'Xên hươn' - Tục cúng nhà đầu xuân năm mới của đồng bào Thái Sơn La
(VOVTV) - Từ xa xưa người Thái Sơn La đã có tục “Xên hươn”, tức là cúng nhà dịp đầu xuân năm mới, với ý nghĩa tạ ơn tổ tiên, những người đã khuất sau một năm gặt hái thành quả, cầu mong cho năm mới mọi người trong gia đình đều khoẻ mạnh, hạnh phúc, an lành, làm ăn phát đạt.
Tết đến xuân về, khi chọn được ngày lành tháng tốt, chuẩn bị được đồ lễ, gia chủ sẽ đi mời thầy cúng, thầy mo (phải là nam giới) về “xên hươn” cho gia đình mình. Tuy nhiên, đồng bào Thái đen, Thái trắng ở mỗi địa phương thường sẽ tổ chức xên hươn vào những thời điểm khác nhau, có thể là trước, trong hoặc sau Tết vài ngày.
Nhưng gia đình người Thái ở thành phố Sơn La thì thường tổ chức vào khoảng mùng 4-5 Tết Nguyên đán. Vì thời điểm này vừa hết Tết, chuẩn bị bắt tay vào công việc của đầu xuân năm mới, với bao dự định ở phía trước. Và lời khấn của thầy mo ( thầy cúng), cũng như đồ cúng ở mỗi nơi cũng có thể khác nhau phần nào, nhưng đều chung một mục đích, ý nghĩa là thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với tổ tiên, những người đã khuất, muốn dâng lên tổ tiên những sản vật do chính con cháu làm ra sau một năm lao động, sản xuất vất vả, để cầu mong tổ tiên phù hộ độ trì, gặp nhiều may mắn.
Việc tổ chức lễ cúng nhà đầu năm mới cũng tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Gia đình nào có điều kiện thì một năm tổ chức cúng một lần, nhà không có thì 2 đến 3 năm làm cúng một lần cũng không sao, miễn là con cháu làm lễ một cách thành tâm nhất. Cúng nhà (Xên hươn) là một trong những phong tục của người Thái từ bao đời nay để tưởng nhớ đến tổ tiên, cha mẹ mình đã khuất.
Cúng nhà là để cầu mong tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Cúng nhà không phải cúng lúc ốm đau, cứ đến mùa là cúng. Trước đây, cứ đến tháng 7 âm lịch là các nhà thay nhau cúng nhà, hiện nay cúng nhà thường được kết hợp với ăn Tết. Cúng nhà là lễ cúng vui vẻ, đoàn kết họ hàng, anh em; làng xóm cùng đến chung vui, chúc cho gia đình gặp những điều tốt lành nhất.
Ông Cà Văn Chung, người am hiểu về văn hóa Thái, ở bản Nong La, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết, đây là phong tục tốt đẹp, cần phải lưu truyền, không để mai một.
Mâm cúng phải được lót lá chuối xanh. Ngoài mâm ngũ quả, nén hương, trầu cau, gói cơm xôi, rượu, không thể thiếu thịt lợn luộc chín, gà luộc, trường hợp nhà không có lợn mổ nguyên con, nếu đi mua thì cũng phải có đủ phần: thủ lợn, 2 đùi sau của con lợn, đầy đủ nội tạng, tất cả đều phải luộc chín, chỉ có bát tiết, lạp là tươi sống. Sau khi mọi thủ tục của mâm cúng đã được chuẩn bị xong, thầy cúng mới bắt đầu kiểm tra lại mâm cúng lần nữa, lấy một cái áo của chủ nhà đặt cạnh mâm cúng và xem sổ ghi danh sách những người đã mất trong gia phả của chủ nhà (sổ phi hươn). Bởi vì, mỗi một gia đình sẽ có một dòng họ, tổ tiên khác nhau.
Trong mâm cúng, phần thịt, phần lòng non, tim gan của con lợn đã làm chín sẽ đem thái miếng nhỏ, trộn với măng chua đã luộc chín, ướp đủ gia vị, để gắp bón qua một lỗ nhỏ trên vách ván gian thờ của ngôi nhà sàn truyền thống (gọi là hu hóng) cho những người đã khuất ăn. Chính vì thế, món măng chua, thịt lợn không thể thiếu được trong lễ cúng này. Thầy mo vừa cúng, vừa gắp bón thức ăn cho những người đã mất như vậy lặp đi lặp lại 2 đến 3 lượt mới thôi.
Ông Tòng Văn Hịa, thầy cúng ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Thầy cúng sẽ căn cứ vào quyển sổ phi hươn này để mời gọi từng thành viên đã mất theo thứ bậc về ăn cơm ngon, canh ngọt cùng con cháu. Mỗi lần điểm đến tên ai, thì thầy cúng sẽ dùng đũa gắp miếng thịt trộn măng chua bỏ qua hu hóng, kèm theo miếng cơm xôi, thìa nước canh… Nếu gia chủ đã mất bố, hoặc mẹ thì thầy cúng sẽ bắt đầu mời gọi hồn vía bố mẹ về ăn trước, sau đó mới đến thứ tự ông bà, anh chị em, con cháu… những người bề dưới đã mất. .
Theo phong tục của người Thái, chỉ khi bố mẹ đẻ mất thì con trai mới đưa bố, mẹ lên bàn thờ để hương hỏa và mới có ma nhà, mới có sổ ghi danh sách những người đã mất trong nội tộc ít nhất 3 đời, mới làm lễ cúng nhà (Xên hươn). Trong lễ cúng, những người con gái đã đi lấy chồng, nhân dịp này cũng sẽ mang gà đến luộc chín đặt lên mâm cúng mời bố mẹ đã mất ăn và phù hộ cho con cháu những điều tốt lành nhất.
Thời gian làm lễ cúng, thường được tiến hành từ buổi sáng đến trưa muộn, thì thầy cúng sẽ tạm dừng nghỉ ăn cơm cùng với gia chủ, anh em, họ hàng, con cháu có mặt trong lễ cúng, còn mâm cúng vẫn để nguyên. “Đến khoảng 1 hoặc 2 giờ chiều, thầy mo sẽ hỏi ý kiến gia chủ muốn kết thúc lễ cũng vào giờ nào? Khi được gia chủ nhất trí thì thầy mo mới bắt đầu cúng tiễn tổ tiên về trầu trời, mới được phép dọn mâm cúng” - Ông Tòng Hịa cho biết thêm.
Hàng năm, mỗi độ vui xuân, đón tết, tại mỗi gia đình của người Thái Sơn La lại chú trọng việc tổ chức lễ cúng nhà, tưởng nhớ đến những người đã khuất, với mong muốn tổ tiên phù hộ độ trì, một năm mới mọi sự hanh thông, an khang, thịnh vượng. Và nghi thức này được đồng bào duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác như một phong tục tốt đẹp của dân tộc.
Tin nổi bật
Tin Video