Xu hướng ly hôn tăng cao tại Việt Nam
(VOVTV) - Tỷ lệ ly hôn tại Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tăng được nhìn nhận như hệ quả tất yếu của quá trình phát triển xã hội. Tuy nhiên, làm thế nào giảm thiểu những hệ lụy mà tình trạng ly hôn gây ra, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em là bài toán được trăn trở nhiều nhất.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và Nhà ở năm 2020, tỷ lệ ly hôn tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh. Trong 10 năm (từ 2009-2019, tỷ lệ này đã tăng từ 1,0%-1,8%). Tỷ lệ ly hôn có sự khác biệt theo giới tính và khu vực thành thị, nông thôn.
Theo đó, tỷ lệ ly hôn của nữ giới cao hơn nam giới (2,1% so với 1,4%), khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (2,1% so với 1,6%). Các chuyên gia cho rằng, ly hôn cũng là một thành tố cấu thành của hôn nhân, phản ánh xu thế tất yếu của quá trình hiện đại hóa.
Cuộc sống với nhiều mâu thuẫn, áp lực khiến không chỉ các cặp đôi trẻ mà nhiều cặp đôi đã chung sống nhiều năm cũng đi đến quyết định ly hôn. Ở Việt Nam, tỷ lệ ly hôn không những tăng cao, mà quãng thời gian từ khi kết hôn đến khi ly hôn càng bị rút ngắn lại. Một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này là hiện vẫn còn rất thiếu những dịch vụ tư vấn hôn nhân và gia đình.
Cùng với sự phát triển của xã hội, ly hôn cũng được nhìn nhận như một xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, việc cần thiết là chuẩn bị tâm lý, giải pháp để đảm bảo cuộc sống hậu ly hôn, giảm thiểu những hệ lụy có thể gây ra cho những đối tượng dễ bị tổn thương là phụ nữ và trẻ em, từ đó giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tin nổi bật
Tin Video