Xe vận tải không lắp camera bị từ chối đăng kiểm, phạt tiền như thế nào?
Nghị định 100/2019 quy định phạt tiền từ 5-6 triệu đồng với cá nhân, từ 10-12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát hành trình theo đúng quy định.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa đến hạn cuối các xe ô tô khách trên 9 chỗ, xe đầu kéo, xe chở container phải hoàn thành lắp camera. Dù vậy, đến nay, nhiều trường hợp xe đi đăng kiểm vẫn chưa lắp camera, chủ xe, doanh nghiệp có tâm lý ngóng chờ lùi thời hạn.
Vậy, với những xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera hành trình theo quy định Nghị định 10 sẽ bị xử phạt như thế nào?
Gần đến hạn chót, nhiều xe vẫn chưa lắp camera
Theo lãnh đạo một số trung tâm đăng kiểm ở nhiều địa phương như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hải Dương… đến nay các doanh nghiệp vận tải, chủ xe khách, xe đầu kéo, xe chở container đều được Sở GTVT địa phương, các đơn vị đăng kiểm tuyên truyền về quy định lắp camera, song nhiều xe chưa lắp.
“Hiện trung bình mỗi ngày có hơn chục xe loại này đến đăng kiểm định kỳ, song số xe lắp camera mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các doanh nghiệp, chủ phương tiện đều biết quy định trên nhưng có tâm lý ngóng xem có được lùi thêm thời hạn không”, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 12-02D Nguyễn Văn Khiêm cho biết.
Giải thích việc xe chưa lắp camera vẫn được tiếp nhận kiểm định, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 34-01D cho biết, theo hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở GTVT địa phương, trường hợp xe chưa lắp camera vẫn được tiếp nhận kiểm định, song phải tuyên truyền và cam kết lắp trước ngày 1/1/2022.
Theo quy định tại Nghị định số 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhóm xe như nêu ở trên phải lắp camera trước ngày 1/7/2021.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nghị quyết số 66 của Chính phủ cho phép hoãn thời hạn xử phạt đến hết năm 2021 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Vì vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn trong thời gian này chưa bắt buộc kiểm định đối với hạng mục camera. Trường hợp xe đã có camera vẫn được kiểm định và ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng kiểm.
Ông Dương Trung Lâm, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 98-03D cho biết, trường hợp xe sau ngày 31/12/2021 vẫn chưa lắp camera, các đơn vị đăng kiểm sẽ từ chối tiếp nhận kiểm định phương tiện.
Hơn nữa, khi tham gia giao thông, các xe này sẽ bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt (mức phạt 1 - 2 triệu đồng đối với lái xe; 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân và 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức không lắp camera theo quy định).
“Trường hợp xe có thời hạn đăng kiểm từ nay đến 31/12/2021 nhưng chưa lắp camera, sau đó lắp trước hạn đăng kiểm tiếp theo và đề nghị bổ sung vào giấy chứng nhận đăng kiểm có thể phải kiểm định lại toàn bộ phương tiện, phải trả phí, lệ phí như kiểm định bình thường. Cho nên chủ phương tiện tiện nên lắp đúng kỳ đăng kiểm sẽ đỡ tốn công sức đi kiểm định đột xuất”, ông Lâm nói.
Ông Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, các trường hợp xe khách, xe đầu kéo, xe chở container có thời hạn đăng kiểm sau ngày 31/12/2021, nếu lắp camera trước thời hạn đăng kiểm, có thể đề nghị trung tâm đăng kiểm xác nhận đã lắp, để không phải kiểm định lại. Khi đến kỳ đăng kiểm gần nhất sẽ đề nghị kiểm định thiết bị trên, bổ sung vào hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm.
Theo quy định tại Nghị định 10 sẽ bị xử phạt như thế nào?
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông) cho biết, Nghị định 100/2019 đã quy định rõ các mức xử phạt đối với lái xe, doanh nghiệp vi phạm không lắp camera giám sát hành trình theo quy định.
Tuy nhiên, do dịch bệnh, trước đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện ô tô kinh doanh vận tải, Chính phủ quyết định tạm ngưng áp dụng việc xử phạt vi phạm đến hết ngày 31/12/2021.
Cho đến thời điểm này chưa có quyết định nào khác thay thế quy định trên, tức là từ 1/1/2022, lực lượng Cảnh sát giao thông trên cả nước sẽ thực hiện việc xử phạt vi phạm xe không lắp camera như các lỗi vi phạm thông thường khác.
"Tuy nhiên, theo đúng chức năng nhiệm vụ, cảnh sát giao thông chỉ xử phạt xe đang tham gia lưu thông trên đường. Với các trường hợp xe nằm tại bến, hay xe của doanh nghiệp vì lý do gì đó không chạy, song chưa lắp camera thì việc kiểm tra giám sát, xử phạt lại thuộc về Thanh tra giao thông", Đại tá Nguyễn Quang Nhật nhấn mạnh.
Nghị định 100/2019 quy định xử phạt đối với lái xe, doanh nghiệp vi phạm không lắp camera các mức: Đối với lái xe, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng (đối với loại xe có quy định phải lắp camera hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông).
Đối với doanh nghiệp, phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng đối với xe vi phạm.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc lắp đặt camera theo dõi, giám sát, phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm quy định pháp luật của người lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông như: Ngủ gật hoặc mất tập trung khi lái xe; sử dụng điện thoại khi lái xe; chở quá số người quy định; có hành vi cư xử thiếu văn hóa với hành khách; lái xe quá thời gian quy định; các tình huống bất thường khác... giúp đơn vị kinh doanh vận tải kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, ngăn ngừa lái xe vi phạm.
Đồng thời, giúp cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm của người lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ của hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự trong lĩnh vực vận tải ô tô.
Tin nổi bật
Tin Video