Xử nghiêm từ khâu cấp phép để ngăn xăng giả
Công tác hậu kiểm chưa có, có thể khiến thị trường kinh doanh xăng dầu trở nên bát nháo, khó kiểm soát xăng dầu lậu, giả...
Liên tiếp các vụ xăng dầu giả, nhập lậu “khủng” bị phát hiện thời gian qua làm dấy lên câu hỏi trách nhiệm quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu. Mặt khác, nó cũng cho thấy các quy định hiện nay vẫn còn nhiều kẽ hở, từ đầu vào là khâu cấp phép đến đầu ra là khâu hậu kiểm.
Vì sao bị bỏ qua khâu hậu kiểm?
Báo cáo từ Bộ Công thương cho thấy, toàn thị trường xăng dầu hiện có hơn 40 thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, hơn 300 thương nhân phân phối và 16.000 cửa hàng bán lẻ. Trong đó, tính đến tháng 8/2019 có 32 thương nhân đầu mối nhưng đến tháng 3/2021, con số này đã là 40.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp thương nhân đầu mối lâu năm, thời gian qua, việc cấp phép xăng dầu diễn ra quá nhanh, quá nhiều.
Trước đây con số chỉ hơn 20, nhưng trong vòng 2 năm trở lại đây đã tăng lên gấp đôi. Đáng chú ý, hầu hết các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối được cấp phép trong khoảng 2 năm trở lại đây là những doanh nghiệp vừa qua đã bị cơ quan công an xử lý về hành vi xuất hóa đơn buôn lậu hoặc sản xuất xăng dầu giả…
Đặt hoài nghi về sự ra đời nhanh chóng của loạt đơn vị mới và cho rằng, “cái gì dễ dàng làm được thường sẽ không bền”, doanh nhân này phân tích: "Thị phần vẫn thuộc về những ông lớn, song những đơn vị đầu mối mới cũng vẫn có hệ thống bán lẻ của mình. Mà xăng dầu giả, lậu không thể tiêu thụ được nếu không có hệ thống bán lẻ”.
Một điểm đáng lưu ý mà vị thương nhân này chỉ ra đó là công tác hậu kiểm chưa có, có thể khiến thị trường kinh doanh xăng dầu trở nên bát nháo, khó kiểm soát xăng dầu lậu, giả.
Đáng lý, sau khi cấp phép khoảng 6 tháng hoặc 1 năm, đơn vị cấp phép nên đi kiểm tra thực tế xem đối tượng đã được cấp phép có đủ điều kiện không, nhưng thực tế thì không. Đây chính là lỗ hổng rất lớn.
“Ngoài ra, cũng có thể thông qua hạn ngạch tối thiểu hàng tháng, hàng năm để đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, từ đó phân tích xem hoạt động của hệ thống này có đảm bảo các điều kiện được cấp phép hay không. Ví dụ, một hệ thống đầu mối sở hữu 10 cửa hàng xăng dầu và 40 đại lý. Có nghĩa, tối thiểu hệ thống này cũng phải nhập 5-10 nghìn tấn/tháng thì mới đủ để cung cấp cho hệ thống. Từ đó, dựa vào báo cáo, nếu thấy hạn ngạch bất thường thì cần có phản ứng ngay và phải đặt ngay câu hỏi xin giấy phép để làm gì?”, vị này đặt vấn đề.
Trong khi đó, theo nguồn tin của PV, lượng nhập khẩu và mua xăng dầu sản xuất của các doanh nghiệp đầu mối trong nước không đồng đều.
Trong đó, chỉ có 17 thương nhân đảm bảo thực hiện đủ lượng nhập khẩu hoặc tổng nguồn từng loại xăng dầu. Số còn lại, không đạt được lượng nhập khẩu và tổng nguồn đã được phân giao hoặc đạt được nhưng cơ cấu chủng loại thấp.
Đưa ra giải pháp, lãnh đạo doanh nghiệp thương nhân đầu mối bày tỏ: “Chỉ có hậu kiểm mới giải quyết được vấn đề này. Và xử lý nghiêm khâu cấp phép mới xử lý tận gốc vấn đề”.
Cấp phép sai phải bị xử lý
Theo một chuyên gia xăng dầu, qua một số vụ án buôn lậu và sản xuất xăng dầu giả vừa bị cơ quan công an phát hiện liên quan các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối, có thể thấy, giấy phép kinh doanh xăng dầu trong một số tình huống lại chính là “giấy thông hành” để tiếp tay cho tình trạng nhập lậu, sản xuất và kinh doanh xăng giả.
“Khi bị kiểm tra trên đường vận chuyển hoặc nhập khẩu thì theo thông lệ, trước tiên doanh nghiệp phải xuất trình giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp”, vị này dẫn chứng.
Do đó, để xử lý tận gốc, vị chuyên gia đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có hành vi vi phạm thì nên kiểm tra luôn xem doanh nghiệp đó có đủ điều kiện cấp phép hay không, thay vì chỉ xử lý phần nổi của “tảng băng chìm” như tội buôn lậu hay sản xuất kinh doanh hàng giả.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhận định, Nghị định 83 là hướng đi đúng khi thể hiện được “xăng dầu là mặt hàng nhà nước quản lý về giá, nhưng định hướng theo cơ chế thị trường”.
Tuy nhiên, kinh doanh xăng dầu là có điều kiện nên yêu cầu hậu kiểm phải chặt chẽ, qua đó cũng cần có khâu xử lý về việc cấp phép. Bởi nếu không đưa ra nhiều quy định thì phải có khâu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn.
Theo ông Bảo, thị trường xăng dầu của ta đang vận hành tương tự như Hàn Quốc, Đài Loan... khi giảm bớt điều kiện cấp phép cho đầu mối tổ chức kinh doanh xăng dầu. Và sau một thời gian, doanh nghiệp không thể tồn tại được sẽ tự biến mất.
“Việt Nam cũng cần như vậy. Tuy nhiên, chúng ta có quá nhiều cơ quan chịu trách nhiệm. Hơn nữa, việc kiểm tra cũng không dễ dàng nếu không có thiết bị để đo. Nguồn xăng dầu đầu vào buôn lậu hoặc được làm giả, các đối tượng đưa vào hệ thống, cửa hàng và hợp thức hóa cho nguồn đầu ra (khâu bán lẻ) không yêu cầu phải có hóa đơn, chứng từ nên rất dễ hợp thức hóa. Như vậy, khâu hậu kiểm chắc chắn phải được thực hiện”, ông Bảo nói và cho rằng, trong khâu kiểm tra giấy phép kinh doanh, khi phát hiện doanh nghiệp không đủ điều kiện nhưng được cấp phép thì cần thu lại giấy phép và xử lý người cấp phép.
Ngược lại, nếu trước đó đã đủ điều kiện nhưng không buôn bán đúng quy định thì cũng cần thu giấy phép và xử lý lỗi từ doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề cấp phép, xử lý trách nhiệm cũng như quy trình hậu kiểm đối với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, đã có công văn gửi Bộ Công thương đề nghị trả lời. Tuy nhiên, qua nhiều lần liên hệ, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi.