Lăng kính

Trung Quốc: Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình ảnh hưởng sâu sắc địa chính trị toàn cầu

(VOVTV) - Đánh giá kết quả chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương ngày 22/3 khẳng định, tình hình quốc tế càng phức tạp, Trung Quốc – Nga càng cần phải tăng cường phối hợp. Chuyến thăm này là sự kiện có ảnh hưởng sâu sắc tới địa chính trị toàn cầu.

24/03/2023 07:57

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tối 22/3 đã về tới Bắc Kinh, kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước 3 ngày tới Nga. Hai bên đã ra hai Tuyên bố chung, khẳng định tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược song phương và kêu gọi đàm phán hòa bình giải quyết xung đột Ukraine.

Đánh giá về kết quả chuyến công du Nga lần thứ 9 của Chủ tịch Tập Cận Bình với hãng thông tấn Tân Hoa, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cho biết, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm đặc biệt, bối cảnh phức tạp, mang ý nghĩa phong phú và đạt được thành quả to lớn, là “quyết sách lớn quan trọng” xuất phát từ đại cục phát triển trong nước và toàn cục chiến lược ngoại giao.

Theo ông, chuyến thăm được dư luận quốc tế hết sức quan tâm và nhìn nhận “là sự kiện lớn có ảnh hưởng sâu sắc đến địa chính trị toàn cầu, thể hiện hình ảnh quốc tế với tư cách là ‘người kiến tạo hòa bình’ của Trung Quốc, cho thấy vai trò và trách nhiệm của Trung Quốc với vai trò là một nước lớn”.

Ông Tần Cương nhấn mạnh, là những nước lớn trên thế giới và ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, sự phát triển của quan hệ Trung – Nga liên quan đến ổn định và an ninh chiến lược toàn cầu, cũng như diễn biến cấu trúc thế giới trong tương lai. “Tình hình quốc tế càng phức tạp, tính cần thiết trong tăng cường liên lạc phối hợp Trung – Nga càng trở nên nổi bật.”

Ông tiết lộ, trong thời gian ở thăm Nga, nguyên thủ hai nước đã “đi sâu trao đổi chiến lược về các vấn đề lớn trong thời gian dài”. Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, “Trung Quốc và Nga cần cùng nhau nỗ lực, dẫn dắt và thúc đẩy quản trị toàn cầu theo hướng đáp ứng mong đợi của cộng đồng quốc tế”.

Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết, năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới Moscow trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc. 10 năm sau, một lần nữa ông chọn Nga là điểm dừng chân đầu tiên trong nhiệm kỳ mới, “đây không phải là sự ngẫu nhiên, mà là một quyết định chính trị được đưa ra sau khi cân nhắc kỹ lưỡng”.

Khi ở thăm Nga, Tổng thống Putin đã có cuộc hội đàm chân thành, hữu nghị và hiệu quả với Chủ tịch Tập Cận Bình, với sự tham gia của hầu hết các thành viên nội các. Phía Nga nhiều lần tuyên bố việc ông Tập Cận Bình chọn Nga là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm nước ngoài sau khi tái đắc cử, “thể hiện đầy đủ tính đặc thù của quan hệ Nga – Trung trong thời đại mới và có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển của quan hệ Nga – Trung trong tương lai”. Nga mong muốn phối hợp và hợp tác chặt chẽ với chính phủ mới của Trung Quốc, tăng cường trao đổi trên các lĩnh vực và ở mọi cấp độ, thúc đẩy hợp tác thực chất trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng, giao thông xuyên biên giới, cũng như giao lưu nhân dân và văn hóa giữa hai nước đạt được những bước phát triển mới to lớn hơn.

Theo ông Tần Cương, việc nguyên thủ hai nước ký “Tuyên bố chung Trung-Nga về làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hiệp tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới” và “Tuyên bố chung về Kế hoạch phát triển các phương hướng trọng điểm trong hợp tác kinh tế Trung-Nga trước năm 2030”, là sự quy hoạch cho quan hệ song phương và hợp tác trên các lĩnh vực trong giai đoạn tiếp theo. Hai bên cũng tái khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của nhau, “cùng chống lại các âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của các thế lực bên ngoài”.

Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định, sự phát triển của quan hệ Trung-Nga có nền tảng chính trị vững chắc và động lực nội sinh mạnh mẽ. “Củng cố và phát triển tốt quan hệ Trung-Nga là lựa chọn chiến lược được Trung Quốc đưa ra dựa trên lợi ích căn bản của mình và xu thế phát triển chung của thế giới, sẽ không thay đổi hay dao động bởi một sự việc nhất thời nào”.

Liên quan đến vấn đề Ukraine, ông nhấn mạnh, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đang leo thang kéo dài và các hiệu ứng lan tỏa tiếp tục trở nên rõ rệt, “hầu hết các nước đều lo ngại, kêu gọi xoa dịu căng thẳng, những tiếng nói hòa bình, lý trí ủng hộ ngừng bắn đình chiến không ngừng tích tụ”. Theo ông, Trung Quốc được “kỳ vọng đóng vai trò lớn hơn trong giải quyết các vấn đề nóng trong khu vực” sau thành công trung gian hòa giải giữa Saudi Arabia và Iran.

Ông Tần Cương cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trao đổi thẳng thắn và sâu sắc với Tổng thống Putin về cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời khẳng định, kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc luôn giữ vững lập trường khách quan, công bằng, tích cực khuyên giải hòa bình và thúc đẩy đàm phán.

Ngoài việc đưa ra lập trường 12 điểm về giải pháp chính trị cho cuộc xung đột “dung nạp quan ngại hợp lý của các bên”, ông còn cho biết, “phía Ukraine cũng đánh giá tích cực những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy ngừng bắn và đình chiến, thể hiện sự coi trọng quan hệ hữu nghị Trung Quốc – Ukraine và hy vọng duy trì liên lạc với Trung Quốc”.

Ông nhấn mạnh, Trung Quốc không phải là người tạo ra và cũng không phải là bên liên quan đến cuộc khủng hoảng, mà là “người đề xướng giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng và người thúc đẩy đàm phán hòa bình”. Ông chỉ trích “một số quốc gia vì tư lợi địa chính trị” cố tình cản trở đàm phán, thậm chí tạo tin đồn, công kích bôi nhọ Trung Quốc, khẳng định “Trung Quốc không tư lợi chính trị, không thao túng địa chính trị, mà thật lòng chân thành dốc sức khuyên giải hòa bình, thúc đẩy đàm phán”.

Ngoại trưởng Tần Cương cho biết, chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình là chuyến đi “mang ý nghĩa lịch sử” của hữu nghị, hợp tác và hòa bình

Ý kiến của bạn