Xử nghiêm hành vi hút thuốc lá nơi công cộng
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15-11-2020 (thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ), đã tăng mức xử phạt với hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm gấp gần 2 lần. Thế nhưng, sau một tuần kể từ ngày nghị định có hiệu lực, tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn ra phổ biến.
Vô tư hút thuốc lá nơi công cộng
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày qua tại các địa điểm công cộng như bến xe, công viên, bệnh viện..., không khó để bắt gặp nhiều người vẫn phớt lờ biển báo cấm hút thuốc, thản nhiên nhả khói. Tại khu vực Bệnh viện Phụ sản trung ương vào 8h sáng 20-11 có rất đông sản phụ, người nhà ra, vào. Theo quan sát, bên trong khuôn viên của bệnh viện không có hiện tượng hút thuốc lá, nhưng ngay ngoài cổng bệnh viện nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá.
Tương tự, 10h sáng 20-11, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, dù trong khuôn viên bệnh viện đã bố trí rất nhiều biển báo cấm hút thuốc, nhưng vẫn có không ít người bỏ khẩu trang tranh thủ hút thuốc lá. Phía trước cổng bệnh viện có đến chục người ngồi ở các quán nước đang hút thuốc lá. Khi phóng viên nhắc nhở, anh Phạm Khắc Minh (ở quận Ba Đình, Hà Nội) cười phân trần: “Tôi ngồi chờ bố khám bệnh bên trong, sốt ruột quá nên hút điếu thuốc cho bớt căng thẳng. Tôi ngồi đây khá lâu nhưng không thấy ai đến nhắc nhở hay xử phạt…”.
Gần 8h sáng 21-11, tại khu vực sảnh trước cửa Bến xe Gia Lâm, chỉ trong 10 phút, phóng viên đã đếm được có 8 người đang hút thuốc lá. Hút xong, hầu hết đều tiện tay vứt tàn thuốc xuống mặt đất, rồi dùng chân dập. Vi phạm nhiều nhưng không thấy lực lượng chức năng nhắc nhở.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (có hiệu lực từ năm 2013) quy định rõ, cấm hút thuốc lá nơi công cộng, gồm cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, bến xe… Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền với hành vi hút thuốc tại nơi bị cấm tăng lên từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, thay vì mức 100.000-300.000 đồng như trước. Tăng mức phạt là hết sức cần thiết để răn đe, song dù chế tài đã có hiệu lực được hơn một tuần, vẫn chưa có cá nhân nào bị phạt do hút thuốc ở những nơi cấm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho rằng, chế tài xử phạt đã rõ, thế nhưng hiện nay, nhiều người có trách nhiệm quản lý các địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá chưa quan tâm, nhìn nhận công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá như là nhiệm vụ chính thức, thường xuyên. Thêm vào đó, do lực lượng thanh tra mỏng, cùng lúc phải phụ trách nhiều lĩnh vực, nên việc xử phạt người vi phạm rất khó thực hiện.
Tăng cường tuyên truyền đi kèm kiểm tra, xử phạt
Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và là một trong 4 nước có tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất châu Á. Do đó, cùng với việc tăng cường tuyên truyền tác hại thuốc lá, cần đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định, thẩm quyền xử phạt vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá thuộc nhiều cơ quan, lực lượng căn cứ theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách như: Chủ tịch UBND các địa phương; Thanh tra các ngành: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo...; Công an nhân dân; Quản lý thị trường; Bộ đội biên phòng…
Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho rằng, để xử phạt với hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm, riêng lực lượng thanh tra y tế không thể làm được, mà cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, lực lượng công an... Đặc biệt, người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá phải nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình.
Qua kiểm tra, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá thành phố đánh giá, những đơn vị thực hiện tốt môi trường không khói thuốc là nhờ đưa quy định cấm hút thuốc lá vào quy chế nội bộ của cơ quan; trưởng các phòng, ban chịu trách nhiệm, nếu để xảy ra vi phạm. Để xử phạt nghiêm hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm, nhất là các bệnh viện, tới đây Sở Y tế Hà Nội sẽ phối hợp thành lập các đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm.
Hiện tại, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đang xây dựng và thí điểm ứng dụng phần mềm trên điện thoại di động cho phép người dân chụp và gửi hình ảnh vi phạm các quy định phòng, chống tác hại của thuốc lá tới cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Dự kiến, việc ứng dụng phần mềm này sẽ được thí điểm tại quận Hoàn Kiếm và quận Tây Hồ. Với các giải pháp trên, kỳ vọng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sớm xây dựng được môi trường không khói thuốc lá.