Hàng hóa tiêu thụ ở thị trường nào cũng cần được “xanh hóa” ngay từ bao bì
(VOVTV) - Hiện nay chất lượng hàng hóa ngày càng được nâng cao, nhiều doanh nghiệp mong muốn đưa sản phẩm ra thị trường thế giới và yếu tố bao bì cho sản phẩm là không thể tách rời. Do đó, đòi hỏi bao bì cần phải đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của các nước trên thế giới, đó là xanh, tái chế được.
Trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất bền vững, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cùng một số tổ chức đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp sản xuất xanh, hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn hội nhập để xuất khẩu. Hiện Hội này đang cùng với các doanh nghiệp sản xuất tìm hiểu về xu hướng lựa chọn bao bì cho sản phẩm như thế nào để vừa đảm bảo tiêu chuẩn xanh vừa hiệu quả kinh tế, đồng thời tham khảo các công nghệ sản xuất bao bì trong nước để đặt hàng.
Đầu tư 10 triệu USD xây dựng nhà máy bao bì
Công ty TNHH Sản xuất- thương mại và dịch vụ Bao bì Tăng Phú (Tafuco) đã có mặt trên thị trường từ năm 2003 và là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực thiết kế, in ấn, sản xuất các loại bao bì. Tafuco đã là nhà cung cấp bao bì cho nhiều khách hàng trong và ngoài nước như: Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…
Gần đây, trước yêu cầu của thị trường, của kinh tế xanh, Tafuco đã đầu tư 10 triệu USD để xây dựng mới một nhà máy sản xuất bao bì rộng 15.000m2 ở Khu công nghiệp Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Đây là nhà máy theo tiêu chuẩn “5S” của Nhật Bản, gồm: Seiri (Sắp xếp), Seiton (Sắp đặt), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Sáng suốt) và Shitsuke (Tự giác), là một phương pháp quản lý và sắp xếp nhà máy tinh gọn, sạch sẽ, khoa học.
Ông Nguyễn Hoàng Xuân Độ, Tổng giám đốc Tafuco cho rằng, để có được những sản phẩm bao bì xanh, sạch, bền vững, doanh nghiệp bao bì nhất thiết phải đầu tư về hạ tầng nhà máy, máy móc thiết bị và quy trình sản xuất, đáp ứng được các xu hướng bao bì trên thế giới.
"Thị trường của hàng hóa Việt không chỉ hạn hẹp trong nội địa hoặc khu vực mà còn đi đến các nước phát triển và yếu tố bao bì không thể tách rời khỏi hàng hóa. Thị trường đòi hỏi bao bì phát triển xanh hơn và đáp ứng những yêu cầu vế tái chế. Đặc biệt, với nông sản, nếu được chế biến sâu hơn và bao bì bảo quản tốt, phủ hợp hơn thì sẽ đi đến được các thị trường xa hơn," ông Nguyễn Hoàng Xuân Độ nói.
Ông Võ Minh Quân, chuyên gia của Ban dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao- Chuẩn hội nhập, cho hay, TP.HCM đang tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng đến việc phát triển bền vững, giảm phát thải. Các doanh nghiệp cần tiên phong trong thực hiện xu hướng này, vì chính sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Riêng về bao bì cho sản phẩm, doanh nghiệp phải nắm được xu hướng thị trường, yêu cầu cụ thể của khách hàng và cùng bàn bạc với doanh nghiệp bao bì để có giải pháp hiệu quả nhất.
Ông Quân cho biết thêm, hội có định hướng và tổ chức cho doanh nghiệp học về giảm phát thải khí nhà kính và các tiêu chuẩn liên quan chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Một số tiêu chuẩn có thể áp dụng hữu ích ngay cho doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp chuyển đổi từ từ, dần dần hình thành sản xuất xanh, như là giảm rác thải bằng sử dụng bao bì bền vững.
Cần theo kịp xu hướng bao bì hiện đại
Bà Lê Thị Bích Loan, Giám đốc Phát triển thương hiệu của Tafuco, là người tiếp cận các yêu cầu của khách hàng và tư vấn các giải pháp tối ưu cho biết, trước đây, với bao bì, yêu cầu của khách hàng nước ngoài thường đi trước khách hàng trong nước khoảng 4 năm. Gần đây thì khoảng cách thời gian này đang dần thu ngắn lại.
Theo bà Loan, các doanh nghiệp lớn trong nước thường tiên phong đi trước trong sản xuất xanh, trong đó có bao bì xanh, thân thiện với môi trường, giảm thiểu chất thải ra môi trường rồi mới tính đến tái chế.
"Bao bì trước đây làm thật to thì giờ làm nhỏ lại, trước làm thật cứng và dày thì giờ làm mỏng nhất có thể, trước đây dùng mực in nhiều chồng chồng lên nhau để tạo hiệu ứng thì giờ thiết kế tối giản lại hết. Xu hướng này cần các doanh nghiệp lớn tiên phong thực hiện trước, rồi từ từ các doanh nghiệp nhỏ làm theo. Trong trường hợp chúng ta không bỏ được bao bì nhựa thì tiết giảm tối đa nguyên liệu làm bao bì là cách có thể làm được ngay," bà Loan chia sẻ.
Từ các doanh nghiệp lớn tiên phong trong bao bì xanh, hiện đại, thị trường và người tiêu dùng chấp nhận và quen dần, các doanh nghiệp nhỏ bắt đầu làm theo. Cứ như thế, các sản phẩm từ nhỏ nhất như thực phẩm dùng hàng ngày đến máy móc thiết bị từng bước được đóng gói bằng các bao bì, nhãn mác theo xu hướng xanh, bền vững.
Ông Thái Quốc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Hương, sản xuất thực phẩm chế biến, chia sẻ, những doanh nghiệp nhỏ như Thảo Hương hiện rất quan tâm đến bao bì xanh, bao bì công nghệ mới để bảo quản sản phẩm được lâu hơn, tìm thị trường xuất khẩu cũng dễ hơn. Ông Huy cho biết, ông cố gắng tìm hiểu, học hỏi để có thể hiểu sâu về vấn đề khí nhà kính, bao bì thân thiện môi trường để sắp tới phát triển công ty theo hướng bao bì cho sản phẩm, nguyên liệu, máy móc, xây sửa nhà xưởng phải thân thiện môi trường, theo xu hướng tương lai.
Hiện nay chất lượng hàng hóa ngày càng được nâng cao, nhiều doanh nghiệp mong muốn đưa sản phẩm ra thị trường thế giới và yếu tố bao bì cho sản phẩm là không thể tách rời. Do đó, đòi hỏi bao bì cần phải đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của các nước trên thế giới, đó là xanh, tái chế được. Đặc biệt, với nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam hiện đang gặp những rào cản về vận chuyển, bảo quản, có bao bì bảo quản phù hợp thì sẽ giữ được lâu, vận chuyển được xa hơn, góp phần tránh chuyện được mùa mất giá./.
Tin nổi bật
Tin Video