Tin tức

Ý kiến trái chiều quanh đề xuất cấm sử dụng còi xe từ 22h đêm đến 5h hôm sau

Có ý kiến cho rằng quy định này chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn, gây mất an toàn giao thông cho người tham gia giao thông và dễ khiến người điều khiển phương tiện vi phạm luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định này có nhiều ưu điểm nhưng cần có giải pháp phù hợp để đảm bảo việc di chuyển thuận tiện và có biện pháp thực thi hiệu quả.

25/04/2024 09:31

Nhiều người có thói quen sử dụng còi xe tùy tiện, thể hiện sự thiếu văn hóa

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi, trong đó, tại khoản 2 điều 21 Dự thảo Luật về sử dụng tín hiệu còi đã quy định “...không sử dụng còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau trong khu đông dân cư và khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.....”.

Đối với vấn đề này, mới đây tại hội nghị góp ý Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Sở Tư pháp Hà Nội và nhiều đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại quy định này vì thực tế hiện nay cho thấy lượng phương tiện giao thông lưu thông trong khoảng thời gian này không nhỏ. Trong khi đó, hệ thống chiếu sáng vào khoảng thời gian này cũng được cắt giảm để tiết kiệm điện năng. Trong điều kiện lưu thông ánh sáng không đủ đảm bảo thì rất dễ xảy ra các tình huống va chạm/xung đột giao thông, gây mất an toàn giao thông. Nếu muốn cảnh báo các phương tiện cùng tham gia giao thông, người tham gia giao thông mà không được sử dụng còi thì sẽ không biết sử dụng biện pháp nào. Quy định như trong Dự thảo Luật có thể gây mất an toàn giao thông cho người tham gia giao thông và dễ khiến người điều khiển phương tiện vi phạm luật.

Ý kiến trái chiều quanh đề xuất cấm sử dụng còi xe từ 22h đêm đến 5h hôm sau- Ảnh 1.

Tiếng ồn, tiếng còi xe vào ban đêm và sáng sớm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ và sự yên tĩnh của người dân, đặc biệt là trong khu đông dân cư và khu vực bệnh viện. (Ảnh: Văn Ngân)

Liên quan đến đề xuất này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng: “vấn đề này không mới, chỉ thêm cụm từ khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhưng điều này lại rất hợp lý. Trong Luật Giao thông đường bộ 2018 quy định rất cụ thể tại khoản 12 và 13 Điều 8 về quy định này”.

Lý do của việc cấm này giúp giảm thiểu tiếng ồn, tiếng còi xe vào ban đêm và sáng sớm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ và sự yên tĩnh của người dân, đặc biệt là trong khu đông dân cư và khu vực bệnh viện. Việc hạn chế sử dụng còi xe sẽ góp phần tạo môi trường sống yên tĩnh, thoải mái và tốt cho sức khỏe. Việc hạn chế sử dụng còi xe sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, bảo vệ môi trường. Việc sử dụng còi xe bừa bãi có thể gây mất tập trung cho người lái xe khác, dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông. Hạn chế sử dụng còi xe sẽ giúp người lái xe tập trung hơn, từ đó nâng cao an toàn giao thông.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Hữu Đức cũng có một số lo ngại như trong một số trường hợp, việc sử dụng còi xe là cần thiết để cảnh báo nguy hiểm hoặc xin đường. Việc cấm sử dụng còi xe hoàn toàn có thể gây khó khăn cho việc di chuyển, đặc biệt là vào ban đêm. Việc cấm sử dụng còi xe có thể khó khăn trong việc thực thi do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và ý thức của người dân.

“Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc sử dụng còi xe cũng được hạn chế trong khu vực đông dân cư và khu vực bệnh viện. Như tại Nhật Bản, việc cấm sử dụng còi xe từ 22h đến 5h sáng trong khu vực dân cư. Singapore cấm sử dụng còi xe trừ khi có trường hợp khẩn cấp. Pháp cấm sử dụng còi xe trong khu vực bệnh viện. Thực tế ở Việt Nam việc sử dụng còi xe tùy tiện là một thói quen phổ biến và gây nhiều bức xúc cho người dân Việt Nam. Việc bấm còi liên tục, inh ỏi, đặc biệt là vào ban đêm và trong khu vực đông dân cư, bệnh viện, trường học,... gây ra nhiều tác hại như ô nhiễm tiếng ồn, gây mất tập trung, khó chịu và thể hiện sự thiếu văn hóa…”, TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.

Ý kiến trái chiều quanh đề xuất cấm sử dụng còi xe từ 22h đêm đến 5h hôm sau- Ảnh 2.

TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông

TS. Nguyễn Hữu Đức chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến thói quen sử dụng còi xe tùy tiện ở Việt Nam như: Nhiều người lái xe không ý thức được tác hại của việc sử dụng còi xe bừa bãi; Hệ thống giao thông thường xuyên ùn tắc khiến nhiều người lái xe nóng vội, sử dụng còi xe để hối thúc; Việc xử phạt hành vi sử dụng còi xe tùy tiện chưa được thực hiện nghiêm minh, dẫn đến sự lơ là của người vi phạm; Việc sử dụng còi xe bừa bãi được nhiều người coi là cách thể hiện bản thân hoặc thể hiện sự "uy quyền" trên đường.

Giải pháp pháp nào hạn chế sử dụng còi xe tùy tiện?

Để khắc phục tình trạng sử dụng còi xe tùy tiện, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng: “Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các giải pháp như nâng cao ý thức bằng việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về tác hại của việc sử dụng còi xe bừa bãi và tầm quan trọng của việc sử dụng còi xe văn minh. Phát triển hệ thống giao thông thông minh, giảm thiểu ùn tắc giao thông để người dân không còn cảm thấy bực bội và sử dụng còi xe bừa bãi. Xử phạt nghiêm minh hành vi sử dụng còi xe tùy tiện để răn đe người vi phạm. Tạo điều kiện cho người dân sử dụng tín hiệu đèn giao thông thay vì sử dụng còi xe”.

Ý kiến trái chiều quanh đề xuất cấm sử dụng còi xe từ 22h đêm đến 5h hôm sau- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, việc đề xuất "người lái xe không sử dụng còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau trong khu đông dân cư và khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" có nhiều ưu điểm, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và nâng cao an toàn giao thông.

“Tuy nhiên, cần có giải pháp phù hợp để đảm bảo việc di chuyển thuận tiện và có biện pháp thực thi hiệu quả. Ngoài ra, cần có sự tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về việc sử dụng còi xe văn minh, lịch sự. Sử dụng còi xe tùy tiện là một thói quen cần được thay đổi để bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và nâng cao văn hóa giao thông. Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức và sử dụng còi xe một cách văn minh, lịch sự”, TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn