Kinh doanh

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: "Không thể mọc tua tủa sân bay mà không tính hiệu quả"

"Không phải chỗ nào cũng mọc tua tủa các sân bay để rồi chỉ kết nối mỗi tỉnh mình. Nhiều người ở nông thôn, cả đời không đi máy bay, vì giá vé cao, không có nhu cầu".

06/03/2021 11:03

Trao đổi với phóng viên về việc hàng loạt địa phương Hà Giang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau, Cao Bằng và Bắc Giang... đang có đề xuất làm sân bay trong tầm nhìn dài hạn, chuyên gia Phạm Chi Lan khuyên cần tránh lãng phí nguồn lực, tư duy cục bộ địa phương.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, xây dựng sân bay là khoản đầu tư cực kỳ nhiều tiền của, nên hầu hết các nước phải xem xét rất kỹ về hiệu quả.

 Sân bay không phải chỗ giải ngân đầu tư công

Theo bà Lan: "Ninh Bình gần Hà Nội, khách trong nước hoặc đi quốc tế có thể đáp xuống Nội Bài, đi đường bộ về Ninh Bình chứ không phải chờ cả ngày mới có chuyến bay thẳng đến Ninh Bình. Hơn nữa, hiện chúng ta đã có đường bộ cao tốc Hà Nội, Ninh Bình tốt như vậy, xây sân bay Ninh Bình, lại quá gần với Nội Bài, (Cát Bi) Hải Phòng, Thọ Xuân (Thanh Hóa) thì không hiệu quả, thậm chí tốn kém rất lớn".

Chuyên gia Lan cho rằng: "Không chỉ tốn tiền xây dựng, vận hành một sân bay còn mất rất nhiều tiền của về nhân sự, vận hành, công nghệ và thông tin. Riêng nhân viên đài không lưu đâu phải dễ đào tạo, rồi cả an ninh phối hợp hiệp đồng". Vì vậy, các cơ quan Trung ương rất cần kiên quyết bác đề xuất bởi không thể một đất nước có nhiều tỉnh thành mà mỗi tỉnh một sân bay được.

Bà Phạm Chi Lan: "Không thể mọc tua tủa sân bay mà không tính hiệu quả" - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Tổ Nghiên cứu của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Mạnh Quân

"Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển không theo quy hoạch vùng, đó là điều không thể chấp nhận được", chuyên gia Lan nói.

Theo bà Phạm Chi Lan, cách đặt vấn đề như làm sân bay, cảng biển, trường đại học cần trước tiên là hiệu quả kinh tế, thứ 2 là theo quy hoạch cả vùng, có tầm nhìn chứ không nên làm tùy hứng, theo tỉnh. Không phải cứ tỉnh nào cần biển cũng có cảng, cũng muốn có sân bay, cũng muốn có trường đại học.

Bà Lan nhận định, hiện kết nối giao thông nội địa, đường bộ vẫn là loại hình hiệu quả nhất, đứng thứ 2 là mạng lưới đường thủy, đường biển cũng là phương tiện cần phát huy để xóa khoảng cách phát triển và giúp chúng ta phát huy thế mạnh của mình. Ví dụ thay vì xây dựng sân bay thì chúng ta kết hợp làm đường bộ ven biển, phát triển giao thông biển, xây dựng hạ tầng cho du lịch, cho logistics để phát huy thế mạnh của đất nước.

"Không phải chỗ nào cũng mọc tua tủa các sân bay để rồi chỉ kết nối mỗi tỉnh mình. Dù có tầm nhìn dài hạn thì đô thị hóa của thành phố nhỏ, loại 2, 3 cũng rất chậm, không giống như các thành phố lớn. Nhiều người ở nông thôn, cả đời không đi máy bay, vì giá vé cao, không có nhu cầu. Xây ra để phục vụ một số ít người thì càng lãng phí nguồn lực, không hiệu quả", bà Lan nói.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhiều địa phương nói xây sân bay lưỡng dụng hoặc để phát triển du lịch phần lớn là không thuyết phục.

"Không cứ phải xây sân bay mới khuyến khích được du lịch và thậm chí không phải lúc nào du lịch cũng trở thành chỗ dựa cho kinh tế, đặc biệt trong lúc đại dịch Covid-19 hiện nay. Chúng ta đang chứng kiến ngành du lịch tổn thương lớn nhất sau hàng chục thập kỷ phát triển", bà Lan nói.

Chuyên gia Phạm Chi Lan bình luận: Nếu chỉ khuyến khích du lịch bằng máy bay thì lại càng mang tính cục bộ, ngắn hạn bởi khách du lịch có thể đi đến nhiều địa điểm khác nhau trong chuỗi danh lam thắng cảnh chứ không thể chỉ đi đến một địa điểm bằng máy bay rồi về.

Chỉ 6/22 sân bay hiện nay "sống mà không cần trợ giúp"

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, nếu xây thêm sân bay quốc nội mới, chẳng hạn sân bay Ninh Bình thì phải cân đối lại hành khách và phân chia lại vùng địa lý giữa 3 sân bay Nội Bài, Thọ Xuân (Thanh Hóa) và Ninh Bình. Nếu xây thêm sân bay Ninh Bình, nhu cầu khách đi sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) bị giảm xuống, trong khi khách đi Ninh Bình cũng không được bao nhiêu.

Theo ông Tống, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy chỉ các sân bay quốc tế có quy mô lớn và tốc độ phát triển nhanh mới có khả năng thu hút đầu tư để phát triển, còn các sân bay nội địa quy mô nhỏ khó phát triển vì khả năng lợi nhuận không cao, thậm chí lỗ.

PGS.TS Tống cho rằng, nếu hạch toán tài chính đầy đủ hiện các sân bay mới xây đều lỗ, chỉ có 6/22 sân bay quốc tế và nội địa có lãi, còn 16 sân bay khác đều phải bù lỗ để hoạt động.

"Sân bay nào cũng cần đảm bảo về bài toán tài chính, có như thế mới thu hút được tư nhân tham gia đầu tư, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Các địa phương cũng đâu phải chỉ xây sân bay mới phát triển được kinh tế - xã hội, trong khi có thể phát triển mạng cao tốc để kích cầu phát triển", PGS Tống cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận