Tin tức

Châu Âu làm thế nào để giảm ảnh hưởng của xung đột Ukraine đến giá xăng dầu?

(VOVTV) - Giá xăng dầu và khí đốt ở các quốc gia châu Âu tăng vọt, Liên minh châu Âu gặp thế khó khi không biết nên "hành xử" thế nào để tránh ảnh hưởng tới người dân.

Tác giả Kông Anh / VOVTV
12/03/2022 11:31

Nhà Trắng vừa chính thức công bố lệnh cấm nhập dầu và khí đốt từ Nga. Cần nhớ rằng, trước khi đi đến quyết định này, Tổng thống Joe Biden đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Pháp, Đức và Anh để tham vấn, tìm kiếm sự ủng hộ từ đồng minh châu Âu trong vấn đề này.

Quyết định của Mỹ dường như đang đẩy EU vào thế khó khi Washington nhập khẩu dầu và khí đốt từ Moskva với tỉ trọng thấp, trong khi EU phụ thuộc rất lớn từ Nga về nguồn năng lượng được gọi là “vàng đen” này. Lãnh đạo các quốc gia châu Âu hiểu rằng, nếu làm theo Mỹ, hậu quả đối với kinh tế của họ sẽ là khôn lường.

Thế khó của EU

Trong chiến dịch trừng phạt Nga liên quan đến việc Moskva tấn công Ukraine, Mỹ và đồng minh châu Âu tung ra loạt đòn trừng phạt đối với Moskva, với mục đích là khiến cho kinh tế Nga tê liệt, rơi vào cảnh bị cô lập với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, EU đang ở vào thế “tiến thoái lưỡng nan” trước lời kêu gọi của Washington trong việc đưa ra quyết định cấm hay không cấm dầu và khí đốt của Nga.

Châu Âu làm thế nào để giảm ảnh hưởng của xung đột Ukraine đến giá xăng dầu? - Ảnh 1.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden mạnh tay cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga.

Sự lưỡng lự của EU cũng không phải là khó hiểu bởi khối này đang phải phụ thuộc vào Nga về năng lượng. Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và khoảng 60% trong số đó xuất sang châu Âu. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năm 2021, EU nhập khẩu khoảng 45% lượng khí đốt từ Nga. Năm 2020, nhập khẩu dầu của Nga chiếm khoảng 25% lượng dầu thô mua của khối.

Đức là đối tác năng lượng bền chặt suốt chục năm qua của Nga. Trong EU, nước này là quốc gia nhập khẩu khí đốt nhiều nhất từ Moskva khi một nửa khí đốt của nước này đến từ Nga. Trong khi đó, khoảng 34% dầu thô của Đức nhập từ Nga vào năm ngoái. Do đó, Berlin  sẽ bị tổn thương nhất nếu châu Âu cấm nhập năng lượng từ Nga.

Mặc dù trước khi đi đến quyết định trừng phạt Nga, chính quyền Biden đã tham vấn đồng minh châu Âu của mình song điều này dường như chỉ mang tính hình thức. Bởi vì, Washington hiểu rằng, các đồng minh ở châu Âu sẽ không thể tham gia lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Điều này cũng không quá khó hiểu, khi Mỹ ở vị thế khác, không lệ thuộc vào năng lượng từ Nga. Năm ngoái, Nga chiếm khoảng 3% tổng lượng dầu thô nhập khẩu nước ngoài của Mỹ và khoảng 1% tổng nguồn cung của Washington. Khoảng 35% nguồn cung của Mỹ đến từ các đối tác quốc tế, trong khi khoảng 65% được sản xuất trong nước.

Nga là nhà xuất khẩu lớn thứ tư vào Mỹ trong năm 2021 với 72 triệu thùng dầu, sau Canada (khoảng 1,4 tỷ thùng); Mexico (212 triệu thùng) và Ả rập Xê-út (130 triệu thùng). Tuy nhiên, nguồn cung năng lượng của Mỹ rất đa dạng, đến từ nhiều quốc gia khác như Colombia (65 triệu thùng); Ecuador (54 triệu); Iraq (55 triệu); Brazil (37 triệu); Nigeria (39 triệu); Libya (32 triệu); Guyana (27 triệu); và Vương quốc Anh (14 triệu).

Rõ ràng, với sự đa dạng nguồn cung và tỷ trọng dầu và khí đốt nhập khẩu từ Nga thấp, Mỹ hoàn toàn mạnh tay, đơn phương tung đòn trừng phạt Moskva mà không cần sự ủng hộ theo kiểu “tiền hô hậu ủng” từ đồng minh châu Âu. Ngược lại, các quốc gia châu Âu phải cân nhắc “thiệt hơn” trước khi quyết định có theo Mỹ trừng phạt Nga hay không, bởi nếu quyết định sai hậu quả đối với kinh tế của khối sẽ rất khủng khiếp.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak từng cảnh báo việc cấm nhập khẩu dầu của Nga sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc đối với thị trường châu Âu mà còn cả với toàn cầu. Ông cho rằng, giá dầu có thể tăng hơn gấp đôi lên hơn 300 USD/thùng nếu điều đó xảy ra.

Các chuyên gia cũng khẳng định, châu Âu sẽ không thể tồn tại dù chỉ 2 tháng nếu không có nguồn cung cấp khí đốt của Nga bởi chỉ có lượng dự trữ khí đốt dùng trong khoảng 1,5 - 2 tháng. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Confartigianato, người tiêu dùng Italy sẽ phải trả thêm 15,4 tỷ euro còn các doanh nghiệp sẽ phải móc hầu bao thêm 29,4 tỷ euro trong 6 tháng đầu năm 2022 do giá năng lượng tăng.

Trong nhiều thập kỷ, Nga là điểm đến quan trọng của các công ty châu Âu trên một loạt ngành, bao gồm tài chính, nông nghiệp và thực phẩm, năng lượng, ô tô, hàng không vũ trụ và hàng xa xỉ. Hầu hết tập đoàn lớn của EU đều kinh doanh lớn ở Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Do đó, điều này sẽ buộc châu Âu phải đắn đo khi tung đòn trừng phạt kinh tế đối với Moskva.

Châu Âu làm thế nào để giảm ảnh hưởng của xung đột Ukraine đến giá xăng dầu? - Ảnh 2.

Giá xăng dầu và khí đốt toàn cầu tăng mạnh trước các đòn trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Điều mà EU có thể làm lúc này là theo dõi tình hình, đưa ra những tuyên bố mang tính ngoại giao nhằm trấn an Mỹ. Theo đó, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết EU có thể dần dần loại bỏ ít nhất 155 tỷ m3 khí, tương đương với khối lượng khí đột nhập khẩu từ Nga trong năm 2021. Gần 2/3 mức giảm đó có thể đạt được trong vòng một năm, chấm dứt sự phụ thuộc quá mức của EU vào một nhà cung cấp duy nhất.

Phương án dự phòng?

Hưởng ứng cuộc chiến kinh tế mà Mỹ đang phát động trong việc trừng phạt Nga liên quan đến tình hình Ukraine, EU đã áp đặt loạt biện pháp cấm vận đối với Moskva trên lĩnh vực chính trị, thương mại cho đến tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, một khi liên quan đến lợi ích kinh tế, EU không thể bất chấp tất cả để chạy theo Washington.

Cần lưu ý rằng, đòn trừng phạt mạnh mẽ nhất mà EU áp đặt đến thời điểm này là loại loạt ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Tuy nhiên, đáng chú ý, trong danh sách các ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT được EU thông qua ngày 01/3, không có 2 ngân hàng lớn trong lĩnh vực năng lượng là Sberbank và Gazprombank.

