những clip đó là những bình luận đầy ca tụng đối với các "thầy", mà phần lớn là của những người rất trẻ.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Quốc Minh, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã học và Nhân văn TPHCM, những hiện tượng trên "thế giới ảo" này khiến giá trị về người thầy đang bị lệch chuẩn, để lại những hệ lụy cực kỳ nguy hiểm, khiến nhiều học sinh, sinh viên ngộ nhận về hệ giá trị trong cuộc sống thực.

"Thầy" là danh xưng cao quý dành cho những người công tác trong ngành giáo dục với những tiêu chuẩn cụ thể về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, đạo đức... Thầy, còn là sự kính trọng đối với những người có học vấn, có trình độ, thực hiện nhiệm vụ truyền đạt kiến thức, bồi đắp tâm hồn cho thế hệ trẻ. Bởi vậy, không phải ai cũng được gọi bằng "thầy" hay có thể vỗ ngực tự xưng là "thầy".

Tất nhiên, không phải người nào xưng là thầy, cô trên mạng xã hội đều được đón nhận. Như trường hợp một "cô giáo Vật lý" nổi đình nổi đám trong một thời gian ngắn vừa qua, dẫu rằng đối với một sinh viên sư phạm, cung cấp kiến thức trên nền mạng xã hội thì việc tự xưng là "cô giáo", dù hơi sớm nhưng cũng có thể chấp nhận.

Tuy nhiên, với những từ ngữ chưa chuẩn mực, thái độ chưa phù hợp, người này đã phải xin rút danh xưng "cô giáo" và lựa chọn việc cung cấp, truyền đạt kiến thức theo cách phù hợp hơn. Thực tế, không phải ai cũng dũng cảm như cô gái này, bởi, không phải ai cũng đánh giá đúng và đủ về giá trị của chữ "thầy"!.

Cá nhân người viết đồng ý với ý kiến của nữ Tiến sỹ Nguyễn Thị Quốc Minh, cần phải có chế tài đối với những trường hợp thầy cô "tự phong" trên mạng xã hội nhưng không thực hiện đúng vai trò hay mang lại giá trị giáo dục tốt đẹp cho người khác. Việc cần làm ngay là chấn chỉnh tình trạng loạn danh xưng thầy trên mạng xã hội để bảo vệ hình ảnh và sự tôn nghiêm của những người thầy chân chính.

Và quan trọng không kém, những người mang trên vai trọng trách của "nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý" phải thực sự là tấm gương, là người dẫn đường, khai mở kiến thức... để kéo học trò không chạy theo danh xưng "thầy tự phong" trên mạng xã hội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận