Lăng kính

Vì sao sau nhiều năm, Nga lại triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus?

(VOVTV) - Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi người dân nước này hãy "cầu nguyện" sau khi lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Tổng thống Nga Putin công bố kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân ở Belarus. Theo đó, Moscow sẽ gửi vũ khí hạt nhân tới Belarus và đây sẽ là lần đầu tiên Nga triển khai loại vũ khí này ra ngoài biên giới kể từ đầu những năm 1990. Lý do đằng sau của việc triển khai vũ khí này là gì?

Tác giả Lương Trang / VOVTV
29/03/2023 07:59


Vì sao sau nhiều năm, Nga lại triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus?

Nga tuyên bố chỉ làm đúng những gì mà Mỹ đã làm trong nhiều thập kỷ

Ngày 25/3, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, Nga và Belarus đã đạt được thỏa thuận triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus. Đây được coi là nỗ lực mới của Nga nhằm nâng cao lợi ích trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Trước đó, Tổng thống Nga cũng như các quan chức hàng đầu của Nga đã khẳng định, Moskva sẵn sàng sử dụng "mọi phương tiện sẵn có" để bảo vệ lãnh thổ của mình.

Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, quốc gia có biên giới dài 1.084 km với Ukraine, sẽ cho phép máy bay và tên lửa của Nga tiếp cận các mục tiêu tiềm năng ở đó dễ dàng và nhanh chóng hơn nếu Moskva quyết định sử dụng chúng. Năm ngoái, Belarus đã cho phép lực lượng Nga sử dụng lãnh thổ để tiến quân vào Ukraine, mở đầu cho chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2/2022.

Trong bài phát biểu hôm 25/3, Tổng thống Putin cho biết nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus là việc Anh quyết định cung cấp cho Ukraine đạn xuyên giáp có chứa uranium nghèo. Ông Putin tuyên bố rằng những quả đạn như vậy có thành phần hạt nhân, và Nga sẽ có phản ứng tương xứng.

Nhà lãnh đạo Nga cũng nói rằng, bằng cách triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, Nga chỉ làm đúng những gì mà Mỹ đã làm trong nhiều thập kỷ qua khi đặt vũ khí hạt nhân của họ ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông tuyên bố động thái của Nga không vi phạm hiệp ước quốc tế cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, mặc dù trước đó Moskva lập luận rằng Mỹ đã vi phạm hiệp ước với việc triển khai vũ khí này trên lãnh thổ của các đồng minh NATO.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng Moskva sẽ giữ quyền kiểm soát đối với bất kỳ vũ khí hạt nhân nào được triển khai tới Belarus, giống như Mỹ kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình trên lãnh thổ của các đồng minh NATO. Nếu Moskva gửi vũ khí hạt nhân tới Belarus, thì đây sẽ là lần đầu tiên nước này triển khai loại vũ khí này bên ngoài biên giới Nga kể từ đầu những năm 1990.

Phản ứng của Ukraine và Phương Tây

Theo một số nhà phân tích phương Tây, đây là nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm răn đe các nước NATO, ngăn cản các đồng minh phương Tây của Ukraine cung cấp thêm vũ khí cho Kiev trong bối cảnh đang sẵn sàng cho một cuộc phản công nhằm giành lại những vùng lãnh thổ đã mất kiểm soát.

Ukraine đã lập tức kêu gọi triệu tập họp Hội đồng bảo an LHQ để đưa ra phản ứng về việc này.

Trong khi đó, phương Tây lo ngại, việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sẽ mở rộng khả năng của Nga nhằm vào một số thành viên NATO ở Đông và Trung Âu. Liên minh châu Âu tuyên bố, việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus sẽ đồng nghĩa với "sự leo thang vô trách nhiệm", gây ra mối đe dọa đối với an ninh châu Âu. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Châu Âu Josep Borrell nói rằng, “EU sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt tiếp theo. Đức gọi hành động của Nga là một sự đe dọa.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi người dân nước này hãy "cầu nguyện" sau khi Tổng thống Nga Putin công bố kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân ở Belarus lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.

Trong đăng tải trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump quy trách nhiệm cho chính quyền Tổng thống Mỹ Biden về "tình hình này".

NATO cho biết, họ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình xung quanh việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus, nhưng cho đến nay khối này không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về tiềm năng hạt nhân của Matxcơva.

Trước những phản ứng từ các nước, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố, kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW) tại Belarus vẫn không thay đổi.

Mới nhất, ngày 27/3, Nga và Belarus đã ký 13 văn kiện làm sâu sắc hơn các quá trình hội nhập giữa hai nước này trong khuôn khổ Nhà nước liên minh. Theo các văn kiện đã ký, Nga và Belarus sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thăm dò vũ trụ, công nghệ vi điện tử, an ninh biên giới, hải quan và các lĩnh vực khác.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận