ICC ra lệnh "bắt giữ" Tổng thống Putin, Nga phản ứng điều tra ngược lại
(VOVTV) - Tuyên bố hành động của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) là dấu hiệu cho thấy sự thù địch rõ ràng nhằm vào Nga và cá nhân Tổng thống Putin, Nga quyết định điều tra ngược lại đối với Tòa án Hình sự quốc tế.
Nga điều tra Tòa án Hình sự Quốc tế sau lệnh "bắt giữ" Tổng thống Putin
Ngày 20/3, Ủy ban Điều tra Liên bang Nga đã mở một cuộc điều tra hình sự nhằm vào các công tố viên và thẩm phán của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), những người đã ra lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thông báo của ủy ban Điều tra Liên bang Nga nêu rõ: "Ủy ban Điều tra Liên bang Nga đã mở một vụ án hình sự chống lại công tố viên Karim Ahmad Khan của ICC cùng các thẩm phán Tomoko Akane, Rosario Salvatore Aitala và Sergio Gerardo Ugalde Godinez Godinez".
Theo ủy ban này, hành động của công tố viên ICC có dấu hiệu phạm tội theo luật pháp Nga khi vu khống một người vô tội phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như tìm cách tấn công đại diện của một quốc gia nước ngoài được bảo vệ theo luật pháp quốc tế nhằm gây phức tạp quan hệ quốc tế.
Ủy ban Điều tra Liên bang Nga nhấn mạnh theo Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội phạm chống lại những người được quốc tế bảo vệ ngày 14/12/1973, các nguyên thủ quốc gia được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối đối với quyền tài phán của các quốc gia nước ngoài.
Trước đó, ngày 17/3, công tố viên ICC Karim Ahmad Khan gửi đơn yêu cầu ICC ra lệnh bắt giữ công dân Nga. Trên cơ sở đơn thỉnh cầu này, các thẩm phán của ICC đã ban hành các quyết định bắt giữ Tổng thống Nga Putin và ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em.
Quyết định này ngay lập tức khiến Nga phản ứng.
Phản ứng của Nga: Quyết định bắt giữ Tổng thống Putin của ICC là hành động thù địch
Ngày 20/3, phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: Quyết định phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) là dấu hiệu cho thấy sự thù địch rõ ràng nhằm vào Nga và cá nhân Tổng thống Putin.
“Chúng ta đang chứng kiến một loạt biểu hiện thù địch rõ ràng nhằm vào nước Nga và Tổng thống. Chúng tôi ghi nhận chúng nhưng sẽ bình tĩnh, theo dõi cẩn thận và tiếp tục làm công việc của mình. Và Tổng thống Putin cũng sẽ như vậy.”
Trước đó, ngày 18/3, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, mọi quyết định của tòa án này là "vô hiệu" đối với Nga, "Chúng tôi không công nhận tòa án này, không công nhận thẩm quyền của nó", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ tại cuộc họp báo ở Moscow.
Các quan chức của Hội đồng Liên bang Nga cũng tuyên bố, lệnh bắt giữ Tổng thống Putin không có cơ sở pháp lý và ICC đã kích động tình hình trên thế giới bằng những hành động khiêu khích phi pháp của mình.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin tuyên bố, Moscow coi “bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Tổng thống Nga” là hành vi “xâm lược” nước này.
Tòa án Hình sự Quốc tế là gì?
Được thành lập dựa trên Quy chế Rome năm 1998, Tòa án Hình sự quốc tế ICC là một tòa án thường trực để truy tố các cá nhân phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, và tội ác xâm lược. Tuy nhiên, đây không phải là cơ quan của Liên hợp quốc và có khoảng 45 quốc gia không công nhận thẩm quyền của tòa này, trong đó có Mỹ, Trung Quốc. Nga đã ký Quy chế này vào năm 2000 nhưng không phê chuẩn. Năm 2016, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh về việc Nga từ chối tham gia Tòa án hình sự quốc tế.
Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Nga đã phủ nhận tuyên bố của Tòa Hình sự quốc tế, coi đó là vô nghĩa đồng thời khẳng định rằng, Nga không phải là một bên trong Quy chế Rome của ICC và tòa này không có thẩm quyền ở Nga.
Đây không phải là lần đầu tiên ICC phát lệnh bắt một nguyên thủ quốc gia đang tại vị, nhưng cơ quan này chưa từng có động thái tương tự với lãnh đạo của một nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Theo giới phân tích, lệnh bắt của ICC đối với ông Putin chủ yếu mang tính biểu tượng, gần như không có tác động thực tiễn, dù có thể khiến ông gặp một số khó khăn khi ra nước ngoài, đặc biệt là tới các quốc gia công nhận thẩm quyền của ICC.
Quốc tế phản ứng thế nào?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 20/3 khi đề cập đến lệnh bắt của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, ICC nên tôn trọng quyền miễn trừ của các nguyên thủ quốc gia theo luật pháp quốc tế, tránh chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.
"Tòa án Hình sự Quốc tế nên duy trì lập trường khách quan và công bằng, tôn trọng quyền miễn trừ tài phán mà các nguyên thủ quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế, thực thi quyền hạn của mình một cách thận trọng theo luật pháp, giải thích và áp dụng luật pháp quốc tế một cách thiện chí, tránh chính trị hóa.”
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Zelenskyi lại ủng hộ quyết định của Tòa án Hình sự. Tổng thống Biden cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phạm tội ác chiến tranh và quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ ông là chính đáng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết, quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin là mang tính lịch sử, đổ lỗi cho việc ông Putin đã "trục xuất bất hợp pháp hàng nghìn trẻ em Ukraine.
Tin nổi bật
Tin Video