Tin tức

Ý nghĩa nghi thức thay bàn thờ ngày 30 Tết của đồng bào Mông Sơn La

(VOVTV) - Trong ngày 30 Tết, đồng bào Mông có nhiều nghi thức phải thực hiện. Trong đó phải kể đến nghi thức thay bàn thờ (xưv caz) là nghi thức không thể thiếu trong ngày cuối cùng của năm chuẩn bị bước sang năm mới.

Tác giả Thào Ly / VOV Tây Bắc
31/01/2022 07:34

Ngày 30 Tết, bà con phải chuẩn bị giấy, một cây tre to bằng cổ tay để làm nơi cắm hương và giấy dán trên bàn thờ (người mông gọi là Xưv Caz) cùng một con gà trống có lông màu trắng hoặc màu đỏ. Sau khi chuẩn bị xong, gia chủ khấn xin tổ tiên cho phép được thay bàn thờ cho gia đình. 

Chat ong tre ve lam noi cam huong.jpg

Người đàn ông Mông vào rừng chặt ống tre về làm chỗ cắm hương

Anh Và A Vì ở bản Co Mạ, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết, hôm nay là ngày 30 Tết, gia đình tôi tổ chức tết cho các con cháu và gia đình. Tôi thay bàn thờ với mong muốn các thần linh, tổ tiên về phù hộ cho gia đình trong năm mới mọi việc đều suôn sẻ.

Để thực hiện nghi thức thay bàn thờ, trước tiên bà con cắt giấy dán trên bàn thờ (là giấy bản của người Mông). Giấy được gập làm đôi, cắt hình vuông. Cây tre để cắm hương dài khoảng 1,2m, đầu dưới được vót nhọn để cắm xuống nền nhà (nếu là nền xi măng thì gia chủ phải dùng ốc vít để cố định cây tre chắc chắn vào tường). 

Do bo ban tho va ong tre cu.jpg

Dỡ bỏ bàn thờ và ống tre cũ

Tiếp đó, gia chủ bắt con gà trống đã chuẩn bị sẵn cùng một nén hương, cắt ba tờ giấy hình chữ nhật (xar qênhx) to bằng bàn tay để đốt khi khấn báo mời các thần linh, ông bà, tổ tiên về nhận gà và phù hộ cho gia chủ bước sang năm mới gặp nhiều may mắn hơn. 

Ông Vừ Sua Ly, Bản Pha Khoang, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết nội dung lời khấn: “Hôm nay là ngày lành, tháng tốt, năm cũ đã qua, năm mới đã đến. Tôi lấy con gà này làm thủ tục thay lại bàn thờ. Mong ông bà tổ tiên, các thần linh, thổ công thổ địa đón nhận và phù hộ cho các thành viên trong gia đình sang năm mới luôn mạnh khỏe, tai qua nạn khỏi, một năm mới làm ăn phát tài”.

Ban tho moi khi da thay xong.jpg

Bàn thờ mới

Bàn thờ của người Mông được để ngay gian giữa nhà, hướng ra thẳng cửa chính của ngôi nhà. Con gà sẽ được mổ ngay trước bàn thờ, sau đó nhổ lấy ba hoặc năm nhánh lông ở cổ con gà thấm vào máu gà dán lên giấy bản bàn thờ đã được treo trên tường. Quan niệm của người Mông thì gà là con vật giúp kết nối, giao thoa giữa con người với thần linh, vì vậy dán lông gà lên giấy bản bàn thờ cũng là thể hiện sự thành kính đối với các thần linh. Khi con gà được luộc chín sẽ được đem ra đặt lên mâm gồm có con gà, một bát cơm, một bát canh, một cái chén cùng một chai rượu và một đôi đũa để cúng thần linh. 

Mang ga ve bao voi cac than linh to tien.jpg

Mang gà về báo với các thần linh, tổ tiên

Khi cúng thì phải vừa khấn vừa dùng đôi đũa nhúng vào bát cơm, bát canh và con gà, và hướng lên bàn thờ để mời các thần linh về đón năm mới cùng gia đình và phù hộ cho gia đình trong năm mới. Khi thay bàn thờ xong cũng là lúc kết thúc các thủ tục trong ngày 30 Tết của đồng bào. 

Ông Vừ Sua Ly cho biết thêm, thay bàn thờ là công việc rất quan trọng. Vì vậy phải làm vào lúc nửa đêm khi mọi người trong nhà ngủ hết và cũng là vào lúc thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới . Để cầu mong các thần linh, thổ công, thổ địa về bảo vệ các thành viên trong gia đình một năm mới sức khỏe, gặp nhiều may mắn, cuộc sống sung túc, no đủ, mọi việc trong gia đình được suôn sẻ.

Dot giay bao voi than linh to tien ve nhan ga.jpg

Đốt giấy báo với thần linh, tổ tiên về nhận gà

Bàn thờ của đồng bào Mông không chỉ là tín ngưỡng thờ cúng thông thường mà còn thể hiện bản sắc văn hóa, sự biết ơn đến ông bà, tổ tiên của cộng đồng người Mông. Vì thế, nghi thức thay bàn thờ ngày 30 Tết được đồng bào trân trọng gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ.

Ý kiến của bạn