Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải bứt phá mới đạt hai mục tiêu 100 năm
"Nếu tăng trưởng bình bình như hiện nay thì rất khó đạt hai mục tiêu 100 năm, nên phải ưu tiên cho tăng trưởng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý và nhấn mạnh cần phải bứt phá trong thời gian tới.
"Phải đột phá từ thể chế"
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc rà soát hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp phân quyền để vừa quản lý, vừa mở rộng không gian sáng tạo để phát triển nhanh, bền vững.
“Nếu tăng trưởng bình bình như hiện nay khoảng 6-7%/năm thì rất khó đạt 2 mục tiêu 100 năm (tức đến 2030 là 100 năm thành lập Đảng, 2045 là 100 năm thành lập nước – PV), nên phải ưu tiên cho tăng trưởng”, Thủ tướng cho biết và để tăng trưởng nhanh, bền vững thì phải xử lý “điểm nghẽn” thể chế để huy động mọi nguồn lực, từ nguồn lực Nhà nước đến nguồn lực xã hội, công tư và nguồn lực nước ngoài.
Về phân cấp, phân quyền, người đứng đầu Chính phủ cho rằng đây là vấn đề lớn, đã được đề cập nhiều và thực tế đã làm song vẫn còn vướng. Tính riêng trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã trình Quốc hội hàng loạt dự án luật, nghị quyết cũng như sửa đổi, bổ sung, thay thế hàng chục nghị định, trong đó hướng đến phân cấp, phân quyền.
Nêu giải pháp gỡ “nút thắt lớn” trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tiếp tục rà soát quy định của pháp luật; thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng; rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, trong đó có Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, để từ đó rà soát, tính toán cho phù hợp; cùng với đó hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, tăng cường giám sát, kiểm tra.
“Phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp”, Thủ tướng cho biết, trên tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Khẳng định có đột phá cũng phải đột phá từ thể chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hoàn thiện thể chế để rõ cái nào được làm, cái nào không được làm, mở rộng không gian sáng tạo; đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên.
Trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm về chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh “vẫn là thể chế, thể chế và thể chế”, vì thể chế là nguồn lực cho phát triển nên phải tiếp tục hoàn thiện.
Với chuyển đổi số, đây là xu hướng, yêu cầu lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh lý luận, cần tổng kết trên cơ sở thực tiễn để có giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.
Trước hết, về thể chế, nhiều dự án luật được nghiên cứu xây dựng, sửa đổi như về dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển, khắc phục tình trạng còn cát cứ, co cụm, không kết nối và khai thác dữ liệu lớn gây lãng phí. Cùng với đó dành nguồn lực tăng cường tiềm lực về hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị số.
“Tóm lại, cơ chế phải thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Vì sao cao tốc làm 3 năm bằng gần 20 năm?
Giải đáp thắc mắc của đại biểu Quốc hội về các dự án lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chúng ta phải bứt phá, tăng trưởng và trong đó phải phát triển hạ tầng chiến lược như hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm.
Đầu tư là động lực truyền thống nên cần huy động nguồn lực cho các công trình lớn quốc gia, tạo sự đột phá về hạ tầng chiến lược mang tính xoay chuyển tình thế, thay đổi trang thái như dự án đường sắt tốc độ cao, dự án điện.
“Đường bộ cao tốc triển khai từ năm 2000 nhưng đến 2021 mới được gần 1.000km, nhưng 3 năm qua đã tăng lên gấp đôi. Ban đầu băn khoăn lắm vì nguồn lực ở đâu, nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và sự ủng hộ của Quốc hội, chúng ta huy động nguồn lực từ trung ương đến địa phương, tăng thu tiết kiệm chi để triển khai. Ngoài ra, không đầu tư dài trải, từ 12.000 dự án rút xuống còn khoảng 4.000 dự án, qua đó tập trung nguồn lực dự án” – Thủ tướng nói.
Đề cập đến 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài nhiều năm mà đại biểu Quốc hội quan tâm, Thủ tướng cho biết đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý hết, trong đó một số dự án đã có lãi. Kinh nghiệm xử lý các dự án trên sẽ tiếp tục được vận dụng trong quá trình rà soát, xử lý các dự án tương tự.
“Tinh thần là tôn trọng thực tại, vì thất thoát, mất mát rồi, ai vi phạm cũng xử lý rồi, giờ theo pháp luật có vướng thì tiếp tục đề xuất chính sách tháo gỡ, còn thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ làm, thẩm quyền của Quốc hội thì báo cáo Quốc hội”, theo Thủ tướng.
Về xử lý các ngân hàng yếu kém, người đứng đầu Chính phủ cho biết đã chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng và đang xử lý 2 ngân hàng còn lại. Tinh thần chỉ đạo làm sao an toàn hệ thống, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, kiểm soát chặt chẽ tài sản, không để thất thoát, có lộ trình phù hợp.