Bình Dương: Đối tượng 'ngáo đá' tấn công, giết người khiến người dân lo sợ
(VOVTV) - Công an tỉnh Bình Dương cho biết, từ năm 2019 đến nay, địa bàn tỉnh xảy ra 53 trường hợp đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (hay còn gọi là "ngáo đá") thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Các đối tượng "ngáo đá" có các hành động, như: khỏa thân la hét đi lại nơi công cộng; dùng dao, gậy đuổi đánh người đi đường; leo lên trụ điện cao thế, nhà cao tầng; khóa cửa cố thủ trong nhà, mở bình gas dọa đốt nhà, đốt xe và tấn công người thân trong gia đình; trộm cắp tài sản, gây thương tích và giết người...
Một số vụ việc cụ thể gây tâm lý hoang mang lo sợ cho quần chúng nhân dân như vụ đối tượng Nguyễn Văn Thành (21 tuổi, quê Thanh Hóa) do ngáo đá đã xông vào phòng ở của 2 người dân tại khu nhà ở xã hội Bình Dương nhốt nạn nhân trong phòng đe dọa cho nổ bình gas. Hay vụ Lê Văn Quyết (33 tuổi, ở xã An Bình, tỉnh Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), ngáo đá dùng dao đâm gục mẹ ruột sau đó dùng kéo đâm tự sát tại.
Một vụ khác cũng ở huyện Phú Giáo là vụ đối tượng Võ Văn Quyên (19 tuổi) trong lúc ngáo đá đã lấy trộm xe máy, sau đó vào nhà cụ ông Lê Văn Đường (84 tuổi, bị tai biến nằm một chỗ) dùng gậy đánh chết và cắn đứt một số bộ phận trên cơ thể của cụ ông rồi sốc thuốc chết...
Theo Công an tỉnh Bình Dương, những năm qua, số người nghiện ma túy trên địa bàn tăng. Hiện, công an các địa phương đang quản lí 3.315 người nghiện, trong đó 65,5% là người nghiện ở ngoài xã hội. Đây là nguồn phát sinh tội phạm hình sự, nhất là cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản. Người nghiện đang có xu hướng chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp, phổ biến nhất là ma túy đá, thuốc lắc và cỏ Mỹ. Dưới tác dụng của ma túy lên hệ thần kinh làm đối tượng bị loạn thần “ngáo đá” gây ra những hành vi xâm hại sức khỏe, tính mạng người khác, gây mất an ninh trật tự và gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về kinh tế, trật tự an toàn xã hội.
Để phòng, chống tệ nạn ma túy, công an các địa phương trong tỉnh Bình Dương đang tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là học sinh- sinh viên để luôn “nói không với ma túy” và có hành động tự giác đấu tranh phòng, chống ma túy, tội phạm ma túy.
Công an các địa phương mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và điều tra, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm, đối tượng hoạt động về ma túy trên địa bàn, đưa các đối tượng ra truy tố theo quy định của pháp luật.