Công ty TNHH Anh Nhân - Nhà máy Hoàng Anh 'bỏ qua' khâu kiểm định chất lượng tôm hùm để xuất khẩu sang Trung Quốc?
(VOVTV) - Thời gian qua, PV VOVTV nhận được phản ánh của người dân tại tỉnh Phú Yên về việc công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Anh Nhân có địa chỉ tại 42/3E, ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (TPHCM) thu mua hải sản tôm hùm để xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình thu mua, công ty này "bỏ qua" nhiều khâu kiểm định chất lượng.
Sau khi nhận được phản ánh, PV VOVTV đã "mục sở thị" tại phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên để tìm hiểu và ghi nhận thông tin về nguồn gốc mua tôm hùm để xuất đi Trung Quốc.
Theo ghi nhận tại đây, việc thu mua tôm hùm diễn ra nhộn nhịp. Những khay tôm sau khi được chọn lọc sẽ được Công ty TNHH Anh Nhân "đóng gói" vào những giỏ đựng tôm đã được cấp mã số (TS.792 - PV), sau đó sử dụng xe tải để vận chuyển thẳng ra Cảng ICD Thành Đạt (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh).
Theo quy định, sau khi thu mua tôm hùm, Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Anh Nhân – nhà máy Hoàng Anh phải đem lô hàng về nhà máy để thực hiện kiểm định chất lượng sản phẩm. Nếu lô hàng đạt tiêu chuẩn sẽ được đóng gói và vận chuyển bằng đường hàng không từ sân bay từ Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) đến Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), sau đó mới được vận chuyển bằng xe tải theo đường bộ để đến Cảng ICD Thành Đạt (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) để làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thế nhưng, theo ghi nhận, Công ty Anh Nhân đang "bỏ qua" nhiều công đoạn và thủ tục khi sử dụng xe tải mang BKS 78C - 04.459 vận chuyển tôm hùm từ phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên ra Cảng ICD Thành Đạt - Móng Cái, Quảng Ninh.
Tôm hùm được "đóng gói" tại Phú Yên
Được biết, theo quy định của cơ quan quản lý, cụ thể là Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tất cả hàng hóa xuất khẩu phải đưa vào nhà xưởng đóng gói và dán tem theo quy định rồi mới được cấp giấy chứng nhận chất lượng để xuất khẩu.
Do đặc tính của một số loại mặt hàng tươi sống, ngoài thủ tục hải quan xuất khẩu, những lô hàng xuất khẩu còn cần một số giấy tờ sau:
Giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc giấy tờ chứng minh đủ điều kiện kiểm dịch xuất khẩu theo quy định của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Giấy Chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm và Chứng thư (với nước xuất khẩu đích là Trung Quốc); Giấy tờ khác theo quy định của nước nhập khẩu, hoặc trong hợp đồng mua bán quy định (nếu cần)...
Thông tư số 02/2017/TT-BNNPTNT ngày 13/02/2017 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu, có hiệu lực kể từ ngày 30/03/2017 quy định:
1. Đối với lô hàng xuất khẩu được sản xuất tại Cơ sở trong Danh sách ưu tiên:
a) Cơ quan kiểm tra, chứng nhận cấp Chứng thư dựa trên kết quả lấy mẫu thẩm tra hiệu quả kiểm soát mối nguy ATTP theo thủ tục tại Mục 2 Chương 1.
b) Trường hợp Cơ sở đề nghị kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm từng lô hàng xuất khẩu, Cơ quan kiểm tra, chứng nhận thực hiện theo thủ tục nêu tại Mục 3 Chương 1.
2. Đối với lô hàng xuất khẩu được sản xuất tại Cơ sở ngoài Danh sách ưu tiên: Cơ quan kiểm tra, chứng nhận cấp Chứng thư dựa trên kết quả kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm từng lô hàng xuất khẩu theo thủ tục nêu tại Mục 3 Chương 1.
Quy định thì là như vậy, nhưng Công ty TNHH sản xuất thương mại Anh Nhân – Nhà máy Hoàng Anh (TS.792) đã thu gom và đóng gói bằng giỏ nhựa đã được in sẵn nhãn mác ngay tại phường Xuân Thanh, Thị xã Sông Cầu (Phú Yên) mà không được ngành chức năng kiểm tra, thẩm định lấy mẫu kiểm tra với từng lô hàng.
