Lăng kính

Khách mời trường quay: Giải pháp nào để đảm bảo an toàn PCCC cho loại hình nhà ở nhiều căn hộ?

(VOVTV) - Hàng loạt các vụ cháy lớn nhỏ tại các khu nhà ở nhiều căn hộ hay còn gọi nôm na là "chung cư mini" này cho thấy loại hình nhà ở này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ. Cùng lắng nghe chia sẻ của Trung tá, TS Ngô Văn Anh, Phó Trưởng khoa Chữa cháy, Trường Đại học PCCC về các giải pháp PCCC trước mắt và lâu dài cho loại hình nhà ở nhiều căn hộ này.

Tác giả Nhóm PV/VOVTV
21/09/2023 07:37

Mới tuần qua vụ cháy ở Khương Hạ quận Thanh Xuân, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người đã để lại nhiều đau thương mất mát cho các nạn nhân và sự bàng hoàng trong dư luận xã hội. Đáng chú ý trước đó, tháng 3/2023, cũng chính tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, đã xảy ra vụ cháy chung cư mini tại số 315 Vũ Tông Phan nơi có 170 người sinh sống. Tháng 5/2023, một vụ cháy xảy ra tại tầng 3 của một chung cư mini trong ngách 20, ngõ 426 đường Láng (quận Đống Đa) hay vụ cháy chung cư mini ở ngõ 132 Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) vào tháng 10/2022.

Toàn cảnh vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ - Thanh Xuân

Vụ cháy đêm ngày 13/9 ở Khương Hạ quận Thanh Xuân, Hà Nội đã khiến 56 người chết, 37 người bị thương. Hiện cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nghiêm Quang Minh, chủ chung cư Mini xảy ra cháy là về tội vi phạm quy định về PCCC theo điều 313 Bộ Luật Hình sự. Nghiêm Quang Minh vi phạm nhiều qui định như: Vi phạm vượt 3 tầng so với cấp phép; sai phép về mật độ xây dựng; nhiều vi phạm về PCCC như hệ thống báo cháy không hoạt động; lối thoát nạn thứ 2 bị khóa chặt…vv.

Những sai phạm này là nguyên nhân dẫn đến hậu quả vô cùng đau lòng trong vụ cháy đêm ngày 13/9. Thế nhưng, liệu những thảm kịch tương tự có còn không?

Theo thống kế, hiện toàn TP.Hà Nội có khoảng 2.000 chung cư mini, trong đó tập trung nhiều nhất ở các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai.

Hiện Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo tổng rà soát 100%, các loại hình chung cư mini, nhà ở cho thuê về mặt pháp lý, an toàn phòng cháy chữa cháy trong thời gian ngày.

Bài học từ việc tự trang bị khả năng thoát nạn

Bé Nguyễn Ngô Hiền Minh (10 tuổi) dù chỉ ở nhà một mình, nhưng đã thoát khỏi đám cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhờ học được những kỹ năng thoát hiểm ở trường. Em cho biết, khi nghe tiếng hô hoán của mọi người, ngay lập tức, em đã dập cầu dao điện, tắt máy tính, sau đó, chạy thẳng xuống dưới và ra ngoài. Lúc đấy, lửa đã cháy khá to và cầu thang bắt đầu có khói.

Còn anh Nguyễn Việt Hùng cùng vợ là chị Nguyễn Thị Minh Hồng cho biết, anh định dẫn cả nhà ra cầu thang bộ định lên sân thượng, nhưng khói đã mù mịt, tiếng la hét nhiều nên anh bảo cả nhà quay về, mục đích để không lạc nhau. Sau đó, cả 5 người vào phòng tiếp tục bịt khe cửa, lấy khăn mặt thấm nước bịt mũi, dùng tay quạt khói ra cửa sổ, mở hé cửa sổ ra quạt khói ra ngoài một lúc rồi đóng lại, liên tục như vậy. Những kỹ năng này anh học được ở cơ quan là Trung tâm Hội nghị Quốc gia, sau nhiều lần được tập huấn phòng cháy chữa cháy

Và chiếc thang dây trị giá 850.000 đồng của gia đình anh Nguyễn Công Huy trong vụ cháy đêm 12/9 ở Khương Hạ đã cứu 7 người trong gia đình anh thoát nạn và 4 người của gia đình khác. Anh Huy chia sẻ, điều quan trọng nhất để thoát hiểm khi cháy là sự bình tĩnh, nếu cửa chính thoát hiểm có khói, lửa thì người dân cần chạy ra cửa sổ hoặc cửa phụ, dùng thang dây để thoát hiểm, không được chạy vào nhà tắm.

Đây là những bài học kinh nghiệm đắt giá rút ra từ thực tế người dân thoát nạn tự cứu bản thân mình. Nếu mỗi người đều nắm được những kỹ năng như vậy thì khi có hỏa hoạn xảy ra sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại xuống mức thấp nhất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận