Xã hội

Lạc Thủy quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới để phát triển bền vững

(VOVTV) - Quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới để tạo bước đột phá, phát triển kinh tế - xã hội bền vững là mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện miền núi Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình hướng đến, cùng "đồng lòng, chung sức" từ 10 năm nay. Các tiêu chí đều đã đạt chuẩn so với quy định, giờ chỉ còn dồn sức thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng, có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm.

Tác giả Trọng Hiếu / VOVTV
29/03/2021 10:40

Hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân đồng thuận

Gia đình bà Bùi Thị Bích Sảo có mảnh đất nằm ven mặt đường Làng Đồng Bột, xã Phú Thành dài hơn 40m, ngay đầu thôn, gần với quốc lộ 21A rất giá trị. Nhưng bà đã tình nguyện hiến từ 1,5m đến 3m đất tùy từng vị trí, kéo dài theo mặt đường, để đường thôn xóm được mở rộng, khang trang hơn.

Chia sẻ với phóng viên VOVTV, bà Bùi Thị Bích Sảo, cho biết: "Con đường này trước kia là đường đất, nhỏ hẹp, dốc lên dốc xuống. Từ hồi xây dựng nông thôn mới, được Nhà nước đầu tư, chúng tôi góp thêm ít đất, công sức, con đường được mở rộng, bằng phẳng hơn, rất thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa".

Lạc Thủy quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới để phát triển bền vững - Ảnh 1.

Bà Bùi Thị Bích Sảo cũng như nhiều hộ dân của huyện đã tình nguyện hiến đất, để thôn mở đường rộng hơn

Trưởng thôn Làng Đồng Bột, ông Đinh Ngọc Thiện, cho biết thêm: "Thôn chúng tôi có 260 hộ với hơn 900 nhân khẩu. Từ khi xây dựng nông thôn mới đến nay, nhân dân trong thôn đã đóng góp hơn 270 triệu đồng, hàng nghìn ngày công lao động để cùng với Nhà nước bê tông hóa đường làng, ngõ xóm. Các gia đình tự trồng hoa ven đường, xây tường rào theo quy định, quy chuẩn của tiêu chí nông thôn mới".

Có lẽ vậy mà con đường Làng Đồng Bột, xã Phú Thành chạy từ quốc lộ 21A vào các xóm dài gần 5km đã bê tông hóa từ nhiều năm trước, nay lại được nâng cấp tôn nền, mở rộng mặt đường ra 4m thay vì 3m như trước kia và được đổ bê tông phẳng lì, kiên cố hơn. Mỗi bên lề đường cũng được mở rộng thêm 1m để xây dựng hệ thống mương cống thoát nước, làm đường hoa.

Lạc Thủy quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới để phát triển bền vững - Ảnh 2.

Hội Phụ nữ tham gia xây dựng đường hoa, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp

Ở Lạc Thủy, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp, có sức lan tỏa. Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình ở các thôn xóm đã tình nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động và cả tiền của để "chung sức xây dựng nông thôn mới". Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Lạc Thủy, giai đoạn từ 2011 - 2020 là hơn 7.765 tỷ đồng.

Ngoài nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương, nguồn vốn tín dụng, vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án thì các doanh nghiệp cũng đã đóng góp hơn 355 tỷ đồng. Riêng nhân dân trong huyện đóng góp bằng tiền mặt, vật tư, vật liệu, hiến trên 167.624 m2 đất, 650 nghìn ngày công lao động… quy đổi thành tiền trị giá hơn 814 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Nguyễn Văn Hải, cho biết: "Nhận thức rõ xuất phát điểm nền kinh tế của huyện thấp, đời sống nhân dân khó khăn, cơ sở hạ tầng xuống cấp, không đồng bộ nên khi thực hiện chương trình, huyện không làm dàn trải mà ưu tiên tập trung cho những xã có điều kiện về đích sớm.

Đồng thời, huyện chỉ đạo các xã tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh. Xây dựng mô hình liên kết sản xuất trong chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, chú trọng công tác dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh đấu giá đất, kêu gọi xã hội hóa để có nguồn lực. Khi đã đạt được kết quả bước đầu, huyện lại từng bước xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu".

Trên cơ sở bám sát nhiệm vụ được giao, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội huyện thống nhất chương trình phối hợp để thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Giai đoạn 2011-2020, bằng nguồn quỹ Ngày vì người nghèo toàn huyện đã xây mới được 294 nhà, sửa chữa 130 nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo.

Lạc Thủy quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới để phát triển bền vững - Ảnh 3.

Những con đường nông thôn mới được xây dựng từ ý Đảng lòng dân

Hội Liên Hiệp Phụ nữ huyện thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", phong trào "Phụ nữ Lạc Thủy chung tay xây dựng nông thôn mới"; tập trung nâng cao chất lượng đoạn đường phụ nữ tự quản, đoạn đường hoa gắn với vệ sinh môi trường đảm bảo "Xanh - sạch - đẹp".

Huyện Đoàn tổ chức các hoạt động ra quân chiến dịch thanh niên tình nguyện, xây dựng sân chơi cho thanh thiếu niên, trồng hoa, cây xanh bên các trục đường giao thông. Đoàn thanh niên huyện đã xây dựng được 81 tuyến đường thanh niên "sáng - xanh - sạch - đẹp".

Hội Nông dân huyện phối hợp với các xã triển khai xây dựng các mô hình phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng các Tổ hợp tác, các nhóm, tổ, đội giúp nhau phát triển kinh tế, giúp nông dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tổ chức các cuộc giao lưu truyền thông về xây dựng nông thôn mới.

Đảng ủy, UBND các xã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, lập đồ án, xây dựng đề án, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện…

Về đích để phát triển toàn diện, bền vững

Thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, huyện Lạc Thủy hiện còn 08 xã. Đến cuối năm 2020, toàn bộ 8 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Ngọ Đình Tâm, trưởng phòng NN&PTNN huyện Lạc Thủy, cho biết: "Sau 10 năm thực hiện Chương trình, kinh tế của huyện đã có bước phát triển khá, chuyển dịch đúng hướng. Đặc biệt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp được chú trọng, trồng trọt, chăn nuôi tạo được giá trị gia tăng ngày càng cao, xây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất, mô hình theo tiêu chuẩn VietGap, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân".

Lạc Thủy quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới để phát triển bền vững - Ảnh 4.

Nhiều mô hình chăn nuôi được phát triển, giúp người dân có thu nhập cao

Điều đáng ghi nhận là đến nay, huyện Lạc Thủy không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Các công trình, dự án được triển khai đều có kế hoạch bố trí, phân bổ nguồn vốn đảm bảo theo quy định.

Toàn bộ hơn 86 km đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa, bê tông hóa; hơn 127 km đường trục thôn, bản và đường liên thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt 70%; hơn 223 km đường ngõ, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa, đạt 76%. Đường trục chính, kênh mương nội đồng, công trình thủy lợi được cứng hóa đều đạt yêu cầu của tiêu chí. Toàn huyện cũng xây dựng được 58 tuyến đường hoa, cây cảnh với tổng chiều dài khoảng 107 km.

Hiện nay, 100% trạm y tế xã được xây dựng kiên cố phục vụ tốt cho công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2020 đạt trên 90%. Các xã đều được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế năm 2020.

Hệ thống trường học có 19/23 trường đạt chuẩn Quốc gia; 08 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở mức độ 3.

Đến cuối năm 2020, toàn bộ 8 xã đạt tiêu chí về Cơ sở vật chất văn hóa, có 87 thôn có nhà văn hóa, đạt 100%; hơn 96% số thôn đạt danh hiệu làng văn hóa và 85% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; có trên 75% nhà ở đảm bảo theo quy định; hơn 94% số hộ dùng nước hợp vệ sinh; 97,8% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện.

Toàn huyện cũng tổ chức được 165 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 4.950 lao động được đào tạo các nghề; giải quyết việc làm mới cho 25.200 lao động. Hệ thống đài truyền thanh xã, mạng internet được kết nối đến 100% các thôn, xóm; 100% số xã có điểm bưu chính viễn thông đảm bảo theo quy định.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 50,5 triệu đồng, tăng 34,9 triệu đồng so với năm 2011.Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Nguyễn Văn Hải, cho biết: Phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới không phải là về đích cho xong, mà là để có nền tảng vững chắc, để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội được toàn diện, bền vững. Định hướng của huyện đến năm 2025, kinh tế được phát triển mạnh với quy mô và tiềm lực cao hơn. Cơ cấu Công nghiệp - Xây dựng, chiếm 40,2%; Thương mại, Dịch vụ chiếm 37,3%; Nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 22,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 105 triệu đồng/người/năm.

Lạc Thủy quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới để phát triển bền vững - Ảnh 5.

Vẻ đẹp thanh bình ở khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu Đồng Nội, xã Đồng Tâm

Với định hướng đó, huyện Lạc Thủy tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện nông thôn mới theo hướng phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới đạt chuẩn nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu đạt chuẩn phù hợp với điều kiện thực tiễn và phát huy tối đa lợi thế của từng xã.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục duy trì và phát triển theo hướng tích cực, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh và phát triển liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp; thực hiện đồng bộ các nội dung tái cơ cấu ngành.

Tiếp tục quan tâm phát triển văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa mới. Phát triển toàn diện giáo dục đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tích cực cải thiện chất lượng môi trường nông thôn. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận