Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước: Để thiếu điện có trách nhiệm của EVN
"Đây là trách nhiệm của cá nhân tôi cũng như của lãnh đạo Tập đoàn EVN", ông Nguyễn Hoàng Anh nói khi nhắc đến tình trạng thiếu điện xảy ra trong năm 2023.
Tại hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Nguyễn Hoàng Anh cũng cho rằng, tình trạng thiếu điện đã nhìn nhận nhiều năm trước, nhưng chúng ta không có giải pháp gì. Đó mới là vấn đề căn cơ, cần phải suy nghĩ.
Còn Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: " EVN cần chuẩn bị kịch bản, nhất là kế hoạch cung ứng điện mùa khô, đảm bảo tuyệt đối không thiếu điện như năm 2023, theo chỉ đạo của Thủ tướng ".
Tiếp nhận những ý kiến trên, Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An nhìn nhận, trong năm 2024, nhiệm vụ hàng đầu là đảm bảo cung ứng điện, trong bối cảnh công suất lắp đặt mà EVN nắm giữ chỉ là 37%, thêm 10% của TKV và PVN, nên vai trò chỉ đạo điều hành với 52% nguồn điện ngoài hệ thống rất quan trọng.
Về đầu tư xây dựng, cần dứt điểm khắc phục bệnh trầm kha là công trình chậm tiến độ, phát sinh chi phí và tổng mức đầu tư “một cách hồn nhiên”. Những địa phương cần nhu cầu điện rất nóng nhưng xử lý công việc vẫn rất chậm chạp.
Về cân bằng tài chính, bên cạnh chính sách nhà nước về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, ông An nói nỗ lực nội tại tiết kiệm cũng là yêu cầu đặt ra.
Nguyên tắc nữa là tăng cường sự minh bạch, từ phương thức vận hành hệ thống điện, vận hành thị trường điện, đàm phán hợp đồng mua bán điện. Dư luận luôn đặt câu hỏi về việc báo cáo tài chính của tập đoàn có công khai, theo chuẩn mực tài chính quốc tế không.
Về khoản lỗ của EVN, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, không thể để bài toán lỗ lũy kế của EVN diễn ra nhiều năm liên tiếp. "Nếu không tăng giá điện mà để lỗ luỹ kế như thế này thì không được và điều này sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.
Vì thế, ông Hoàng Anh cho rằng ngoài việc tăng giá điện thì EVN cũng cần mạnh dạn cải tổ nhân sự. Nếu không mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm thì năm 2024 sẽ rất khó khăn.
Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, Bộ đang rà soát chính sách, đề xuất sửa Luật Điện lực và dự kiến trình Quốc hội thông qua năm 2024. Trong đó, các kiến nghị của EVN về cơ chế phát triển năng lượng, thị trường, giá để đảm bảo tập đoàn này hoạt động thuận lợi hơn.
Trước đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc EVN, thông báo khoản lỗ ước tính 17.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ.
Đáng chú ý trong năm 2023, giá bán lẻ điện được điều chỉnh 2 lần (tăng 3% từ 4/5/2023 và tăng 4,5% từ 9/11/2023), do đó giá bán điện bình quân cả năm 2023 ước đạt 1.950 đồng/kWh, tăng 69,22 đồng/kWh so với năm 2022.
Theo đó, doanh thu của EVN năm 2023 ước đạt 488.000 tỉ đồng, tăng 2,8% so với năm 2022.
Lý giải nguyên nhân thực trạng này, ông Nguyễn Anh Tuấn, cho biết, dù nỗ lực tiết giảm chi phí, giá bán lẻ điện được điều chỉnh hai lần nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao, nên năm 2023 EVN không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, năm 2023, giá nhiên liệu cao hơn nhiều so với các năm trước, trong khi cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém làm sản lượng thuỷ điện giảm. Chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng đã khiến giá điện tuy tăng nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ.
Theo ông Tuấn, thông thường, sản lượng thuỷ điện của Việt Nam đạt 35% hoặc cao hơn, nhưng trong năm 2023, do hạn hán, nhiều hồ thuỷ điện về mực nước chết, nên sản lượng của nguồn thuỷ điện chỉ đạt 28,4%.
Còn nhiệt điện than - nguồn năng lượng chiếm tỉ trọng 33,2% nhưng năm 2023 sản xuất được 46,2%; nguồn tuabin khí và nhiệt điện dầu chiếm tỉ trọng 10,3% nhưng sản xuất được 9,8%; nhập khẩu điện chiếm tỉ trọng rất ít 1,46%; năng lượng tái tạo có công suất đặt chiếm 26,9%, nhưng sản xuất đạt 13%.
Hiện nay, thuỷ điện vẫn là nguồn có giá ổn định nhất, nhưng nguồn này chỉ chiếm 28,4% tổng công suất nguồn điện. Còn năng lượng tái tạo, do chính sách khuyến khích ban đầu cho nên giá của nguồn năng lượng này rất cao, nếu xét theo giá thành 9,35 cent theo Fit 1 thì vượt giá thành bán ra của EVN.
Theo ông Tuấn, hiện nay, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện. truyền tải, phân phối là 2.092,78 đồng/kWh, trong khi đó, giá thành bán ra là 1.950 đồng/kWh.