Có hay không việc 'ép' học sinh học yếu không được đăng ký thi lớp 10 công lập?
(VOVTV) - Vụ lùm xùm "o ép" học sinh kém không thi vào lớp 10 trường công lập tại Hà Nội năm trước khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo phải vào cuộc tưởng chừng sẽ được chấn chỉnh, song năm nay tình trạng này lại tái diễn.
Vì nhiều lý do, trong đó có việc giữ thành tích ảo, danh tiếng cho trường mà nhiều giáo viên, nhà trường sẵn sàng lợi dụng việc tư vấn hướng nghiệp để "ép" học sinh có học lực dưới trung bình phải chuyển trường hoặc không được dự thi lớp 10 công lập, gây bức xúc cho nhiều phụ huynh và học sinh.
"Có nghĩa rằng là không nghe theo lời chị, con người ta sẽ đúp. Chị luôn nghĩ rằng việc các chị để cho bọn trẻ con không phải thi nữa thực ra đấy nó là cái thi đua. Mọi thứ đều có các chị trong đó. Còn lại những người ngồi đây đang hiểu con người ta đang cần cái gì", đây là đoạn ghi âm giữa một phụ huynh có con đang học lớp 9A4 Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội với cô giáo chủ nhiệm lớp ngay sau cuộc họp phụ huynh về nội dung đăng ký dự thi lớp 10 công lập được gửi cho phóng viên Đài TNVN. Hẹn chúng tôi tại 1 quán nước nhỏ cách trường không xa, 3 người đàn ông đại diện cho nhóm phụ huynh có con bị “lọt danh sách học kém” được cô giáo chủ nhiệm “vận động” thậm chí là ép không được đăng ký thi vào lớp 10 công lập không giấu được tâm trạng lo lắng, bức xúc.
Phụ huynh N.T.D nói: "Cách nói của cô là giống như một sự đe dọa. Cô dùng cái từ là gì “nhà trường sẽ phải test sức khỏe các con. Các con đủ sức khỏe các con mới lao được ra biển lớn, các con có đủ sức khỏe các con mới thi được” và dùng từ này mình thấy rất nguy hiểm đấy là cái từ “nhập điểm”. Các cô sẽ nhập điểm, nếu các con không đủ điều kiện các con sẽ phải ở lại, các con sẽ phải đúp, các con sẽ không được thi nữa. Thế có nghĩa rằng nếu cứ cố tình cho các con thi thì các con sẽ đúp".
Theo các phụ huynh này, sau buổi họp “phân luồng”, định hướng cho các phụ huynh không được như mong muốn khi 100% phụ huynh đều nộp bản đăng ký cho con dự thi lớp 10 công lập, giáo viên chủ nhiệm đã mời 9 phụ huynh trong diện con có điểm thi thấp ở lại để trao đổi. Nội dung chủ yếu xoay quanh việc học lực của các con không thể tiến bộ, không thể thi đỗ lớp 10 công lập, phụ huynh không nên cho con đăng ký dự thi. Nếu vẫn đăng ký dự thi thì nhà trường “sẽ trả lại điểm thi thực” của các con.
Không dừng lại ở đó, sau buổi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm còn gọi điện cho phụ huynh để thuyết phục. Thậm chí trong giờ lên lớp, cô giáo này còn thường xuyên giơ bảng điểm và nêu tên một số em điểm thấp rằng: “tốt nhất cho các cô cậu là đừng có thi” khiến các em xấu hổ, buồn và áp lực với bạn bè.
Những ngày qua anh N.H.N luôn trong tâm trạng lo lắng như “ngồi trên đống lửa” trước những biến đổi tâm lý của con gái: "Cháu nó rất buồn, nhiều khi nó cứ khóc suốt, học sa sút. Mong muốn lớn nhất là việc của các con là thi thì các cô cũng nên cho con thử sức để các con chứng minh bản thân của các con, không có sự áp lực nhiều quá với các con để nói thành vết hằn của các con".
Các phụ huynh còn phản ánh, sau cuộc nói chuyện riêng của giáo viên chủ nhiệm, bảng điểm của con trên ứng dụng eNetViet không còn hiển thị. Điều này khiến họ lo lắng việc các con có đủ điều kiện dự thi vào trường công lập hay không: "Chúng tôi mở Bảng điểm eNetViet của con để nộp hồ sơ cho một số trường dân lập thì trắng xoá. Trước đây còn có điểm học kỳ I, còn có một số điểm của học kỳ II, nhưng bây giờ trắng xóa. Đấy chính là một sự bất thường và mình cảm giác là con mình đang gặp nguy hiểm".
Sau khi ghi nhận ý kiến của các phụ huynh, nhóm phóng viên đã có buổi làm việc với Ban Giám hiệu Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Bà Phạm Xuân Oanh, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: "Hoàn toàn không bao giờ ủng hộ việc thầy cô giáo ép học sinh không được đi thi. Nhà trường hoàn toàn không đồng tình, không ủng hộ và không chỉ đạo việc đó. Cha mẹ học sinh kết hợp với thầy cô giáo để chọn trường, chọn nguyện vọng cho con đúng với khả năng của mình thì điều đấy rất quan trọng. Nhà trường đã chỉ đạo đúng tinh thần như thế và trong các cuộc họp tôi chỉ đạo là chỉ làm nhiệm vụ tư vấn, còn quyền quyết định ở cha mẹ học sinh. Nhà trường và các thầy cô giáo không có quyền thay cha mẹ học sinh để ép các con vào trường này hay trường kia".
Bà Phạm Xuân Oanh cũng cho biết, sẽ có buổi gặp gỡ với phụ huynh học sinh để lắng nghe ý kiến. Nếu phát hiện những lời nói, hành động không đúng mực với phụ huynh và học sinh trong việc tư vấn chọn trường đăng ký xét tuyển vào lớp 10 công lập, nhà trường sẽ xử lý nghiêm.
Liên quan đến bảng điểm lớp 9 của một số học sinh trên ứng dụng eNetViet “biến mất” sau khi phụ huynh không đồng ý với giáo viên chủ nhiệm về việc không cho các con thi lớp 10 công lập, bà Phạm Xuân Oanh cho biết, hiện nhà trường chưa xét tốt nghiệp cho các con, khoảng giữa tháng 5 nhà trường mới cập nhật điểm. Tuy nhiên, theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong bản khai đăng ký dự thi lớp 10 công lập của học sinh đều có phần kê khai điểm tổng kết 4 năm học bậc THCS của học sinh, xếp loại tốt nghiệp THCS, riêng năm lớp 9 phải ghi đầy đủ điểm trung bình cả năm của 8 môn học.
Ngay sau buổi làm việc của phóng viên với Ban Giám hiệu Trường THCS Kim Giang, một số phụ huynh cho biết, bảng điểm lớp 9 của con đã hiển thị lại trên ứng dụng eNetViet và các con đều đủ điều kiện thi vào lớp 10 công lập, thậm chí có một số con có điểm học lực khá.
Thi vào lớp 10 là quyền lợi, không thể vì bất kỳ lý do gì để ép học sinh có học lực trung bình hoặc yếu bỏ thi. Thậm chí đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, là biểu hiện của bệnh thành tích cần sớm loại bỏ trong môi trường giáo dục. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này./.
Tin nổi bật
Tin Video