Xóm trọ nghèo lay lắt mùa dịch Covid-19
(VOVTV) - Ngồi cùng các con trước cửa phòng trọ, chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ, những hộ gia đình như nhà chị trong khu trọ ven sông phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) đang sống cầm cự qua ngày, chưa nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa (quê Hà Nam) lên Hà Nội từ năm 2005, bắt đầu từ những công việc làm thuê tại các công trường xây dựng. Đến đầu năm 2016, được một người quen nhượng lại lò bánh mì, kể từ đó, cuộc sống của anh chị gắn liền với khu trọ nghèo nằm sâu trong con ngõ 127 phố Phúc Xá (phường Phúc Xá, quận Ba Đình).

Chị Nguyễn Thị Hoa đã sống tại xóm trọ này hơn 5 năm
Trước khi Covid-19 ập tới, mỗi ngày lò bánh mì của chị Hoa tiêu thụ khoảng 80 – 100kg bột, chủ yếu là bỏ mối cho các cửa hàng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và bán lẻ trong khu vực chợ Long Biên. Việc kinh doanh này giúp anh chị đủ để trang trải cuộc sống tại Thủ đô và gửi cho con cái ở quê ăn học.
Tuy nhiên, từ lúc xuất hiện làn sóng dịch thứ tư, việc buôn bán bị ngưng trệ, đặc biệt khi Hà Nội thực hiện giãn cách và mới đây nhất chợ Long Biên bị phong toả, lò bánh mì đã phải "đắp chiếu".

Lò bánh mì của gia đình chị Hoa đã dừng hoạt động gần nửa tháng nay
"Những năm trước cũng có đồng ra đồng vào, nhưng từ năm ngoái đến năm nay, dịch dã nhiều, làm chỉ đủ chi tiêu hàng ngày. Người dân tại xóm trọ này ít dần việc khi Hà Nội có lệnh giãn cách và hoàn toàn thất nghiệp từ khi chợ Long Biên ngừng hoạt động vì mọi người chủ yếu làm nghề buôn bán, bốc vác, chuyển hàng trong chợ. Chính xác là chúng tôi đang phải lo ăn từng bữa. Nếu tình trạng này kéo dài có lẽ phải đi vay tiền lãi để sinh hoạt", chị Hoa chia sẻ.

Nơi gia đình chị Hoa sinh sống là căn nhà rộng nhất trong xóm nhưng cũng chỉ được xây dựng từ những bức tường tạm bợ, mái lợp tôn
Thời điểm hiện tại hộ nhà chị Hoa là nhiều nhân khẩu nhất xóm bởi trước đó 1 tháng, khi Hà Nội vẫn đang trong trạng thái bình thường, chị đã cho cả 4 đứa con của mình lên chơi nhân dịp nghỉ hè và đến nay chưa thể về lại quê.
"Vài hôm trước tôi có mua mấy cân thịt về làm ruốc cho các cháu ăn dần. Còn người lớn ăn gì cũng được, như hôm nay mua 10 nghìn 2 lạng lạc và 7 nghìn một mớ rau muống là xong bữa", chị Hoa bộc bạch.

Khu trọ ven sông phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) có khoảng 60 phòng trọ, là nơi cư trú của gần 100 lao động nghèo

Phòng trọ ở khu này khá đơn sơ, thiếu tiện nghi

Căn phòng chật chội của những người lao động nghèo với giá thuê từ 1 – 1.5 triệu đồng/ tháng
Xóm trọ của những lao động thu nhập thấp ven bờ sông Hồng này có khoảng 60 phòng với hơn 100 nhân khẩu. Tuy vậy, trước khi Hà Nội có lệnh phong toả, hơn một nửa trong số đó đã về quê, những người bị "mắc kẹt" lại Thủ đô như gia đình chị Nguyễn Thị Hoa đều trong cảnh khó khăn.

