Yếu tố thách thức sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine
Khi cuộc xung đột kéo dài gần 6 tháng, các quan chức châu Âu lo ngại rằng, sự đồng thuận trên khắp khu vực có thể tan vỡ khi châu Âu bước vào một mùa Đông ảm đạm.
Gần 6 tháng kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra, phản ứng của phương Tây đối với cuộc khủng hoảng này vẫn mạnh mẽ và thống nhất, điều khiến nhiều người ngạc nhiên.
Thách thức đối với phương Tây
Sau nhiều năm rạn nứt quan hệ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và đại dịch Covid-19, liên minh xuyên Đại Tây Dương đã nỗ lực gắn kết lại và đạt được các thỏa thuận về hỗ trợ tài chính, vũ khí cho Kiev cũng như thỏa thuận cắt giảm việc sử dụng năng lượng Nga.
Phương Tây cũng nhất trí áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào nhiều cá nhân, tổ chức của Nga, trong đó có Tổng thống Putin cùng các nhân vật thân tín của ông.
Tuy vậy, khi cuộc xung đột kéo dài gần 6 tháng, các quan chức châu Âu lo ngại rằng, sự đồng thuận trên khắp khu vực có thể tan vỡ khi châu Âu bước vào một mùa Đông ảm đạm trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm tăng cao, thiếu hụt năng lượng sưởi ấm cho các ngôi nhà và nguy cơ suy thoái kinh tế.
Trước viễn cảnh đó, Tổng thống Ukraine Zelensky – người đang nỗ lực vận động sự ủng hộ của phương Tây giúp Kiev đẩy lùi cuộc tấn công của Nga, có thể khó thuyết phục châu Âu cung cấp thêm vũ khí và tài chính khi cả Moscow và Kiev đang rơi vào một cuộc chiến tiêu hao kéo dài.
Ông Keir Giles - chuyên gia về Nga tại Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) cho rằng: “Thách thức đối với Ukraine không thay đổi nhiều so với những ngày đầu chiến tranh, đó là giữ vững sự ủng hộ của phương Tây dù rằng Mỹ và châu Âu đang chịu những tác động nghiêm trọng do việc ủng hộ Kiev, như phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt nghiêm trọng, cùng những thách thức về kinh tế và nhân đạo. Đây có thể là lý do ông Zelensky muốn chiến tranh chấm dứt trước dịp Giáng sinh bởi vì tất cả những vấn đề đó sẽ khiến phương Tây khó đưa ra các cam kết lâu dài với Ukraine”.
Cuộc khủng hoảng nhiên liệu trong mùa Đông là điều mà các quan chức và nhà ngoại giao châu Âu đang đau đầu tìm biện pháp ứng phó, do Nga chiếm khoảng 55% tổng lượng khí đốt nhập khẩu vào châu Âu trong năm 2021. Chưa kể, châu Âu cũng đang vật vã với cơn khát dầu do lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga. Ước tính, dầu thô Nga chiếm 27% tổng nhập khẩu dầu của khối trong năm 2021.
“Liên minh châu Âu sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chúng tôi phải cố gắng thực hiện cam kết cắt giảm khí đốt của Nga trong khi chưa tìm được các nguồn nhiên liệu thay thế khác”, một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu, cho biết, ý nói đến thỏa thuận của EU cắt giảm 15% việc sử dụng khí đốt Nga. Thỏa thuận này từng bị chỉ trích là mang tính ép buộc và nhiều quan chức lo ngại rằng khi nó được thực thi, một số nước châu Âu sẽ không làm tròn nghĩa vụ của họ.
“Tây Âu vốn phụ thuộc khá nhiều vào năng lượng Nga. Họ chắc chắn chưa từng nghĩ đến việc họ lại rơi vào một thảm kịch do chính mình gây ra, và giờ đang hy vọng có thể trở lại “trạng thái bình thường” với Nga", chuyên gia Keir Giles lưu ý.
Trang bị vũ khí chỉ là giải pháp ngắn hạn
Các quan chức châu Âu lo ngại rằng, chiến lược của phương Tây trang bị vũ khí cho Ukraine có thể chỉ là giải pháp ngắn hạn trước một vấn đề dài hạn: Một cuộc chiến không có kết thúc rõ ràng. Đức, Pháp, Italy, Hà Lan và nhiều nước châu Âu khác đã tăng cường chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Riêng Đức thu hút sự chú ý lớn vì đã phá vỡ chính sách kéo dài hàng thập kỷ là không cung cấp vũ khí sát thương cho các nước đang có xung đột và tăng cường chi tiêu quốc phòng.
Một quan chức của NATO cho biết: “Theo thời gian, những vũ khí chúng tôi viện trợ cho Ukraine ngày càng phức tạp và tinh vi hơn, cùng với đó là cung cấp quá trình huấn luyện để họ sử dụng chúng một cách hiệu quả. Các loại vũ khí này có thể giúp Ukraine cầm cự. Nhưng khi chiến tranh kéo dài, nguồn cung vũ khí sẽ ngày càng khan hiếm, họ sẽ gặp nhiều bất lợi hơn”.
Ngoài chi phí về kinh tế và quân sự mà phương Tây phải gánh chịu, cũng có những lo ngại rằng, Mỹ và châu Âu đã bắt đầu trở nên mỏi mệt khi cuộc chiến Nga-Ukraine đang rơi vào bế tắc và không bên nào có thể tiến hành một cuộc tấn công lớn để tạo ra những thay đổi đáng kể trong cục diện xung đột. Một số nhà quan sát nhận định, các nước phương Tây có thể không rút lại sự ủng hộ đối với Ukraine nhưng họ chắc chắn phải cắt giảm nguồn lực tài trợ.
Một số nước Tây Âu, chẳng như Pháp và Đức đã công khai tuyên bố, đối thoại cần phải được xúc tiến giữa Nga và phương Tây cũng như giữa Moscow và Kiev. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông tin đến một thời điểm nào đó Ukraine và Nga sẽ phải đàm phán để tìm ra một thỏa thuận chấm dứt xung đột.
Còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phản đối việc hạn chế thị thực đối với công dân Nga trên toàn lãnh thổ EU. Ông cho rằng chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành tại Ukraine "không phải là cuộc chiến của người dân Nga và các nhà lãnh đạo châu Âu nên nhận thức và phân biệt rõ người dân Nga nói chung và giới lãnh đạo Nga nói riêng.
Những tháng tới được dự đoán sẽ là thời điểm khó khăn nhất đối với các quốc gia châu Âu kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Người dân tại châu lục này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ.
Một số hộ gia đình sẽ phải lựa chọn giữa nhu cầu sưởi ấm và nhu cầu lương thực. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo khó có thể tìm lý do chính đáng cho việc sử dụng tài chính và nguồn lực để hỗ trợ một quốc gia xa xôi, đặc biệt khi công dân của họ phải chịu các gánh nặng chồng chất.
Nhiều quan chức phương Tây nói với CNN rằng, đến một lúc nào đó, các nhà lãnh đạo châu Âu có thể thấy quyết định tốt nhất là làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình và phá vỡ mục tiêu của Ukraine là buộc Nga phải quay trở lại các biên giới trước đây.
Điều này đặc biệt quan trọng vì một số nước đang phải trải qua sự biến động về chính trị ở trong nước. Italy sẽ tổ chức bầu cử, Anh sẽ có thủ tướng mới và Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ - một thách thức lớn đối với chính quyền Tổng thống Biden.
Tin nổi bật
Tin Video