Việc chưa dám loại bỏ các ngân hàng lớn của Nga trong lĩnh vực năng lượng cho thấy, trong ngắn hạn EU vẫn chưa thể tìm ra được giải pháp thay thế cho nguồn cung khí đốt đến từ Nga. Do vậy, trước mắt, khối này vẫn chưa thể sớm chấm dứt việc giao dịch năng lượng với Nga, nếu không muốn gánh các tác động kinh tế nghiêm trọng.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng, sự lệ thuộc vào dầu và khí đốt của EU đối với Nga mang tính “hữu hình” và liên minh này cần phải nhanh chóng loại bỏ điều này. Đồng quan điểm, Anh cũng chỉ cho biết nước này sẽ "giảm dần nhập khẩu dầu và chế phẩm từ dầu mỏ của Nga trước cuối năm nay" bằng cách tăng năng lực tự sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, trước mắt, để làm được điều này là không dễ. Bởi muốn rũ bỏ sự lệ thuộc vào Moskva, EU nói chung và Đức nói riêng phải tìm được nguồn cung thay thế từ Nga. Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng thừa nhận, nước này không thể ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga trong "một sớm một chiều". Tuy nhiên, ông cũng cho biết Đức đang đẩy nhanh kế hoạch mở rộng việc sử dụng các nguồn năng lượng thay thế.

Châu Âu làm thế nào để giảm ảnh hưởng của xung đột Ukraine đến giá xăng dầu? - Ảnh 3.

Châu âu đang loay hoay tìm kiếm nguồn cung dầu và khí đốt thay thế Nga.

Người đứng đầu cơ quan ngoại giao của EU Josep Borrell cho biết, EU sẽ không áp đặt các hạn chế đối với việc nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Liên minh này không theo Mỹ về vấn đề này và sẽ cố gắng tìm kiếm các nguồn khí đốt thay thế.

“Phản ứng và hành động của châu Âu chống lại Nga sẽ có các hậu quả kinh tế và châu Âu cần chuẩn bị cho điều đó. Đừng nghĩ rằng châu Âu có thể làm bất cứ điều gì cần làm mà lại không đối mặt với hậu quả”, ông Josep Borrell thừa nhận.

Trước tình hình hiện nay, EU đã liên hệ với một số nhà cung cấp khí LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) từ Qatar, Algeria, Nigeria và đặc biệt là Mỹ. Theo dữ liệu từ Refinitiv châu Âu đã nhập khẩu khối lượng khí LNG lớn nhất trong lịch sử 11,8 tỷ m3 trong tháng 1 năm nay, trong đó 45% khối lượng này đến từ Mỹ. Thế nhưng, trên thực tế, nguồn cung của Washington cũng vẫn không thể liên tục.

Cùng với đó, giá khí LNG cũng là một vấn đề khi đã tăng gấp 3 lần chỉ trong giai đoạn từ tháng 10 đến 12/2021. Trong khi đó, đối với dầu hoặc than, chi phí môi trường sẽ rất thảm khốc, nhất là vào đúng thời điểm mà châu Âu theo đuổi các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen từng khẳng định, châu Âu sẽ không gặp vấn đề về khí đốt trong mùa đông này, ngay cả khi nguồn cung cấp từ Nga bị cắt hoàn toàn. Tuy nhiên, JPMorgan Chase dự báo, châu Âu không phải không đủ nguồn cung nhưng sẽ tốn kém hơn. Ngay cả khi không có việc cắt giảm khí đốt của Nga, châu Âu cũng sẽ phải chi khoảng 1.000 tỷ USD cho năng lượng trong năm nay so với con số 500 tỷ USD vào năm 2019.

Đối với Đức, việc đảm bảo dòng chảy liên tục của dầu và khí đốt rất quan trọng đối với nước này. Tuy nhiên, dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) được thiết lập để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Đức thông qua nguồn cung khí đốt tự nhiên giá rẻ từ Nga, đã hoàn thành song Berlin đã hủy bỏ chứng nhận để đáp trả việc Nga tấn công Ukraine.

Việc tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga là bài toán cần phải sớm có lời giải đối với quốc gia này. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck mới đây cho biết, Đức sẽ xây dựng 2 cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để nhập khẩu từ các nhà cung cấp như Mỹ. Trong khi đó, Đức đã vượt các mục tiêu đặt ra trong kế hoạch năm 2030 của EU, trong đó kêu gọi 32% tổng năng lượng được tạo ra từ các nguồn tái tạo.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận