Xã hội

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng môi trường văn hoá công sở phát triển bền vững, chống chủ nghĩa cá nhân

(VOVTV) - Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" nhấn mạnh một nhiệm vụ quan trọng là "Chú trọng xây dựng môi trường văn hoá công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn".

Tác giả Phương Tiến
14/11/2023 16:55

Xây dựng văn hóa môi trường công sở theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Xây dựng văn hóa môi trường công sở liên quan đến nhiều công việc như xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người, xây dựng thể chế, nâng cao năng lực của cán bộ, nhân viên… Để mỗi cơ quan, đơn vị, công sở phát triển bền vững, chúng ta cần phải có các mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong môi trường công sở thân thiện, chân tình, minh bạch, tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, tận tâm với công việc, chống biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, phát huy dân chủ, tranh thủ được tối đa trí tuệ, công sức, ý thức tự giác của mỗi thành viên của công sở trong xây dựng môi trường văn hóa ở nơi làm việc.

Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, công sở đều cơ bản hiểu rõ tầm quan trọng trong việc xây dựng một môi trường văn hóa công sở, nơi làm việc lành mạnh, tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi còn có một số bộ phận cán bộ, nhân viên vì lợi ích riêng, có những biểu hiện của "Chủ nghĩa cá nhân", ngại khó, ngại khổ, đùn đẩy trách nhiệm, vi phạm pháp luật của nhà nước, kỉ luật của cơ quan, đoàn thể. Những biểu hiện này nếu không bị ngăn chặn, rất dễ gây ra sự mất đoàn kết, tạo ra một môi trường làm việc thiếu lành mạnh, dân chủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của cơ quan, đơn vị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể, miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô… Do "cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân". Từ đó, Người ví Chủ nghĩa cá nhân như cỏ dại, cần bị loại bỏ. Để xây dựng được một môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn chúng ta càng cần phải được quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đấu tranh, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân trong môi trường công sở.

Những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong môi trường công sở:

+ Bệnh nể nang: Đồng nghiệp mình mắc khuyết điểm, lẽ ra phải kỷ luật với một hình thức tương xứng, nhưng vì cảm tình nên chỉ phê bình qua loa cho xong chuyện. Thậm chí có nơi còn che đậy cho nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể.

+ Bệnh kéo bè, kéo cánh, cục bộ, bản vị: Bè cánh được lôi kéo từ những người có họ hàng, là bà con, cháu, chắt, thân tín, thậm chí mở rộng ra là người cùng xóm, cùng quê; rồi "chén chú chén anh", tung hô nhau, ủng hộ nhau, dùng số đông, lợi dụng và bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ, dồn những người dù có tốt, có tài nhưng không "hợp" xuống để "tiêu diệt", để cát cứ, thao túng; "Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống".

+ Bệnh hữu danh vô thực, bệnh thành tích: Làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch".

+ Bệnh tham lam: Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của tập thể, do đó mà chỉ "tự tư tự lợi". Dùng của công làm việc tư..

+ Bệnh lười biếng: Lười biếng biểu hiện ở sự thỏa mãn với sự học, kiến thức vốn có của mình, Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cánh để trốn tránh.

+ Bệnh công thần: Cậy mình có đóng góp cho tổ chức, cơ quan, mà xa rời quần chúng, tự cao tự đại, đòi hỏi được ghi nhận, tôn vinh, đòi hỏi lợi ích, quyền lợi của mình. Khi không được đáp ứng thì luôn có quan điểm bất mãn với tổ chức, xã hội…..

Tác hại của chủ nghĩa cá nhân:

Chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại cho tổ chức, cơ quan, công sở, người có chủ nghĩa cá nhân sẽ có suy nghĩ "ăn xổi", ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham lam, lười biếng, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, tham danh trục lợi thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. có thể gây ra hậu họa rất lớn về sau, gây mất đoàn kết, tạo ra sự phát triển thiếu bền vững của cơ quan, tổ chức.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn, Nội dung "chống chủ nghĩa cá nhân" là một nhiệm vụ quan trọng, cần làm xuyên suốt, lâu dài, tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:

+ Tiếp tục giáo dục, nâng cao phẩm chất đạo đức, trang bị kiến thức toàn diện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Tuyên truyền rộng rãi trong toàn cơ quan, đoàn thể về tác hại và những biểu hiện mới của chủ nghĩa cá nhân, để từ đó nhận diện và có biện pháp ngăn chặn. Đẩy mạnh "Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, lâu dài. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động trong môi trường công sở, làm cho mỗi cán bộ, nhân viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống.

+ Phát huy, mở rộng dân chủ trong môi trường văn hóa công sở để đoàn kết, động viên và phát huy hết tiềm năng trí tuệ, sự ủng hộ cả tinh thần và vật chất của tất cả cán bộ, nhân viên vì sự nghiệp chung.

+ Công khai hóa chế độ, tiêu chuẩn, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể, để cho mỗi cán bộ nhân viên cảm thấy thật sự được đối xử bình đẳng, công bằng, "làm tốt sẽ được ghi nhận xứng đáng, làm chưa tốt sẽ bị phạt", tránh tính trạng công thì nhận về cá nhân, tội thì sẽ đổ cho tập thể.

+ Coi trọng xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức. Xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát có hiệu quả; phương pháp kiểm tra phải đồng bộ từ trên xuống và từ dưới lên nhằm mục đích phát hiện những sai lầm trong tư tưởng và hành động để kịp thời sửa chữa.

+ Cần xây dựng các chuẩn mực đạo đức ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đánh giá, có đôn đốc, giám sát quá trình thực hiện

+ Thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả trong các hoạt động lãnh đạo, quản lý của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân; tổ chức kê khai thu nhập, tài sản của cán bộ, nhân viên.

+ Mỗi cán bộ cần nêu cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu tổ chức, công sở luôn đi đầu nêu gương. Phải tự rèn luyện bản thân, tu dưỡng đạo đức; đề ra phương hướng phấn đấu. Luôn thể hiện tính đoàn kết, nói đi đôi với làm.

+ Chú trọng công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình tốt, phát hiện các điển hình, tổ chức các hoạt động biểu dương kịp thời.

Mỗi tổ chức công sở chỉ thực sự vững mạnh khi các thành viên liên kết với nhau, nhất trí với chủ trương của tổ chức, đồng thuận triển khai các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đồng tâm, đồng chí, đồng lòng, tận tụy với công việc được giao, hợp tác với nhau trong công việc, cùng chung khát vọng vươn lên, dám dấn thân cống hiến xây dựng công sở phát triển bền vững, thấm đượm nhân tính, hình thành triết lý sống, lối sống: "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người". Khi đó, tổ chức, công sở sẽ phát triển một cách bền vững, môi trường văn hóa công sở sẽ lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận