Tin tức

Ý nghĩa tục chơi câu đối ngày Tết

(VOVTV) - Câu đối đỏ - hình ảnh quen thuộc mỗi khi Tết đến xuân về, là tập tục được lưu truyền từ lâu đời trong dân gian. Trải qua nhiều thời kỳ đổi thay của dân tộc, thú chơi câu đối ngày Tết vẫn được duy trì tới ngày nay.

Tác giả Quỳnh Trang - Trọng Khánh / VOVTV
30/01/2022 10:08

Trong lịch sử, tục chơi câu đối ngày Tết bắt đầu xuất hiện từ thời phong kiến với những xuất phát ban đầu là để xua đuổi tà ma, ác quỷ, trừ bỏ xui xẻo và đem đến may mắn cho gia đình. Câu đối bắt nguồn trong giới vua chúa, quí tộc, sau này mới được phổ biến trong đời sống nhân dân.

Câu đối Tết xưa được viết bởi những thầy đồ, những nhà trí thức có hiểu biết sâu rộng và có địa vị trong xã hội bởi nó hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa, câu đối thường gồm hai vế đối nhau được viết bằng chữ Hán, Nôm, tới sau này xuất hiện thêm câu đối viết bằng chữ quốc ngữ.

Ý nghĩa tục chơi câu đối ngày Tết - Ảnh 1.

Mỗi dịp Tết đến mọi người lại xin câu đối, xin chữ với mong ước một năm bình an

Câu đối được treo tại những vị trí trang trọng nhất trong nhà như trước cửa, ban thờ, phòng làm việc...

Hình ảnh câu đối đỏ ngày Tết quen thuộc đã đi vào văn thơ, ăn sâu vào tiềm thức người Việt như một nét văn hóa mang giá trị truyền thống đặc sắc. Ngày nay, những câu đối treo trong ngày Tết thường mang ý nghĩa tốt đẹp và đôi khi nhắc nhở con người ta về đạo đức, về lối sống, về cách hành xử hàng ngày, về ước mơ, mong ước một năm mới vui vẻ, hạnh phúc, làm ăn phát đạt, thành công.

Câu đối Tết được viết trên nền giấy đỏ, màu sắc tượng trưng cho may mắn, ấm no, sung túc là hình ảnh không thể thiếu trong những ngày Tết. Người ta xin câu đối, xin chữ dịp Tết vừa là để tô điểm cho căn nhà thêm ấm cúng cũng là để gửi gắm những ước vọng cho một năm mới suôn sẻ, bình an.

Ý kiến của bạn