Yên Bái: Huyện Văn Chấn tiến tiến tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới
(VOVTV) - Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Yên Bái, song Văn Chấn đã từng bước vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội.
Với đặc trưng nhiều rừng núi, hang động, suối… Văn Chấn là huyện miền núi tận dụng địa hình đa dạng để phát triển đồi rừng, khai thác khoáng sản, du lịch, dược liệu, trồng lúa…. Những yếu tố đó đã góp phần tạo ra một Văn Chấn hoàn thiện hơn, tiến tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM).
Khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, huyện Văn Chấn gặp rất nhiều bất lợi, các địa phương đều có xuất phát điểm thấp, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Theo thống kê, năm ngoái, sản xuất nông lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới của Văn Chấn đã đạt được những kết quả tốt. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 45.715 tấn (bằng 100,14% kế hoạch năm), sản lượng chè búp tươi là 48.000 tấn (đạt 100% kế hoạch). Tổng diện tích chè hiện có ở địa bàn huyện là 4.625 ha.
Tổng đàn gia súc chính của Văn Chấn đạt 114.500 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 7.450 tấn; công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng được tập trung triển khai thực hiện, trong năm đã trồng mới 3.171 ha rừng.
Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Văn Chấn theo đó tiếp tục được triển khai đồng bộ, hoàn thành 02/02 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới (Gia Hội, Bình Thuận) và 01 xã nông thôn mới nâng cao (Đồng Khê).
Từ những thành tựu đó, sang năm 2023, Văn Chấn đang tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả bước đầu cũng như xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả các thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản.
Với việc nhân rộng mô hình thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và áp dụng mô hình, công nghệ mới, đến nay, đã có 23 sản phẩm của huyện được công nhận sản phẩm OCOP.
Tổng diện tích chè năm 2023 của Văn Chấn ước đạt 4.620 ha; sản lượng chè búp tươi đạt 48.000 tấn. Huyện cũng xây dựng khu vực chuyên canh chè ổn định theo tiêu chuẩn VietGAP, chè hữu cơ, chè an toàn. Bên cạnh đó, giữ ổn định diện tích vùng cây cam, quýt ở mức 1.000 - 1.500 ha, sử dụng các loại giống tiến bộ kỹ thuật mới và nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn trong nước. Một số loại cây trồng mới đã được đưa vào thử nghiệm và mang lại kết quả tích cực: toàn huyện có 322 ha diện tích trồng mắc ca, trong đó diện tích mắc ca trồng xen chè là 316 ha, diện tích mắc ca trồng thuần là 06 ha.
Về chăn nuôi, năm 2023, tổng đàn gia súc ước đạt 130.000 con, lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 8.350 tấn.
Với đặc trưng là huyện miền núi, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng được huyện chú trọng. Diện tích trồng mới rừng hàng năm đạt trên 3.000 ha. Văn Chấn tập trung phát triển, nâng cao chất lượng vùng sản xuất quế trên 9.000 ha, chăm sóc phát triển 2.500 ha rừng cây gỗ lớn tại các xã vùng ngoài. Từ đó, nâng tỷ lệ tán che phủ đạt 58,9%.
Theo đánh giá của Huyện ủy Văn Chấn, chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương đã đạt được kết quả quan trọng; đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó phát huy vai trò chủ thể của người dân, với cách làm phù hợp. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Dự kiến đến hết năm 2023, Văn Chấn sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, đến năm 2025 lũy kế số xã đạt chuẩn là 17 xã, vượt 01 xã so với mục tiêu nghị quyết đại hội, bằng chỉ tiêu tỉnh giao bổ sung.
Tin nổi bật
Tin Video