Sáng tạo và "cái tôi"
Với đa số người, chắc chắn tiêu đề của bài viết này sẽ là cái cuối cùng mà họ nghĩ ra trước câu hỏi “báo chí cần những yếu tố gì?”
Tôi có một người bạn thân, cùng học báo chí. Sau một thời gian học kép sang luật và lăn lộn với môi trường báo chí thực tế, vào một ngày nó tuyên bố với tôi: "Tao sẽ theo luật mày ạ, báo chí bây giờ không còn chất riêng nữa , quá ít sáng tạo. Tương lai không biết thế nào nhưng bây giờ tao không muốn theo".
Vì sao báo chí dần mất đi sáng tạo, "cái tôi" riêng?
Là một người theo ngành báo chí, dù vẫn mơ hồ nhưng bản thân tôi vẫn nhìn ra "cái tôi" và sự sáng tạo đang khá hiếm hoi ở báo chí Việt Nam, và các ngành khác cũng như vậy.
Lúc tôi đi thực tập, người hướng dẫn giao cho chúng tôi đề tài để viết bài. Và sau đó chúng tôi nhận được lời nhận xét là phần lớn những bài trong đó là tổng hợp các tin tức, chủ đề từ nơi khác, "xào nấu" thành bài của mình. Dĩ nhiên, điều đó không sai, đó là một dạng bài tổng hợp tin. Nhưng điều mà bất kì người làm báo nào hướng đến lẽ ra phải là "cái tôi" khác biệt, là sự sáng tạo riêng có, mà như cố nhà văn Nam Cao đã nói "khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có".
Mọi việc đều có nguyên do của nó. Điều này có lẽ khởi nguồn từ việc internet, nền tảng số phát triển chóng mặt. Ngày trước ở Việt Nam có rất ít các đài truyền hình, và một cơ số các tờ báo giấy. Mỗi đài, mỗi tòa soạn thường có một lượng độc giả trung thành, gần như họ sẽ chỉ tìm kiếm thông tin từ một đến hai nguồn. Họ đọc kĩ, nghiền ngẫm, nhờ vậy báo chí luôn có đất diễn, những cây bút kì cựu trong thể loại bình luận, xã luận, phóng sự có những thành công vượt bậc.
Những nhà báo đó đặt dấu ấn về "cái tôi", có chất riêng, đến nỗi độc giả đọc nội dung thôi cũng nói ra nhà báo mà không cần nhìn đến tác giả. Nhưng thời đại của nội dung số bùng nổ. Một người có thể tiếp cận hàng trăm trang báo, hàng ngàn nguồn thông tin, khiến người đó bị rơi vào ma trận. Thay vì ngồi nghiền ngẫm các bài báo, họ chỉ đọc tin nhanh hay lướt qua vài dòng tittle. Thống kê cho thấy số lượng các bài xã luận, bình luận, phóng sự trên các báo đài ngày càng ít, tin nhanh chiếm sóng, để phục vụ nhu cầu tiếp nhận thông tin "nhanh như tên bắn" của độc giả. Và trang thông tin điện tử ra đời.
Trang thông tin điện tử là một dạng web tổng hợp, các bài báo, các nội dung cùng một chủ đề từ khắp nơi được nhặt về đây, nó giúp người đọc tiết kiệm thời gian và dễ dàng đối chiếu. Nhiều người nhầm tưởng đây cũng là một hình thức của báo, và các thuật ngữ như "nhỏ không học lớn làm nhà báo" hay "làm nghề gì cũng làm báo được" ra đời. Đây thực sự là một mỏ vàng, lấn át báo chí truyền thống, thậm chí ai cũng có khả năng tổng hợp, thậm chí sáng tác bài viết, bịa đặt trên các trang thông tin điện tử.
Dần dần, sự sáng tạo và "cái tôi" không còn, thay vào đó là cách tổng hợp, các thể loại giống nhau. Độc giả thấy có trang thông tin điện tử đây rồi, đọc báo làm gì nữa. Là một người theo ngành này nên tôi phải bỏ thời gian ra đọc báo, chứ bình thường nếu để tìm tư liệu viết bài, trang thông tin điện tử là cái đầu tiên tôi nghĩ đến.
Dĩ nhiên cái gì cũng có tích cực và tiêu cực. Trang thông tin điện tử thật sự là một sự sáng tạo kinh khủng, cách họ thu hút người đọc, cách họ viral thật đáng ngưỡng mộ. Trên thực tế, tốc độ đọc của chúng ta trên giấy sẽ nhanh gần gấp đôi so với trên giấy, và trang thông tin điện tử đã khắc phục điều đó bằng nhiều cách như làm nổi bật tittle, liên kết mạnh với mạng xã hội, nâng cao kĩ năng tổng hợp, tập trung vào khai thác từ khóa, v.v. để thu hút người đọc.
Đó đồng thời cũng là điểm yếu của báo chí truyền thống, mà nếu muốn thành công, báo chí phải có hướng đi khác, nhưng đồng thời không được mất đi giá trị vốn có. Với tài năng có hạn, nhưng tôi cũng đang cố gắng nghĩ ra cách, nhưng tiếc là vẫn chưa khả quan, thực sự nó quá khó.
Nội tại của nhà báo đã dần mất đi sáng tạo và "cái tôi" riêng
Chính vì sự đi chậm như vậy mà báo chí đang dần mất đi những "cái tôi" và sự sáng tạo. Nguồn nhân lực trẻ dường như không còn mặn mà với làm báo nữa. Quy mô báo chí ngày càng thu hẹp do thiếu nguồn thu. Sắp tới đây, biên chế và hợp đồng với người làm báo sẽ xóa bỏ. Những người mới bước chân vào nghề sẽ chỉ gắn bó với vị trí cộng tác viên, những người đang làm hợp đồng sẽ bị cắt và chuyển thành cộng tác viên, lấy nhuận bút theo sản phẩm.
Để thể hiện được "cái tôi" va sự sáng tạo không phải một sớm một chiều, nó cần có thời gian, nhưng ví tiền của họ không cho phép nhiều thời gian như vậy. Người làm báo sẽ chú trọng vào số lượng tin bài để lấy nhuận bút, do vậy đam mê của họ tắt dần, do họ đã mất đi chỗ dựa để gửi linh hồn mình vào tác phẩm.
Đó là lý do vì sao đa phần sinh viên, mặc dù nói về báo chí, nhưng lại nặng về tổng hợp và làm tin bài theo mô típ đơn thuần. Kĩ năng trên trường thì chưa đủ để áp dụng vào làm việc, thế nên sinh viên sẽ trau dồi qua các nguồn mở. Khi mà trang thông tin điện tử đang ở thế thượng phong, dĩ nhiên cái họ tiếp thu được sẽ là tổng hợp tin, họ sẽ làm cái mà họ có thể nhanh kiếm tiền, nhanh có việc.
Dĩ nhiên, tôi không hề phủ nhận tài năng của họ, các kĩ năng tổng hợp, viral cũng là một sự sáng tạo. Nhưng tôi lo sợ đến một ngày, những phong cách, những linh hồn về bình luận, xã luận, đào sâu mọi ngóc ngách của xã hội sẽ sụp đổ, sẽ không còn ai khai thác, không ai sáng tạo cho những đề tài đó nữa, độc giả sẽ chỉ hiểu bề nổi của tảng băng chìm. Cái chúng ta cần sáng tạo ở đây là cách thu hút độc giả trở về với chiều sâu của nội dung trên báo.
Nhưng vẫn không thể phủ nhận rằng báo chí vẫn đang phát triển theo guồng quay của thời đại, có lẽ nỗi sợ đó là nỗi sợ chủ quan của riêng tôi, rằng tôi sợ mất đi tiếng nói riêng của những người làm báo. Báo chí vẫn đang cố gắng đổi mới, hòa mình vào dòng chảy thông tin chung, theo hướng truyền thông đại chúng. Nhưng trong tôi vẫn tin rằng: truyền thông hướng đến nhóm công chúng chuyên biệt mới chính là con đường của báo chí, và "cái tôi" sẽ lại lên ngôi lần nữa.
Tin nổi bật
Tin Video