Cái giá Trung Quốc phải trả cho chiến lược 'Zero Covid-19'
Chính sách "không khoan nhượng với Covid-19" đã mang lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát dịch bệnh, song cũng gây thiệt hại không nhỏ lên nền kinh tế của nước này.
Công ty Du lịch Quốc tế Beizhong ở phía đông thành phố Thiên Tân chỉ có một khách hàng kể từ khi dịch bùng phát trở lại vào tháng 7, do Trung Quốc gia hạn việc đóng cửa thành phố và kiểm soát việc đi lại.
Chiến lược “không khoan nhượng” của Trung Quốc là cố gắng cách ly mọi ca nhiễm và ngăn chặn sự lây của virus. Chính chiến lược này đã giúp giữ cho quốc gia từng chứng kiến dịch bùng đầu tiên trên thế giới gần như thoát khỏi dịch bệnh về sau này. Tuy nhiên, người dân và các doanh nghiệp đang phải trả giá đắt.
"Vào năm 2019, đây là mùa bận rộn nhất của chúng tôi", Giám đốc đại lý Wang Hui cho biết. "Hiện nay, khách hàng có xu hướng trì hoãn kế hoạch du lịch do dịch bệnh bùng phát. Tình hình năm nay còn tệ hơn năm trước".
Chuẩn bị cho Olympics
Trung Quốc đóng cửa với hầu hết du khách nước ngoài và không khuyến khích công chúng đi du lịch.
Hầu hết các địa phương ở Trung Quốc đều không có virus lây lan, song phản ứng đột ngột và nghiêm trọng của chính quyền đối với các đợt bùng phát dịch đã khiến khách du lịch lo ngại về việc di chuyển đến những nơi mà họ có thể bị cấm rời đi. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu tiêu dùng, cản trở nỗ lực duy trì đà phục hồi kinh tế.
Thế vận hội Bắc Kinh 2022 sẽ bắt đầu vào ngày 4/2/2022 tại Bắc Kinh và thành phố Trương Gia Khẩu gần đó, song chính phủ vẫn chưa cho biết liệu các hạn chế có được nới lỏng để cho phép khán giả vào xem thi đấu hay không.
Chính phủ vẫn chưa đưa ra thông tin cuối cùng về các biện pháp chống dịch cho Thế vận hội Mùa đông. Khoảng 2.900 vận động viên sẽ tham gia thi đấu, cộng thêm 800 vận động viên nữa trong Thế vận hội Mùa đông Paralympic diễn ra trong các ngày 4-13/3/2022.
Trung Quốc ghi nhận 4.636 trường hợp tử vong - và không có trường hợp nào kể từ tháng 2 - trong số 95.577 trường hợp nhiễm bệnh kể từ đầu năm 2020. Con số này nhỏ hơn số liệu lây nhiễm mới trong một ngày ở Mỹ, Ấn Độ và một số quốc gia khác.
Kể từ tháng 7, các đợt bùng phát do biến chủng Delta đã xảy ra ở Nam Kinh phía tây Thượng Hải, Phủ Điền và Hạ Môn ở phía đông nam và tỉnh Vân Nam ở phía tây nam. Tuy nhiên, số ca mắc lên đến hàng chục, không phải hàng chục nghìn ca nhiễm mới hàng ngày như được ghi nhận ở các nước khác.
Ảnh hưởng kinh tế
“Mọi người rõ ràng đang lo lắng họ có thể bị mắc kẹt ở các điểm du lịch nếu có ca mắc mới xuất hiện”, nhà kinh tế Iris Pang của ING cho biết trong một báo cáo.
Các nhà chức trách vào ngày 12/9 đã ngăn hầu hết lượt di chuyển vào Phủ Điền, thành phố có 2,9 triệu dân ở tỉnh Phúc Kiến, sau đợt bùng phát có thể bắt nguồn từ một người dân trở về từ Singapore. Rạp chiếu phim, quán bar và các cơ sở công cộng khác đã bị đóng cửa. Các siêu thị và nhà hàng được lệnh giới hạn số khách hàng.
Hạ Môn, một trung tâm thương mại ven biển ở Phúc Kiến với 3,5 triệu dân, đã đóng cửa một số khu vực lân cận sau khi phát hiện các ca nhiễm ở đó. Trường học cũng bị đóng cửa.
Một doanh nhân bán giày sản xuất tại Phủ Điền cho biết việc kiểm soát dịch bệnh bùng phát và chống dịch bệnh đã đóng cửa ngành công nghiệp địa phương này.
"Khách hàng đang thúc giục chúng tôi giao hàng, nhưng các nhà máy đã ngừng hoạt động", thương gia Su Ye cho biết. Cô cho biết tháng 9 và tháng 10 thường bận rộn, song sự gián đoạn trong khâu sản xuất và giao hàng "sẽ khiến đơn đặt hàng giảm nhiều".
Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc nên áp dụng các chiến thuật linh hoạt hơn, bởi chính sách "không khoan nhượng" quá khắc nghiệt và biến thể mới có thể không bị xóa bỏ.
"Điểm mấu chốt là tôi không nghĩ rằng họ có thể ngăn chặn virus và họ cần phải sống chung với thực tế", Nicholas Thomas, giáo sư về an ninh y tế tại Đại học Thành thị Hong Kong, cho biết.
Hiện tại, lượng khách du lịch nước ngoài đến Trung Quốc đã ngừng, đồng nghĩa với việc nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp phải dừng hoạt động.
Thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc đồng nghĩa với việc hạn chế đi lại (quốc tế) “không ảnh hưởng nhiều đến Trung Quốc nhưng với các quốc gia như Thái Lan - vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch”, chuyên gia Trinh Nguyen của Natixis, một công ty tài chính của Pháp, cho biết trong một email.
Các cửa hàng trực tuyến và sàn thương mại điện tử đã gặt hái được nhiều thành công dù trong giãn cách. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng nhỏ, nhà hàng và doanh nghiệp khác vẫn phải hứng chịu làn sóng phá sản.
Mục tiêu phục hồi
Hai nhà kinh tế Larry Hu và Xinyu Ji của Macquarie cho biết: “Chính sách không khoan nhượng đã mang lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát Covid-19, song chi phí ngắn hạn cũng rất cao”.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng vào năm 2020 sau khi chính quyền tuyên bố đã kiểm soát được virus vào tháng 3 và cho phép các nhà máy, cửa hàng và văn phòng mở cửa trở lại. Sản lượng ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã giảm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các nhà dự báo khu vực tư nhân đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn kỳ vọng sản lượng sẽ tăng tới 8,5% trong năm 2021, tăng mạnh so với mức thấp nhất của năm 2020 là 2,3% và cao hơn nhiều so với mục tiêu của chính quyền là "hơn hơn 6%".
Sản lượng xuất khẩu trong tháng 8 đã tăng 25,6% so với năm 2020, song tăng trưởng chỉ tiêu bán lẻ giảm xuống từ 8,5% còn 2,5% so với tháng 7.
Chính phủ thông báo đã tiêm phòng cho hơn 1 tỷ người, tương đương 71% dân số. Dù các cơ quan quản lý đã phê duyệt khẩn cấp 9 loại vaccine Covid-19, hầu hết vaccine tiêu thụ đều do công ty địa phương Sinopharm hoặc Sinovac sản xuất. Trung Quốc vẫn chưa phê duyệt Pfizer, Moderna hoặc các loại vaccine khác được sử dụng ở nước ngoài.
Tin nổi bật
Tin Video