Siết quản lý hàng xách tay: Liệu có tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”
VOV.VN - Mặc dù quy định mới “siết” hàng xách tay đã có hiệu lực được 1 tuần, tuy nhiên, thị trường hàng xách tay vẫn mua bán khá sôi động với đủ chiêu trò đối phó.
Thị trường hàng xách tay vẫn ngầm sôi động
Một tuần sau khi Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực, ghi nhận của phóng viên VOV.VN tại ngõ 158 Nguyễn Sơn, quận Long Biên, Hà Nội – nơi được coi như "thủ phủ" của hàng xách tay, “điểm đến thân quen” của những tín đồ sính hàng ngoại, các cửa hàng đều đồng loạt đóng cửa, im ắng khác thường.
Cá biệt, có một số cửa hàng nửa đóng nửa mở cửa. Tuy nhiên, theo bật mí của một số người dân gần đó, thời điểm này, do lực lượng chức năng kiểm tra thường xuyên nên các cửa hàng xách tay đóng cửa bán hàng trong nhà, khách vẫn đến mua nhưng chủ yếu là khách quen và người mua buôn.
“Họ vẫn bán hàng, nếu cần mua thì cứ gọi điện hoặc gọi cửa sẽ có người mở, người ta vẫn bán ở trong nhà”, một người dân ở ngõ 158 Nguyễn Sơn cho hay.
Trái ngược với sự im ắng của thủ phủ hàng xách tay Nguyễn Sơn, trên một số tuyến phố trung tâm Hà Nội, nhiều cửa hàng bán hàng xách tay vẫn hoạt động bình thường.
Tại một cửa hàng chuyên bán hàng xách tay trên phố Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), người tiêu dùng không khó để hỏi mua các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, sữa bột, đồ dùng cho bé… xách tay. Các mặt hàng gắn mác xách tay được bày bán chủ yếu có xuất xứ từ Nhật Bản, Pháp, Anh, Mỹ, Hàn Quốc,… Phần lớn những sản phẩm này đều có bao bì, nhãn mác nước ngoài mà không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.
Hay một cửa hàng chuyên bán đồ xách tay mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được quảng cáo là xuất xứ từ Nhật Bản trên đường La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội, khi được hỏi, nhân viên bán hàng cho biết, không nắm được quy định xử phạt mới liên quan đến mặt hàng này. Toàn bộ mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng tại cửa hàng đều do người nhà ở Nhật Bản xách tay về và thời gian qua cửa hàng chị vẫn bán mặt hàng này không có vấn đề gì.
Đáng chú ý, trên các trang mạng xã hội, như Facebook, fanpage, Zalo... các bài đăng bán hàng xách tay vẫn rất sôi động. Chỉ cần gõ cụm từ tìm kiếm “hàng xách tay” sẽ hiện ra rất nhiều nhóm như: Hội buôn hàng xách tay từ châu Âu, Hàng xách tay USA, Hàng Nhật nội địa, Hàng xách tay Đức, Hàng tiếp viên xách tay... Các mặt hàng xách tay cũng rất đa dạng, từ mỹ phẩm, thực phẩm, bia, rượu cho đến máy tính, đồng hồ… Tuy nhiên, để lọt qua khâu kiểm duyệt của Facebook và cơ quan chức năng, nhiều người bán hàng xách tay "bật mí" cách viết cách, thêm các dấu vào tên thương hiệu. Chẳng hạn Lacoste thành Lascot_e... đồng thời làm mờ, lấy vật che logo hàng chính hãng.
Không dễ xử lý
Theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Nghị định 98 thực chất là để cụ thể hóa hơn các quy định trong Nghị định 185/2013 của Chính phủ về xử phạt trong lĩnh vực thương mại, buôn lậu… hiện hành. Trước đây, khi chưa có Nghị định 98, lực lượng Quản lý thị trường xử phạt đối với hàng hóa xách tay không có hóa đơn, chứng từ tương tự như xử lý hàng lậu. Nghị định mới quy định rõ hơn và mức xử phạt đã tăng nặng lên rất nhiều. Ví dụ, nếu hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3 triệu đến dưới 5 triệu đồng sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng. Mức phạt đối với hoạt động kinh doanh hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, không khai báo hải quan… có giá trị 100 triệu đồng bị phạt đến 200 triệu đồng.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, cần phải siết chặt quản lý kinh doanh đối với hàng xách tay, hàng hóa không rõ nguồn gốc bởi nó gây thiệt đơn, thiệt kép cho nền kinh tế.
“Theo quy định của hải quan, thực tế trong khâu quản lý của ngành hải quan không tồn tại khái niệm “hàng xách tay”, chỉ có hàng ngoài định mức miễn thuế đối với hành khách mà thôi. Theo quy định, khách khi nhập cảnh mang theo hàng hóa trong định mức quy định thì sẽ được miễn thuế, còn trên giá trị này thì phát sinh nghĩa vụ đóng thuế”, ông Thịnh nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc tăng mức xử phạt này sẽ không có nhiều tác dụng đối với việc kiểm soát kinh doanh “hàng xách tay”, bởi với lợi nhuận do kinh doanh sản phẩm này từ những cơ sở lớn, số lượng hàng hóa bán ra nhiều, đôi khi người ta sẵn sàng đánh đổi vì số tiền phạt chỉ bằng một phần số lợi nhuận mang lại.
Cũng theo lý giải của chuyên gia này, thời gian qua, lực lượng chức năng đã thường xuyên kiểm tra nhưng số vụ phát hiện, xử phạt chỉ mới là bề nổi của tảng băng chìm. Đặc biệt, "hàng xách tay" hiện được bán chủ yếu qua hình thức trực tuyến, thương mại điện tử, để phát hiện, xử phạt rất khó do sản phẩm được người bán để trong nhà, lực lượng quản lý thị trường muốn kiểm tra trường hợp này phải có quyết định khám nơi ở được chủ tịch quận ký. Có quyết định này không dễ.
“Với những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ có thể áp dụng biện pháp tăng mức xử phạt vi phạm hành chính để răn đe song với các cơ sở kinh doanh lớn, ảnh hưởng đến một ngành hàng nhất định, ngoài biện pháp hành chính cần xử lý cả vi phạm hình sự, như vậy hiệu quả ngăn chặn mới rõ ràng” TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến.
Theo nhiều chuyên gia, tăng mức chế tài theo nghị định mới là cần thiết. Tuy nhiên, việc tăng chế tài là chưa đủ, do hoạt động kinh doanh hàng xách tay trốn thuế hiện vẫn diễn ra phổ biến, khó kiểm soát. Do đó, để quản lý hoạt động kinh doanh hàng xách tay hiệu quả hơn, cần ngăn chặn từ gốc. Biên giới siết chặt kiểm tra thì hoạt động kinh doanh hàng lậu, trốn thuế trong nội địa mới giảm mạnh, có như vậy mới xử lý được dứt điểm được tình trạng tràn lan hàng xách tay, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” như lâu nay./.