Xuân no ấm nơi vùng cao Mường Giôn
(VOVTV) - Mường Giôn là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Bằng sự nỗ lực của chính quyền và mỗi người dân, Mường Giôn đã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đời sống của bà con ngày càng có nhiều khởi sắc vui đón xuân về.
Mùa xuân này, hộ gia đình ông Lò Văn Quốc, dân tộc Kháng, ở bản Mấc Líu, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai đã vượt nghèo vươn lên khá giả. Tiên phong đi đầu trồng cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi bò nhốt chuồng, gia đình ông Quốc đã có thu nhập trên dưới 200 triệu đồng mỗi năm.
“Trước đây trồng sắn, ngô cũng không được năng suất, không đủ sống. Tôi mới đi nhiều nơi trong tỉnh để tìm hiểu, thấy địa phương khác trồng được cây ăn quả, nên tôi mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Ban đầu tôi mua 30 gốc cây mận hậu về trồng, sau đó tôi mới triết cành. Rồi tiếp tục trồng nhãn ghép, lê, bưởi da xanh, cam quýt, sa nhân tím. Tổng diện tích lên đến 5ha. Được người dân ở các xã, bản lân cận đến học tập và làm theo”, ông Lò Văn Quốc tâm sự.
Cùng với gia đình ông Quốc, nhiều hộ gia đình ở Mường Giôn cũng đã thoát nghèo, thu về mỗi năm hàng trăm triệu đồng, như hộ gia đình ông Lý Say Sinh, dân tộc Mông ở bản Kéo Ca; ông Bạc Cầm Yên, dân tộc Thái ở bản Bộ Xanh, với mô hình chăn nuôi trâu, bò; gia đình ông Mè Văn Bét, ở bản Nà Mạt làm kinh tế từ chăn nuôi lợn sinh sản…
Chị Lù Thị Hoa, người dân bản Huổi Tèo, xã Mương Giôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La phấn khởi cho biết: Đây chính là kết quả từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đúng hướng. Mỗi người dân đều được thụ hưởng từ chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nên ai cũng rất phấn khởi, tự nâng cao ý thức trách nhiệm xóa đói nghèo, góp sức xây dựng quê hương, bản làng.
“Có nông thôn mới, chúng ta trồng được gạo nếp tan dẻo thơm để gói bánh chưng. Chăn nuôi được lợn, gà, vịt để mổ ăn tết không phải đi mua như trước đây nữa. Có nhà văn hóa để bà con hát múa văn nghệ, đường xá đi lại thuận tiện, con em không phải đi học xa. Chắc chắn tết năm nay sẽ vui hơn mọi năm”, chị Lù Thị Hoa phấn khởi nói.
Mường Giôn có 19 bản, với 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm Thái, Mông, Kháng, Kinh, trong đó, dân tộc Thái chiếm 86%. Những năm đầu bước vào tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã gặp không ít khó khăn do xuất phát điểm thấp, đời sống của đồng bào khó khăn, nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế; việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lựa chọn mô hình sản xuất chưa rõ nét.
Từ thực tế ở cơ sở, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung công tác tuyên truyền, huy động và lồng ghép các nguồn vốn để hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, nhất là về việc hạ tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, nhà ở, cơ sở vật chất văn hóa và trường học. Kêu gọi nhân dân chung tay đóng góp, hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Tuổi trẻ xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”...
“Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã thành lập các tổ công tác của xã, phối hợp với Ban quản lý bản, nòng cốt là thông qua những người có uy tín, Bí thư, trưởng bản để cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động bà con nhân dân, góp công, góp sức. Hàng tháng tổ chức họp bản, cùng tháo gỡ từng vướng mắc, khó khăn, chưa thông, chưa hiểu đối với từng nhà”, ông Hoàng Văn Học, Chủ tịch UBND xã Mường Giôn, cho biết.
Từ những giải pháp cụ thể, toàn xã đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn được hơn 130 tỷ đồng, trong đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp gần 17 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất.
Cuối năm 2021, Mường Giôn được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, với 19/19 bộ tiêu chí hoàn thành, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng/người/năm. Toàn xã có trên 2.470 hộ,thì hiện chỉ còn 159 hộ nghèo, giảm hơn 100 hộ so với năm 2021. Hộ khá, giàu tăng theo từng năm. Hiện, xã đã có 4 sản phẩm nông nghiệp tham gia chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm là nếp pỏm, trám đen, chuối tiêu cấy mô và vịt cổ xanh.
Tết đến xuân về, với phương châm để không ai bị bỏ lại phía sau, xã đã kịp thời rà soát các đối tượng có nguy cơ không có tết, gia đình chính sách, hộ nghèo, người già neo đơn, trẻ em mồ côi… để kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều có tết.
“Tết năm nay, tất cả hộ nghèo, hộ khá giả đều đảm bảo có tết. Chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền đề nghị hỗ trợ những phần quà tết cho các đối tượng hoàn cảnh khó khăn để ai cũng có mùa xuân. Chỉ đạo các bản tổ chức vui xuân đón tết theo đúng phong tục tập quán của dân tộc, không để xảy ra tình huống bất ngờ về an ninh trật tự. Hai là để bà con ăn tết thật vui vẻ, hạnh phúc, tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, ông Hoàng Văn Học, Chủ tịch UBND xã Mường Giôn, cho biết thêm.
Mùa xuân đã về với vùng cao Mường Giôn. Ở nơi này, đồng bào các dân tộc đang nỗ lực chung tay cùng chính quyền giữ vững các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng bản làng ngày thêm no ấm, hạnh phúc.
Tin nổi bật
Tin Video