Ý tưởng dùng chợ của Việt kiều để trợ lực xuất khẩu sang EU
Theo chuyên gia, các trung tâm thương mại của người Việt tại EU có thể là điểm tựa để quảng bá và gia tăng hàng xuất khẩu sang EU cho Việt Nam.
Chợ Việt kiều thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang EU của Việt Nam
Theo chuyên gia, các trung tâm thương mại của người Việt tại EU có thể là điểm tựa để quảng bá và gia tăng hàng xuất khẩu sang EU cho Việt Nam.
Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/10 cho biết, 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ 2019, đẩy cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD.
Xuất khẩu nói chung và xuất khẩu sang EU nói riêng là điểm sáng của nền kinh tế, nhất là khi còn ảnh hưởng vì đại dịch. Tại một hội nghị đóng góp ý kiến khắc phục tác động của Covid-19 mới đây, TS Hoàng Xuân Bình, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan cho rằng, hàng Việt Nam có thể tận dụng hơn nữa lợi thế của EVFTA thông qua giải pháp trung tâm hàng xuất khẩu.
Những năm gần đây, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã hình thành các trung tâm hàng xuất khẩu tại EU. Các trung tâm này vừa giúp họ xuất khẩu hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi, vừa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, thương hiệu quốc gia.
"Với EVFTA, đã đến lúc Việt Nam hình thành các trung tâm hỗ trợ xuất khẩu sang EU. Việc đầu tư các trung tâm như thế cũng rất lớn, do vậy phương hướng tốt nhất là các trung tâm thương mại của Việt kiều hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, từng bước chuyển đổi thành các trung tâm hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt Nam", ông Bình đề xuất.
Theo vị chuyên gia, Việt Nam có lợi thế là đội ngũ hàng vạn Việt kiều tại EU. Các trung tâm thương mại của người Việt có hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh với hơn 20 năm kinh nghiệm làm ăn, nhưng đang buôn bán hàng hóa nguồn gốc từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và EU.
"Các doanh nghiệp tại Ba Lan, nhất là các trung tâm thương mại của Việt kiều cũng mong muốn cùng đầu tư và hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để xây dựng trung tâm hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt Nam tại EU", vị này cho biết.
Nhiệm vụ của các trung tâm này sẽ là nghiên cứu thị trường, giúp các doanh nghiệp trong nước hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn EU, quảng bá sản phẩm, tìm đối tác tiêu thụ, làm đại diện, đại lý cho doanh nghiệp trong nước...
"Cơ hội EVFTA cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt kiều định hướng lại phương hướng kinh doanh và mở ra cơ hội hợp tác cùng với các doanh nghiệp trong nước", ông Bình nói.
9 tháng đầu năm, GDP Việt Nam tăng 2,12%, tuy là mức tăng thấp nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2020 nhưng là nước duy nhất trong ASEAN và thuộc số ít trên thế giới tăng trưởng dương.
Theo Giáo sư Augustine Hà Tôn Vinh, Chuyên gia Tư vấn Tài chính Cơ sở hạ tầng tại Mỹ, cũng vì là nền kinh tế nhỏ và có mức tăng trưởng ngoạn mục vài năm qua, nên Việt Nam vẫn còn "vùng đệm giảm sốc".
Về việc xuất khẩu sang EU, nhiều chuyên gia cũng đóng góp các khuyến nghị dài hạn cho nền kinh tế
Bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Giám đốc AVSE Global tại Việt Nam, cho rằng cần tiếp tục xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến của đổi mới sáng tạo, quảng bá chương trình "Made in Vietnam" và thu hút nhân lực người Việt ở nước ngoài.
"Số lượng người Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật khá lớn, cần tạo ra những điểm nhấn để thu hút nhân tài trở về hoặc xem họ như những 'Đại sứ công nghệ' của Việt Nam tại nơi họ đang làm việc", bà Nguyễn Thị Hải Thanh, nhận định.
Song song đó, một số tổ chức đang sẵn sàng hỗ trợ kết nối đào tạo cho quê nhà. Bà Ngô Phẩm Trân, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt cho hay, hơn 3 năm gần đây, Đài Loan có chính sách "Tân hướng nam", với nhiều chương trình đào tạo liên kết với doanh nghiệp từ thạc sỹ, tiến sỹ và có học bổng từ 50%-100% nhiều ngành nghề.
"Hiệp hội có thể làm cầu nối hỗ trợ xây dựng 'Trạm giao lưu nhân tài' từ lúc các nghiên cứu sinh còn đang được đào tạo tại Đài Loan", bà Trân cho biết.
Theo TS Nguyễn Quang Trung, Trưởng Khoa Quản trị Đại học RMIT Việt Nam, việc triển khai chính phủ điện tử càng cấp bách kể từ khi có dịch, vì nhiều người dân, doanh nghiệp có nhu cầu làm việc trực tuyến hơn. "Ở cấp quốc gia, nhìn chung chính phủ nào có chỉ số xếp hạng chính phủ điện tử cao thì thường có chỉ số năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh cũng cao", ông Trung nói.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Thính của Đại học TU Dortmund (Đức), Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Đức, cho rằng Việt Nam nên sớm thúc đẩy khái niệm "nhà nước kỹ thuật số" - một khái niệm rộng hơn chính phủ điện tử - nơi chính quyền hiểu cách thức và quy trình của chuyển đổi số, đảm bảo một môi trường kỹ thuật số có chủ quyền quốc gia, giúp người dân sử dụng ứng dụng kỹ thuật số thành thạo và công ty có thể đổi mới sáng tạo.
Vị giáo sư dẫn chứng, ngay mùa dịch, Đức tăng băng thông khả dụng cho cảnh sát, cứu hỏa, y tế. Tại bang North Rhine-Westphalia, đơn xin viện trợ khẩn cấp được yêu cầu phải nộp bằng kỹ thuật số. 47% người Đức được hỏi nói rằng thành phố của họ đã tung ra các dịch vụ kỹ thuật số mới để ứng phó đại dịch. Như vậy, Việt Nam càng có nhiều thuận lợi trong nỗ lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang EU.
Tin nổi bật
Tin Video