Xử trí như thế nào khi xuất hiện F0 tại trường học?
Nhiều trường học vừa qua đã tổ chức cho học sinh, giáo viên quay trở lại dạy và học trực tiếp và thực tế cũng đã ghi nhận nhiều trẻ mắc Covid-19. Việc xử trí khi phát hiện F0 và cách ly F1 như thế nào được nhiều cha mẹ quan tâm và băn khoăn.
Ngày 27/1 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 406/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học.
Theo đó, khi có học sinh mắc Covid-19 trong cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT yêu cầu người phụ trách và đơn vị liên quan thực hiện ngay các bước sau:
Bước 1: Thông báo kết quả dương tính cho trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, tổ an toàn Covid-19 của cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh.
Tiếp tục cách ly tạm thời F0.
Thông báo cho trạm y tế địa phương các biện pháp triển khai phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Bước 2: Đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu F0 có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) dưới 96%, liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị điều trị Covid-19 trên cùng địa bàn hoặc bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu.
Nếu F0 không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ, tư vấn, hướng dẫn cha mẹ đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp cận xử lý theo quy định.
Bước 3: Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp và xét nghiệm cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp không quá 3 người).
Các lớp học khác hoạt động bình thường
Bước 4: Cách ly, theo dõi F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế
- Với người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng: Cách ly tại nhà trong vòng 7 ngày, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR mẫu đơn 3 lần vào ngày đầu tiên, thứ 3 và 7.
- Với người chưa tiêm đủ liều vaccine: Cách ly y tế 10 ngày, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR mẫu đơn 3 lần vào ngày đầu tiên, thứ 5 và 10.
- Với người chưa tiêm vaccine: Cách ly y tế 14 ngày, tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR mẫu đơn 3 lần vào ngày đầu tiên, thứ 7 và 13.
Riêng với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu có một ca dương tính với Covid-19, toàn bộ học sinh cùng lớp (F1) sẽ được cách ly tại nhà theo quy định.
Nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 F0 trở lên ở 2 lớp khác nhau, trường cần tổ chức xét nghiệm tầm soát với quy mô như sau:
Hai lớp ở cùng tầng: Xét nghiệm cho học sinh, giáo viên của tất cả lớp học cùng tầng.
Hai lớp khác tầng, cùng khối nhà: Xét nghiệm cho học sinh, giáo viên của tất cả lớp học trong cùng khối nhà.
Hai lớp ở khác khối nhà, nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm toàn bộ học sinh, giáo viên của trường. Nếu không có liên hệ dịch tễ thì xử lý theo lớp học.
Cha mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ mắc Covid-19
Sáng 15/2, trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, thời gian qua trẻ ở nhà quá dài, không được đến trường, không có sự tương tác giữa trẻ với thầy cô và các bạn nên trẻ dễ mắc các bệnh trầm cảm, nghiện game... Vì vậy, việc cho trẻ đi học trực tiếp trở lại thời điểm này là cần thiết. Chuyên gia cũng cho rằng, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng vì trẻ mắc Covid-19 thường triệu chứng nhẹ và chỉ cần cách ly tại nhà.
PGS Trần Đắc Phu cũng nêu rõ, hiện nay chúng ta đã thành công trong chiến lược từ việc chấp nhận không Zero Covid chuyển sang việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả. Chấp nhận có ca F0 trong cộng đồng và trường học thì điều quan trọng là xử lý, đáp ứng cho phù hợp.
Vị chuyên gia này nêu dẫn chứng trong 1 trường học có ca F0 thì không nên quá lo lắng. Trường hợp nếu trẻ bị triệu chứng nhẹ thì thực hiện cách ly tại nhà, nếu trẻ bị nặng thì cần đến cơ sở y tế và cần sự phối hợp tốt giữa nhà trường. Điều quan trọng là khi đi học, cần đánh giá F1 chính xác và thực hiện biện pháp cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế, tránh việc không đánh giá đúng nguy cơ sẽ phòng chống dịch không hiệu quả. Nếu đánh giá nguy cơ thái quá dẫn đến tình trạng bắt trẻ nghỉ học, gây gián đoạn việc học của trẻ.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, dịch Covid-19 vẫn lây theo tiếp xúc gần nên nếu xuất hiện ổ dịch ở lớp nào thì xử lý lớp đó, không nên bắt các lớp khác nghỉ học. Việc đánh giá cấp độ dịch cũng cần phải chính xác. Ngoài ra cũng cần thực hiện tốt biện pháp 5K, hạn chế việc các lớp tiếp xúc với nhau khi trẻ đến trường. Khi trẻ em có triệu chứng sốt, ho, khó thở cần khai báo y tế địa phương, y tế nhà trường để xét nghiệm. Trong một gia đình có thành viên F0 thì cũng cần cho trẻ nghỉ học và báo cho y tế cơ sở và nhà trường.
Chuyên gia một lần nữa cũng khuyến cáo trẻ khi đến trường cần thực hiện tốt 5K tức là đeo khẩu trang từ nhà đến trường và từ trường về nhà, đeo khi cần thiết. Đặc biệt là khử khuẩn sau mỗi ngày học. Trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh tiếp xúc đông người.
Ông cũng cho rằng cần tránh hiện tượng xét nghiệm tràn lan. Chỉ xét nghiệm khi có dấu hiệu nghi ngờ khi tiếp xúc F0 hoặc có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, mất khứu giác, vị giác. Nhà trường, y tế và gia đình cần phối hợp chặt chẽ trong việc điều tra dịch tễ cho đúng để xử lý kịp thời; Đồng thời cũng nên cho trẻ tiêm vaccine Covid-19 và tuyệt đối không được phân biệt cho rằng trẻ không được tiêm vaccine là không được đến trường.
Tin nổi bật
Tin Video