Xét xử chủ Công ty Lâm Quyết: Bị cáo đề nghị thay đổi thẩm phán, kiểm sát viên
Các luật sư, bị cáo đề nghị thay đổi thẩm phán, kiểm sát viên và triệu tập những người liên quan, tuy nhiên HĐXX không chấp nhận đề nghị này.
Sáng 28/12, TAND tỉnh Thái Bình mở lại phiên tòa hình sự sơ thẩm (lần 2) xét xử vợ chồng chủ Công ty Lâm Quyết (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trong phần thủ tục sau khi mở lại phiên tòa, 2 bị cáo Nguyễn Văn Lẫm (SN 1962, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết), Phạm Thị Quyết (SN 1967, tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và luật sư Trần Hồng Lĩnh cùng một số luật sư khác tiếp tục đề nghị HĐXX thay đổi thẩm phán, chủ tọa phiên tòa và 1 kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa vì cho rằng không đảm bảo khách quan, công tâm.
Đồng thời, họ đề nghị HĐXX tiếp tục triệu tập lãnh đạo Công an TP Thái Bình, một số điều tra viên, kiểm sát viên và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan vắng mặt hôm nay, trong đó có Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ”) và Bùi Mạnh Tiến (Tiến "Trắng", con nuôi Đường Nhuệ”).
Sau khi hội ý, HĐXX tuyên bố không chấp nhận đề nghị thay đổi kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa, thay đổi thẩm phán, chủ tọa phiên tòa.
Đồng thời, HĐXX cho rằng, không cần thiết phải triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên và lãnh đạo Công an TP Thái Bình. HĐXX cũng không chấp nhận đề nghị triệu tập vợ chồng ông Phạm Công Tự (trú TP Thái Bình), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì đã có rất nhiều lời khai trong hồ sơ vụ án.
Ngoài ra, một số nhân chứng khác đã có lời khai trong hồ sơ vụ án nên không cần phải triệu tập, trong đó có Nguyễn Xuân Đường và Bùi Mạnh Tiến.
“Vì vậy, HĐXX vẫn tiếp tục xét xử vụ án”, vị thẩm phán, chủ tọa phiên tòa thông báo.
Sau khi HĐXX thông báo, bị cáo Nguyễn Thị Quyết cho biết không trả lời các câu hỏi của HĐXX nếu tiếp tục xét xử.
Phiên tòa tiếp tục diễn ra, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình giữ quyền công tố công bố bản Cáo trạng số 56 ngày 20/7/2021 của Viện KSND tỉnh Thái Bình, truy tố bị cáo Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ Luật Hình sự.
Theo bản cáo trạng nêu trên, năm 2013 và năm 2016, các bị can Nguyễn Văn Lẫm, Phạm Thị Quyết vay số tiền 900 triệu đồng của ông Đỗ Văn Tới bằng hợp đồng có thế chấp tài sản là xe ô tô Camry, BKS 17K-9966, cam kết không thế chấp, không bán cho, tặng bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nếu không được sự thỏa thuận của ông Tới trong thời gian vay số tiền trên.
Ngày 12/4/2017, khi chưa trả nợ số tiền nêu trên cho ông Tới, Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết đem chiếc xe đã thế chấp vay tiền của ông Tới bán cho ông Phạm Công Tự mà không được sự đồng ý của ông Tới.
Khi ông Tới yêu cầu trả nợ và hỏi về chiếc Camry là tài sản thế chấp, Nguyễn Văn Lẫm không trả nợ và nói dối với ông Tới là chưa bán xe, đồng thời mang tài sản thế chấp cất giấu ở nhiều nơi.
Khi bị tố giác, Nguyễn Văn Lẫm, Phạm Thị Quyết đã gian dối, tạo dựng lên việc ông Tới đã nhận tiền và viết giấy biên nhận sau đó giấy biên nhận này bị mất, từ bỏ trách nhiệm trả nợ chiếm đoạt số tiền 900 triệu đồng của ông Đỗ Văn Tới.
“Hành vi nêu trên của các bị can Nguyễn Văn Lẫm, Phạm Thị Quyết đã phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự”, bản cáo trạng nêu rõ.
Trước đó, ngày 10/12, TAND tỉnh Thái Bình cũng mở phiên tòa này, tuy nhiên sau khi lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các bị cáo, luật sư và những người liên quan, HĐXX ra quyết định hoãn phiên tòa do vắng mặt 2 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vợ chồng ông Phạm Công Tự (trú TP Thái Bình) có thể ảnh hưởng đến nội dung, bản chất vụ án.
Tin nổi bật
Tin Video