Bức tranh kinh tế Việt Nam và vùng ĐBSCL ra sao khi dịch Covid-19 được kiểm soát
(VOVTV) - Với chủ đề "Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022". Hội thảo bằng hình thức trực tuyến được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ phối hợp cùng Cơ quan Thường trú Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) tại ĐBSCL và Trung tâm Trọng Tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức sáng ngày 1/10.
Đây là cơ hội để các nhà quản lý địa phương, doanh nghiệp vùng ĐBSCL hiểu rõ hơn về bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước trong đại dịch Covid-19, những thách thức phải đối mặt cũng như nắm bắt, xây dựng chính sách và kế hoạch kinh doanh thích ứng khi bước vào giai đoạn phục hồi.
Hội thảo với sự tham dự của ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng – Tổng Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam; ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các tổ chức quốc tế; các sở ban ngành, viện trường, nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, hiệp hội doanh nghiệp, và doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
Theo báo cáo của VCCI Cần Thơ, dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp của cả nước, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam.
Hội thảo trực tuyến Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022
Trong 8 tháng đầu năm, cả nước có hơn 81.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.133 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 598.000 lao động; số doanh nghiệp, vốn đăng ký và số lao động đều giảm so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, có khoảng 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại ĐBSCL, một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước với các thế mạnh về xuất khẩu thủy sản, trái cây, lúa gạo nhưng tác động dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 diễn ra đã khiến vùng ĐBSCL chịu tác động nặng nề. Hầu như các nhà máy, xí nghiệp chế biến phải đóng cửa và ngừng hoạt động.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của vùng ĐBSCL trong tháng 8 đạt 1,97 tỷ USD, giảm gần 50% so với tháng 7. Vùng ĐBSCL có hơn 2.100 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Điều này cho thấy, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường của cả nước cũng như ở khu vực ĐBSCL gia tăng trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 lần thứ 4.
Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều hơn thành lập mới
Phát biểu tại Hội thảo, ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tổng sản phẩm trong nước quý III ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Ngoài ra, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới, trong 9 tháng đầu năm có hơn 90.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường (trung bình mỗi tháng có 10 nghìn doanh nghiệp).
Theo ông Võ Tân Thành, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc nhiều ngành kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng ĐBSCL, con số các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong ba tháng qua lên tới gần 90%. Ngoài ra, các doanh nghiệp duy trì hoạt động "3 tại chỗ" chỉ hoạt động được từ 5-10% công suất trong khi chi phí rất cao. Tuy đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng như GDP 9 tháng tăng trưởng dương 1,42%.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Võ Tân Thành cho rằng, sau một thời gian dài chống dịch, nhiều tỉnh thành trong vùng ĐBSCL từng bước nới lỏng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế của các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu tại các nước này tăng cao. Triển vọng xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cuối năm 2021 được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi và tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Ông Võ Tân Thành nói: "Thời điểm mở cửa lại là thời điểm doanh nghiệp phải thực sự tăng tốc, chiến đấu trong trạng thái vô cùng yếu ớt sau một thời gian dài "ngủ đông", với muôn vàng khó khăn đặt ra như thiếu vốn, thiếu hụt nguồn lao động, nguyên vật liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu của khách hàng thay đổi.
Trong bối cảnh "bình thường mới", tuy có nhiều tín hiệu tích cực, lạc quan nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, bên cạnh vai trò đồng hành và tiếp sức của Chính phủ, chính quyền các cấp, thì những nổ lực, sáng kiến, giải pháp thích ứng và hướng đi phù hợp của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn".
Cộng đồng doanh nghiệp đầy khát vọng vươn lên
Phát hiểu trong hội thảo, ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam bày tỏ, thấu hiểu những khó khăn doanh nghiệp trong nước nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng đang gánh chịu trước tác động của dịch bệnh Covid-19. Trong khó khăn mà nhiều doanh nghiệp vẫn có nhiều hành động ý nghĩa như đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào quỹ phòng chống Covid-19, quỹ vaccine, các hoạt động thiện nguyện... thật cảm động. Hoạt động không mệt mỏi của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thời gian qua đã ghi nhận, biểu dương, tôn vinh kịp thời những nghĩa cử này.
Ông Đỗ Tiến Sỹ cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khôi phục phát triển sản xuất là yêu cầu sống còn. Không thể tiếp tục để một vùng đất nhiều tiềm năng như ĐBSCL phải chứng kiến cảnh thủy sản, lúa gạo, trái cây không có thương lái đến mua, doanh nghiệp thì thiếu nguyên liệu, thiếu công nhân, giao thương ách tắc.
"Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm lắng nghe, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn và sẽ còn nhiều giải pháp nữa trong thời gian tới. Những giải pháp từ phía cơ quan quản lý là chưa đủ, còn cần sự chủ động thích ứng từ phía doanh nghiệp. Các vấn đề đặt ra là: thích ứng để an toàn vượt qua dịch bệnh, thích ứng với thị trường mới, thích ứng với sự phát triển công nghệ, với biến đổi khí hậu… Khái niệm "thích ứng an toàn", Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần thời gian qua không chỉ để đối phó với dịch, mà còn có ý nghĩa về lâu dài cho phát triển", ông Đỗ Tiến Sỹ nói.
Ông Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh, với tư cách là một cơ quan báo chí chủ lực của Nhà nước, là cơ quan truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện, đa ngôn ngữ, với đầy đủ 4 loại hình báo chí là báo nói, báo hình, báo điện tử và báo in, Đài Tiếng nói Việt Nam với thương hiệu VOV luôn là người bạn đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam suốt những chặng đường lịch sử. Những gương doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu luôn được biểu dương; những thiếu sót được phê bình, góp ý kịp thời. Những góp ý, ý kiến, những khó khăn và thậm chí cả những bức xúc của doanh nghiệp luôn được Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển tải đến Chính phủ, các bộ ngành, các cấp quản lý, các địa phương một cách trung thực, kịp thời, có tính xây dựng.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ cho rằng, với tư cách là cầu nối ngôn luận giữa Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn là người bạn đồng hành tin cậy, tích cực, sáng tạo và có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp. Thành công của cộng đồng doanh nghiệp cũng là thành công của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ông Đỗ Tiến Sỹ nói: "Chúng ta có thị trường trong nước gần trăm triệu dân, chúng ta có mối bang giao kinh tế ngày càng rộng mở, được quốc tế tin cậy, với nhiều hiệp ước kinh tế, thương mại, đầu tư đa phương thế hệ mới đã và sẽ tiếp tục có hiệu lực. Và quan trọng là chúng ta có một cộng đồng doanh nghiệp đầy khát vọng vươn lên.
Những nền tảng này và bằng những việc làm cụ thể vừa qua của toàn hệ thống chính trị, chúng ta có niềm tin sâu sắc rằng, cộng đồng doanh nghiệp chúng ta với nhiều thành phần khác nhau nhất định sẽ cùng vượt qua khó khăn, tiếp tục xây dựng nên một Việt Nam giàu mạnh".
Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia kinh tế đã nêu những khó khăn, thách thức đặt ra trong bối cảnh hiện nay khi phục hồi kinh tế, vấn đề chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, các địa phương để phục hồi sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn tới. Những thách thức, triển vọng kinh tế của Việt Nam và ĐBSCL khi bước vào giai đoạn sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
Tin nổi bật
Tin Video