Chứng khoán Việt Nam 8/9: Cổ phiếu FLC tăng trần trước ngày bị đình chỉ giao dịch
(VOVTV) - Sau phiên sáng diễn biến "lình xình", phiên chiều 8/9 thị trường đã cho thấy mức giảm rõ rệt, đặc biệt vào cuối phiên giao dịch khi lực bán dâng cao.
Đáng chú ý nhất trong phiên hôm nay có lẽ là việc cổ phiếu họ FLC đồng loạt tăng trần trước những thông tin tiêu cực "bủa vây". Theo đó, các mã FLC, AMD, KLF, HAI, ART đều tăng hết biên độ.
Điều đáng nói, cổ phiếu FLC và HAI tăng trần trong bối cảnh 2 cổ phiếu này sẽ bị đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9/2022, do CTCP Tập đoàn FLC và CTCP Nông dược H.A.I tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, để cổ phiếu ROS và FLC giao dịch trở lại thì doanh nghiệp phải khắc phục được những vi phạm khiến các cổ phiếu này bị ngừng và hủy giao dịch, đồng thời doanh nghiệp có nhu cầu khôi phục giao dịch.
Đối cổ phiếu của FLC, cần phải có Báo cáo kiểm toán năm 2021 và báo cáo kiểm toán 6 tháng đầu năm 2022, phải tổ chức đại hội cổ đông… Khi có đủ các điều kiện này, doanh nghiệp có nhu cầu khôi phục giao dịch sẽ được đáp ứng.
Trở lại diễn biến thị trường, hôm nay cổ phiếu đầu ngành là nguyên nhân chính kéo giảm chỉ số VN-Index. Trong rổ cổ phiếu VN30 có 18 mã giảm giá, trong khi chỉ có 11 mã tăng giá.
Sắc đỏ tràn ngập tại nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, dầu khí. Đáng chú ý, nhóm dầu khí không còn mã cổ phiếu nào giữ được sắc xanh.
Ở chiều tích cực, các cổ phiếu đầu ngành thực phẩm đồ uống có diễn biến biến rất tích cực. Theo đó, MSN tăng 2,7%, SAB tăng 2%, VNM tăng nhẹ 0,2%. Sắc xanh cũng lan tỏa tại nhóm cổ phiếu bán lẻ hàng công nghệ. Các mã FRT, MWG, PET, DGW đều có mức tăng khá mạnh.
Cổ phiếu ngành hóa chất cũng là một trong những nhóm hiếm hoi tăng giá. Cụ thể, BFC, DPM, DCM, CSV, DGC… ở chiều giá xanh.
Thị trường đi xuống và nhà đầu tư nước ngoài "tranh thủ" mua ròng. Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng 75,35 tỷ đồng trên HOSE và 1,79 tỷ đồng trên HNX. Trên UPCOM, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng 5,4 tỷ đồng.
Chốt phiên giao dịch 8/9, VN-Index giảm 8,57 điểm xuống 1.234,6 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch đạt hơn 599,6 triệu đơn vị, tương ứng hơn 14.415,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 151 mã tăng giá, 317 mã giảm giá và 70 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 1,9 điểm xuống 282,15 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 80,5 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.486 tỷ đồng. Toàn sàn có 73 mã tăng giá, 115 mã giảm giá và 49 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,07 điểm xuống 90,31 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 44,4 triệu đơn vị, tương ứng hơn 814,1 triệu đơn vị. Toàn sàn có 105 mã tăng giá, 171 mã giảm giá và 62 mã đứng giá.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), nhà đầu tư tiếp tục quan sát việc Ngân hàng Nhà nước phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại cho các ngân hàng và diễn biến tỷ giá, cũng như các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục động thái tăng lãi suất quyết liệt trong tháng 9.
SSI cũng không loại trừ khả năng thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến tiêu cực sẽ gây áp lực điều chỉnh lên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Xu hướng của chỉ số thị trường trong tháng 9 sẽ phụ thuộc vào kết quả kiểm định lại vùng kháng cự 1.285 điểm trên VN-Index. Nếu chinh phục và duy trì ổn định trên mốc 1.285 điểm kể trên, chỉ số sẽ mở rộng đà hồi phục lên vùng 1.300 – 1.310 điểm. Ngược lại, nếu chỉ số điều chỉnh trở lại từ vùng 1.285 điểm , SSI nhận thấy khu vực 1.220 điểm là vùng hỗ trợ tốt cho chỉ số.
SSI khuyến nghị nhà đầu tư tập trung quan sát những mã cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng quý III, xa hơn là tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2022 vượt trội và gia tăng tỷ trọng khi chỉ số VN-Index vượt một cách thuyết phục vùng cản 1.285 điểm, hay lùi về sát vùng hỗ trợ 1.250-1.220 điểm là chiến lược SSI đề xuất cho tháng 9.
Tin nổi bật
Tin Video