Sức khỏe

Tầm soát chậm tăng trưởng cho hàng ngàn trẻ nhỏ

(VOVTV) - Chiều nay (1/6), Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) khởi động chương trình “Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em” lần thứ 8. Chương trình nằm trong mục tiêu giúp cải thiện chiều cao cho trẻ em - một phần trong nỗ lực “nâng cao tầm vóc Việt” của bệnh viện.

Tác giả PV/VOV TP.HCM
01/06/2024 20:36

BS.CKII Võ Đức Chiến – Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, sau 8 năm liên tiếp triển khai, đến nay, chương trình "Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em" tại bệnh viện đã tầm soát miễn phí cho khoảng 2.400 trẻ.

Không chỉ dừng lại ở TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh thành khác, cho thấy sự quan tâm của các bậc phụ huynh tới việc phát triển chiều cao của con trẻ cũng như sức lan toả của chương trình. Đã có hơn 200 trẻ được phát hiện kịp thời thiếu hormone tăng trưởng (GH).

"Việc tầm soát cũng nhằm giúp sớm phát hiện trẻ chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng – một bệnh lý khá hiếm gặp, khó nhận biết nhưng lại là nguyên nhân phổ biến gây chậm cao ở trẻ. Nhờ đó, trẻ được điều trị kịp thời và cải thiện chiều cao hiệu quả trước khi quá muộn", BS Võ Đức Chiến nói.

Tầm soát chậm tăng trưởng cho hàng ngàn trẻ nhỏ- Ảnh 1.

Trẻ được hướng dẫn chụp X - Quang xương bàn tay

Năm nay, chương trình dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 300 trẻ đến thăm khám với 8 buổi khám trong 4 tuần. Ngay trong tuần đầu tiên, số trẻ được tiếp nhận thăm khám là khoảng 80 trẻ, gồm trẻ ở TP.HCM và các tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đăk Lăk, Phú Yên, Tiền Giang…

Theo các bác sĩ, chậm tăng trưởng là tình trạng xảy ra khi tốc độ phát triển của trẻ không đạt được các mốc về cân nặng và chiều cao bình thường đối với từng độ tuổi. Thông thường, trẻ có tầm vóc thấp được định nghĩa là trẻ có chiều cao dưới -2SD so với trẻ cùng tuổi, giới tính, chủng tộc.

Các yếu tố ảnh hưởng chiều cao thường được phân thành các nhóm lớn gồm: di truyền, các yếu tố môi trường, dinh dưỡng, bệnh lý mạn tính và các nguyên nhân liên quan bệnh lý nội tiết. Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH (nằm trong nhóm các nguyên nhân liên quan bệnh lý nội tiết), theo thống kê, trên thế giới, ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3000 - 1/4.000. Tuy nhiên, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết. 

Tầm soát chậm tăng trưởng cho hàng ngàn trẻ nhỏ- Ảnh 2.

Bác sĩ tư vấn chiều cao cho trẻ

 BS.CKI Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết bệnh viện Nguyễn Tri Phương khuyến cáo các bậc phụ huynh theo dõi sát chiều cao của bé, nếu thấy tốc độ tăng trưởng dưới 4cm/năm thì nên đưa bé đi khám ngay. "Nếu đường cong biểu diễn chiều cao của trẻ nằm ngang hoặc đi xuống và đã loại trừ vấn đề suy dinh dưỡng thì rất có thể, trẻ rơi vào trường hợp chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH. Triển vọng điều trị cho trẻ bị chậm tăng trưởng do thiếu GH phụ thuộc nhiều vào thời điểm bắt đầu điều trị cho trẻ. Nếu tình trạng tăng trưởng chậm ở trẻ được chẩn đoán và điều trị sớm thì trẻ hoàn toàn có thể đạt được chiều cao gần với mức bình thường hoặc thậm chí phát triển bình thường như những đứa trẻ cùng tuổi khác", BS Ánh nhấn mạnh. 

Trẻ thiếu GH nặng có thể có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam... Một số trẻ thiếu GH có thể có mỡ quanh vùng bụng, mũm mĩm dù tỷ lệ cơ thể bình thường. Trẻ thiếu GH cũng có thể sẽ thường xuyên thấy mệt mỏi. Ngoài ra, một số các triệu chứng về tâm lý cũng có thể xảy ra với trẻ thiếu GH như thiếu tập trung, trí nhớ kém…


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận