Yên Sơn (Tuyên Quang) băng băng về đích nông thôn mới
(VOVTV) - Thời gian qua, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) đã đạt được những kết quả tốt, đưa địa phương dần về đích.
Sức mạnh từ toàn dân
Ở Yên Sơn, công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo thường xuyên và liên tục, đưa phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới" lan tỏa mạnh mẽ đến từng thôn xóm. Nhờ công tác tuyên truyền và dân vận hiệu quả, đã có nhiều cá nhân, hộ gia đình tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, vật chất, hiến đất để thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, hòa chung với lợi ích của địa phương. Đó là yếu tố quan trọng đưa hầu hết các xã trên địa bàn huyện có chợ và các cửa hàng tiện lợi đạt chuẩn. Đến nay, tất cả các xã ở Yên Sơn đã đạt tiêu chí về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.
Về công tác tuyên truyền, Yên Sơn luôn sát sao, thường xuyên duy tu, bảo dưỡng hệ thống đài truyền thanh không dây; bưu điện xã. Đến nay, huyện đang thực hiện việc triển khai lắp đặt cụm hệ thống truyền thanh chạy trên nền tảng internet ở 20/27 xã.
"Các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân cấp xã đã xây dựng kế hoạch năm 2023, chủ động chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch. Quan tâm chỉ đạo, tập trung ưu tiên nguồn lực đối với các xã mục tiêu hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Phong trào cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang từ huyện đến cơ sở trực tiếp tham gia lao động xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi đã trải qua quãng thời gian không ít khó khăn, thách thức, song vẫn vượt qua để hướng đến nông thôn mới, đưa Yên Sơn ngày càng giàu mạnh" - ông Nguyễn Hữu Phương - Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn hồ hởi chia sẻ.
Đến nay, toàn huyện Yên Sơn đã có 14/27 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 51,85%); 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Thái Bình, Mỹ Bằng, Hoàng Khai), trong đó xã Thái Bình đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến hết năm nay, Yên Sơn đặt mục tiêu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Chiêu Yên và Xuân Vân và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao Phúc Ninh, Kim Quan, bên cạnh xã Mỹ Bằng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Vay vốn ưu đãi
Để Yên Sơn hướng đến mục tiêu nông thôn mới, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phát huy được vai trò hỗ trợ giảm nghèo, an sinh xã hội. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ gia đình đã có vốn để đầu tư sản xuất phát triển kinh tế, làm nhà ở mới, qua đó thoát nghèo bền vững. Điều này cũng đã giúp các địa phương thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Chị Nguyễn Thị Huệ (thôn Đô Thượng 1, xã Xuân Vân) chia sẻ, gia đình vốn là hộ nghèo và gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên vào thời điểm 2016, chị đã vay vốn được từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để tập trung làm ăn, phát triển kinh tế bằng trồng trọt. 4 năm sau, chị tiếp tục vay thêm để mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, mô hình kinh tế của chị Huệ đã có trên 100 gốc bưởi đường, 2ha rừng và chăn nuôi trâu bò, lợn. Đáng mừng, năm 2022, gia đình chị đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang.
Căn nhà của chị Huệ là một trong những thành quả từ Kế hoạch triển khai xây dựng xóa nhà tạm cho 223 hộ (làm mới 200 hộ, sửa chữa 23 hộ). Đến nay, Yên Sơn đã hoàn thành 329/223 nhà (làm mới 294 nhà, sửa chữa 35 nhà) đạt 147,5% chỉ tiêu.
Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm 2023, huyện Yên Sơn đã tổng kinh phí huy động nguồn lực thực hiện chương trình nông thôn mới là 46.114,6 triệu đồng. Trong đó, nguồn lực từ ngân sách trung ương (vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp nông thôn mới) 38.441,7 triệu đồng, với 35.942,7 triệu đồng vốn đầu tư phát triển, 2.499 triệu đồng vốn sự nghiệp. Bên cạnh đó, huyện cũng đa dạng hóa được nguồn với như tín dụng (1.372,89 triệu đồng), quỹ vì người nghèo (2.800 triệu đồng), huy động từ doanh nghiệp (1.500 triệu đồng) và vốn từ nhân dân đóng góp là 2.000 triệu đồng. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội trong huyện đã có sự chuyển biến rõ nét, đưa Yên Sơn từng bước hướng đến mục tiêu nông thôn mới.
Tin nổi bật
Tin Video