Đời sống

Xét nghiệm PCR COVID-19: Chỉ số Ct càng cao càng khó lây nhiễm

Khi xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR, nhiều người nhận kết quả về chỉ số Ct, vậy chỉ số này có ý nghĩa gì?

25/02/2022 14:46

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), Ct value là giá trị tại thời điểm thiết bị xét nghiệm RT-PCR bắt đầu ghi nhận được tín hiệu huỳnh quang từ mẫu bệnh phẩm chứa SARS-CoV-2.

Chỉ số CT value tỷ lệ nghịch với nồng độ virus. Mẫu bệnh phẩm càng nhiều virus SARS-CoV-2 thì chỉ số Ct càng nhỏ. Ngược lại, mẫu bệnh phẩm càng ít virus thì tín hiệu huỳnh quang sẽ xuất hiện muộn, chỉ số Ct sẽ lớn.

Theo BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, chỉ số Ct được làm 3 nhóm: Ct dưới 20, Ct từ 20 đến 29 và Ct ≥ 30.

Trong đó, Ct dưới 20 là mốc cần thận trọng, đặc biệt là ở nhóm người lớn tuổi, bệnh nền. Nhóm này nếu Ct thấp như vậy sẽ có khả năng trở nặng cao, nên tốt nhất là đi bệnh viện, nếu còn ở nhà chưa kịp đi thì phải được theo dõi chặt chẽ.

Xét nghiệm PCR COVID-19: Chỉ số Ct càng cao càng khó lây nhiễm - Ảnh 1.

Trong xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR, chỉ số Ct dưới 20 là cảnh báo tình trạng nguy hiểm. Ảnh minh họa: HUTTERSTOCK

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp Ct thấp nhưng lại thấy... khỏe, thường gặp nhất ở người trẻ tuổi, sức khỏe tốt. Điều này có thể giải thích rằng trong người bệnh nhân dù đang mang nhiều virus nhưng hệ miễn dịch tốt, kiểm soát được nên không bệnh nặng.

Chỉ số Ct trên 20 cảnh báo người lớn tuổi, bệnh nền vẫn có nguy cơ trở nặng.

Trong khi đó, Ct≥ 30 là một trong các tiêu chuẩn để một F0 có thể xuất viện, vì virus ít đến mức rất khó lây, Ct> 33 thì khả năng lây nhiễm gần như bằng 0.

Một đặc điểm nữa là với Ct trên 30 (Ct>30) thì các kit xét nghiệm khác nhau có thể cho kết quả không đồng nhất (âm tính giả hoặc dương tính không rõ ràng). Nguyên nhân là bởi lúc này tải lượng virus thấp nên giá trị Ct thay đổi phụ thuộc hóa chất và máy móc xét nghiệm, giá trị cut-off tại mỗi labo xét nghiệm. Chính vì thế lúc này giá trị Ct chỉ mang tính chất tham khảo, không dùng để so sánh trực tiếp giữa các labo.

Theo HCDC, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, khi xuất viện, bệnh nhân cần thông báo cho y tế cơ sở và CDC địa phương biết.

Tiếp đó, người bệnh cần ở tại nhà và tự theo dõi trong 7 ngày, tuyết đối tuân thủ 5K, đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38°C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời.

Ý kiến của bạn