Ngay sau khi thu gom, đóng khay nhựa đã in sẵn nhãn mác, lô hàng được vận chuyển thẳng ra Cảng ICD Thành Đạt, Móng Cái (Quảng Ninh) mà không qua bất kỳ cơ quan thẩm tra kiểm định nào. Điều đáng nói ở đây là xe ra tới Cảng Móng Cái lại có đầy đủ chứng nhận về ATTP, chứng thư cho thực phẩm thủy sản xuất khẩu.
Để làm rõ vấn đề này, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Trương Huy Đạt, Phó GĐ Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 4 – Nafiqad 4 (91 Hải Thượng Lãn Ông, phường 10, Quận 5, TP. HCM).
Tại trụ sở làm việc ông Đạt cho biết: Hiện trên địa bàn của Trung tâm vùng 4 có 4 cơ sở đủ điều kiện để xuất khẩu hàng tôm hùm sống sang Trung Quốc gồm: Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Anh Nhân (mã số 79-002-DG); Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Anh Nhân – Nhà máy Hoàng Anh (mã số TS.792) có địa chỉ tại 42/3E, Ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh; Xưởng thủy sản sống (Công ty CP Logistics Hoàng Hà); Công ty TNHH Gia công chế biến thực phẩm Nông Hải Sản – Tường Hữu.
Đối với quy trình kiểm tra, thẩm định chất lượng của tôm hùm sống để xuất khẩu cần phải đáp ứng điều kiện sau: Cơ sở sản xuất đã được kiểm tra, thẩm định đủ điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định và có tên trong danh sách được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc, đối với sản phẩm tôm hùm sống, Cơ sở sản xuất phải đăng ký danh sách cơ sở nuôi cung cấp tôm hùm cho Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản để thông báo cơ quan thẩm quyền Trung Quốc công nhận.
Đối với các lô hàng tôm hùm sống xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc phải được cấp chứng thư cho từng lô hàng xuất khẩu.
Điều kiện để cấp chứng thư cho lô hàng xuất khẩu như sau: Đối với cơ sở ngoài danh sách ưu tiên, cơ sở phải thực hiện đăng ký thẩm định, lấy mẫu kiểm nghiệm cho từng lô hàng xuất khẩu và chỉ được cấp chứng thư khi kết quả thẩm định, kiểm nghiệm đạt yêu cầu.
Đối với cơ sở trong danh sách ưu tiên, cơ sở gửi kế hoạch sản xuất dự kiến tới Trung tâm. Trung tâm sẽ thống nhất với cơ sở kế hoạch lấy mẫu thẩm tra hiệu quả kiểm soát mối nguy ATTP. Tỷ lệ, tần suất lấy mẫu thẩm tra theo quy định. Khi có yêu cầu cấp chứng thư, cơ sở gửi hồ sơ đăng ký đến Trung tâm. Trong vòng 01 (một) ngày, Trung tâm sẽ cấp chứng thư trên cơ sở rà soát kết quả thẩm tra hiệu quả kiểm soát mối nguy ATTP.
Trường hợp Công ty TNHH Anh Nhân - Nhà máy Hoàng Anh (TS.792) là cơ sở nằm trong danh sách ưu tiên, xếp hạng 2, tỷ lệ lấy mẫu thẩm tra hiệu quả kiểm soát mối nguy ATTP là 20% (tính tỷ lệ theo lô hàng sản xuất). Ví dụ: cơ sở có 5 lô hàng sản xuất thì Trung tâm sẽ lấy mẫu thẩm tra 1 lô hàng sản xuất.
"Ngoài ra, Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Anh Nhân - Nhà máy Hoàng Anh có đăng ký và được chấp nhận sản phẩm của 4 hộ nuôi tôm hùm tại 2 tỉnh là Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và chỉ có tôm hùm tại các hộ đã đăng ký mới được thẩm định và cấp chứng thư. Khi thẩm định và đề nghị cấp chứng thư với Trung tâm, cơ sở đều phải cung cấp thông tin nguyên liệu tôm hùm sống có nguồn gốc từ các hộ nuôi này. Việc Công ty lấy tôm hùm sống ngoài các hộ nuôi đã được phê duyệt là không đúng quy định", ông Đạt nói.
Kênh Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam (VOVTV) sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.
Tin nổi bật
Tin Video