Cuộc sống của những người dân lao động nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19

Nhiều căn phòng đã khóa cửa ngoài, bởi nửa số dân trong xóm trọ nghèo đã rời khỏi Hà Nội trước khi có lệnh phong toả

Những hộ dân còn ở lại cũng đóng cửa im lìm, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh

Các phương tiện thô sơ vận chuyển hàng hóa đắp chiếu vì chủ nhân không có việc làm

Tất cả số xe kéo trong tình trạng bất động, khóa chặt
Sống ở căn phòng trọ cách nhà chị Hoa không xa, bà Trần Thị Lan, quê Ninh Bình, cho biết: "Nhà có hai đứa con, một cháu đang làm khu công nghiệp trên Bắc Giang vừa xong thời gian cách ly, đã được đi làm trở lại, còn một cháu ở nhà đang học. Đứa ở nhà cứ gọi điện hỏi mẹ bao giờ về, cũng chỉ biết dặn cháu an tâm học hành, bao giờ hết cách ly mẹ về".

Bà Trần Thị Lan bán bánh mì ở chợ Long Biên được gần 2 tháng trước khi có lệnh phong toả
Hơn chục năm bám trụ tại Hà Nội, trước đây bà Lan bán bánh mì tại ga Trần Quý Cáp, gần 2 tháng nay bà chuyển lên bán tại chợ Long Biên và quanh khu dân cư này.
Tranh thủ quét dọn lối đi khuôn viên sinh hoạt chung của khu trọ khi vừa rửa bát xong, bà Phạm Thị Đáo (quê Thanh Hoá) kể, đợt giãn cách xã hội năm ngoái, nhiều lao động tự do như bà thường đến các "cây ATM gạo" hay điểm phát thực phẩm miễn phí để nhận cứu trợ. Tuy nhiên, năm nay do được phổ biến chủng mới siêu lây nhiễm, mọi người sợ không dám ra ngoài, cũng không dám ra vì có thể bị phạt.

Bà Phạm Thị Đáo, lao động tự do đã không còn thu nhập nửa tháng nay
"Tôi chủ yếu nhặt ve chai, tôm cá ở chợ Long Biên, ai thuê gì làm nấy. Mỗi ngày kiếm được một vài trăm, đến khi dịch bùng phát làm gì có tiền dự trữ, giờ chỉ biết chắt bóp chi tiêu sống qua ngày", bà Đáo nói.
Khi được hỏi về sự hỗ trợ của chính quyền địa phương từ khi bước vào giai đoạn giãn cách, bà Đáo nói rằng, tất cả những người trong khu trọ như bà chưa nhận được sự giúp đỡ nào. "Nghe tin nhà nước hỗ trợ cho lao động tự do 1 triệu rưỡi nhưng cũng không thấy phổ biến thực hiện thủ tục và làm cách nào để được nhận," bà Đáo nói.

Xóm trọ nghèo càng trở nên xơ xác vì đại dịch

Tiếng cười đùa của 4 đứa trẻ con chị Hoa phần nào xua đi sự buồn tẻ của một góc xóm trọ

Dịch COVID-19 khiến cuộc sống của nhiều người lao động chạy ăn từng ngày trở nên khó khăn hơn

Họ chỉ mong cho dịch bệnh mau chóng qua đi để tiếp tục được đi làm, có thêm thu nhập nuôi bản thân và gia đình
Liên hệ với ông Nguyễn Văn Bình - Tổ trưởng tổ dân số 3, người phụ trách quản lý dân cư trong khu trọ ven sông phường Phúc Xá để hỏi về vấn đề hỗ trợ lao động tư do thất nghiệp vì dịch Covid-19, ông cho biết, UBND phường và tổ dân phố đã lên phương án nhưng vẫn đang đợi sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Trước mắt chỉ mới triển khai tặng phần quà dành cho những hộ gia đình có hộ khẩu thuộc địa bàn quản lý.
Tin Video