Thái Nguyên: Vì sao người dân mong muốn di dời nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc
(VOVTV) – Cho rằng việc hoạt động của nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty TNHH Việt Bắc gây ô nhiễm môi trường, người dân xã Điềm Thuỵ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên mong muốn các cấp chính quyền di dời nhà máy nhằm "kết thúc" tình trạng ô nhiễm khói, bụi.
Có mặt tại khu vực trung tâm xã Điềm Thụy, điều khiến chúng tôi "ấn tượng" là các ống khói trong dây chuyển xử lý chất thải nguy hại của Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc nằm cách khu dân cư chỉ khoảng 70 mét và cách trụ sở UBND xã khoảng 300 mét.
Khi đem những thắc mắc về khoảng cách giữa những ống khói đốt chất thải nguy hại quá gần khu dân cư thì nhiều người dân cho bức xúc cho chúng tôi biết "đa phần nhà máy hoạt động về buổi đêm, mỗi lần hoạt động bụi, khói nghi ngút bao trùm cả khu dân cư".
Bà Dương Thị Lý (60 tuổi), người dân xóm Thuần Pháp, xã Điềm Thuỵ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên bức xúc: "Công ty Việt Bắc về đây hoạt động từ năm 2006 đến nay, cứ tầm 17h – 18h chiều khi nhà máy đi vào hoạt động là khói bao trùm cả khu dân cư. Do ở gần nhà máy, vì hoạt động vào buổi đêm nên khiến cho chúng tôi không thể ngủ được, bụi từ nhà máy đọng lại trên nền nhà nhìn thấy rõ và có thể gom lại.
Đối với những cánh đồng nằm cạnh gần nhà máy người dân trồng cây hoa màu thì cây cứ vàng úa không lớn được, trồng lúa thì lúa không trổ bông bởi nhà máy thường hay xả thải vào ban đêm. Mỗi khi có đoàn đến kiểm tra thì Công ty lại hoạt động 'đúng quy trình' thuê cả công nhân để dọn dẹp".
"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền từ địa phương cho đến trung ương, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có biện pháp gì cụ thể. Nguyện vọng của chúng tôi là mong các cấp chính quyền có thẩm quyền di dời nhà máy đến nơi khác để cuộc sống của người dân chúng tôi ổn định hơn, không phải sống trong tình trạng ô nhiễm nữa" bà Lý bày tỏ.
Cùng chung nỗi bức xúc, bà Trần Thị Thơm, người dân xóm Thuần Phát, xã Điềm Thuỵ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên nói: "Mỗi lần nhà máy đi vào hoạt động người dân chúng tôi đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang vì bụi nhà nào nhà đấy đóng kín cửa cả ngày không dám mở vì sợ bụi. Chỉ cần sau 1 đêm hoạt động sáng hôm sau quét sân bụi của nhà máy đen xì, mắt thường nhìn thấy óng ánh như là kim loại.
Nếu chúng tôi có đi qua đường thì khói bụi của nhà máy khiến mắt cay xè vì thế mà đã có nhiều người phải đi chữa mắt…chẳng biết làm thế nào nên người dân chúng tôi đành phải cam chịu bởi chúng tôi đã có ý kiến rất là nhiều rồi từ địa phương đến trung ương nhưng… chẳng có tác dụng gì.
Nguyện vọng của chúng tôi là muốn di dời nhà máy đi chỗ khác trả lại môi trường trong sạch cho chúng tôi".
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đăng – Phó Chủ tịch UBND xã Điềm Thuỵ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Ý kiến của người dân về việc khói bụi, ô nhiễm tại nhà máy kẽm thì phía UBND xã Điềm Thuỵ cũng đã nhận được phản ánh. Người dân phản ánh trực tiếp đến cán bộ lãnh đạo của xã cũng như các hội nghị tiếp xúc cử tri nhân dân cũng có ý kiến.
Cảm quan về mắt thường thì chúng tôi nhận thấy có lúc cũng có bụi còn về chuyên môn thì thường xuyên có cơ quan quan trắc của Trung tâm bảo vệ môi trường của tỉnh, Sở TNMT và các cơ quan về kiểm tra và các mẫu kiểm tra cùng kết quả kiểm tra mà UBND xã nhận được thì đều trong mức độ cho phép. Đối với việc xử lý ý kiến của nhân dân thì chúng tôi có hai hướng, thứ nhất là chúng tôi có ý kiến với cơ quan chuyên môn của huyện và ý kiến tại các hội nghị như họp HĐND và các Hội nghị của UBND huyện, thứ hai là chúng tôi liên hệ với cơ quan bảo vệ môi trường là Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên để thông tin và mời các cơ quan về kiểm tra.
Địa phương chúng tôi cùng quan điểm với người dân về việc di dời nhà máy đến vị trí khác bởi trước đây đặt tại xã thì phù hợp. Tuy nhiên, cho đến hiện nay vị trí đặt nhà máy là nằm ở trung tâm của xã, xã đang phát triển lên thị trấn và gần các khu dân cư vì thế địa phương cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn cùng các cơ quan có thẩm quyền chuyển nhà máy đến vị trí khác phù hợp hơn" ông Đăng nói thêm.
Thái Nguyên
Tin nổi bật
Tin Video