Xây hơn 100 hầm chứa ICBM mới, Trung Quốc đang khiến Mỹ thay đổi cách chơi ở châu Á?
Việc Trung Quốc đang xây dựng hơn 100 hầm chứa tên lửa ICBM, có khả năng tấn công Mỹ chỉ trong 30 phút như một số bài báo đưa tin, có thể khiến Washington phải thay đổi các kế hoạch quân sự ở châu Á.
Trung Quốc xây hơn 100 hầm chứa ICBM mới
Trung Quốc đang xây dựng một mạng lưới các hầm chứa (silo) tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ở sa mạc phía tây của nước này, động thái mà các nhà phân tích cho rằng có thể thay đổi sự cân bằng các kế hoạch quân sự của Mỹ tại châu Á.
Khu vực này, gồm 120 silo chứa các tên lửa có khả năng nhắm tới Mỹ, đã được các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Giải trừ vũ khí James Martin ghi trong báo cáo, sử dụng các hình ảnh vệ tinh được cung cấp bởi công ty vệ tinh thương mại Planet Labs Inc.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh những hình ảnh vệ tinh được chụp trong 4 tháng qua với những hình ảnh được chụp trong tuần qua và phát hiện ra một địa điểm chứa tên lửa rộng hàng trăm km ở tỉnh Cam Túc của Trung Quốc, nhà nghiên cứu Jeffrey Lewis, một chuyên gia về vũ khí hạt nhân Trung Quốc, người đầu tiên phát hiện ra các silo trên, cho hay.
Ông Lewis nhận định với CNN hôm 2/7 rằng hầu hết các địa điểm xây dựng silo, hiện chưa được hoàn thành, có thể đã bắt đầu thực hiện trong 6 tháng qua.
"Khu vực này thực sự mới trong giai đoạn đầu xây dựng", chuyên gia này cho hay, đồng thời cho biết ông cảm thấy bất ngờ về quy mô của kế hoạch này.
"Có rất nhiều silo. Số lượng các silo này lớn hơn nhiều so với những gì chúng tôi ước tính", ông Lewis nhận định.
Những bài báo về địa điểm xây dựng tên lửa mới này của Trung Quốc xuất hiện chỉ 1 ngày trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1/7/2021) rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc là một "xu hướng lịch sử không thể tránh khỏi" và nước này sẽ không bị "bắt nạt, áp bức hoặc khuất phục" bởi bất kỳ quốc gia bên ngoài nào.
"Bất kỳ ai muốn làm vậy đều sẽ phải đối mặt với bức tường thép vĩ đại được dựng lên bởi 1,4 tỷ người Trung Quốc", ông Tập Cận Bình tuyên bố.
Trung Quốc đang thay đổi cuộc chơi ở châu Á?
Mặc dù các nhà nghiên cứu xác định được 120 công trình có thể là các silo chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa nhưng không dấu hiệu gì cho thấy chúng đang được sử dụng hoặc sẽ được sử dụng trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, các silo cách nhau khoảng 3km, được sắp xếp trong một hệ thống này, có thể được sử dụng để đặt các ICBM DF-41 do Trung Quốc sản xuất.
DF-41, còn được gọi là CSS-X-20, có tầm bắn từ 12.000 - 15.000 km, có thể được trang bị lên tới 10 đầu đạn hạt nhân độc lập, Dự án Mối đe dọa Tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế cho hay.
Theo trang web của dự án trên, "Nó có thể tấn công tới Mỹ chỉ trong 30 phút".
Trung Quốc lần đầu tiên cho ra mắt DF-41 trên các bệ phóng di động vào năm 2019 nhưng việc triển khai thực sự các tên lửa này vẫn chưa được xác nhận.
"Những lợi thế tương đối của các ICBM phóng từ bệ phóng di động so với việc phóng từ silo được thảo luận thường xuyên kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Trong khi các hệ thống di động dễ dàng che giấu và phân tán thì chúng lại dễ bị tổn thương hơn nếu được tìm thấy, trong khi các silo mặc dù khó che giấu nhưng lại khó bị phá hủy hoặc vô hiệu hóa", Henry Boyd, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London cho hay.
"Nếu quân đội Trung Quốc quyết định đầu tư vào một số lượng lớn silo mới cho lực lượng ICBM, điều đó cho thấy sự dịch chuyển trong quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề này", ông Boyd nhận định.
Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế cấp cao tại Tập đoàn RAND cho rằng, diễn biến này cho thấy Trung Quốc rất nghiêm túc với việc tăng cường khả năng răn đe hạt nhân. Điều đó tức là Trung Quốc có thể chống chịu trước các cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên từ đối thủ và vẫn có đủ vũ khí hạt nhân còn lại để khiến đối thương phải chịu tổn thất.
"Trước khi việc xây dựng trên của Trung Quốc diễn ra, quân đội Mỹ có thể cân nhắc đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc chiến gần Trung Quốc để phá hủy một số lượng lớn các trang thiết bị của quân đội nước này. Tuy nhiên, việc Trung Quốc xây dựng hơn 120 silo khiến kế hoạch tấn công trước này của Mỹ khó thực hiện hơn nhiều bởi hiện giờ Washington sẽ phải nhắm đến tất cả các silo cũng như các bệ phóng di động".
"Tóm lại, Trung Quốc đang khiến những bên có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc tấn công bất ngờ gần Trung Quốc phải đối mặt với mức độ rủi ro cao không thể chịu được", chuyên gia này cho hay.
Trung Quốc vẫn chưa bình luận về vấn đề quân sự nhạy cảm này nhưng trang truyền thông nhà nước Thời báo Hoàn cầu của nước này hôm 2/7 đã thừa nhận những bài báo của phương Tây liên quan đến việc xây dựng các silo. Bài báo này ủng hộ quyết định tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc giữa bối cảnh "quân đội Mỹ gây sức ép lên Trung Quốc" và chỉ ra rằng Mỹ có "ít nhất 450 silo".
Hồi tháng 1/2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi nước này bị tấn công trước "trong bất kỳ thời điểm hay hoàn cảnh nào", đồng thời tuyên bố sẽ "không sử dụng, hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia không phát triển vũ khí hạt nhân".
Mỹ đứng ngồi không yên
Các quan chức Mỹ cho biết các đánh giá về hình ảnh vệ tinh đã được tiến hành vào năm ngoái trong Báo cáo về Quyền lực Trung Quốc của Bộ Quốc phòng và việc này vẫn được thực hiện thường xuyên kể từ đó.
"Nhiều nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc đã công khai lên tiếng về khả năng hạt nhân ngày càng gia tăng của Trung Quốc, điều mà chúng tôi cho là sẽ tăng gấp đôi hoặc hơn trong thập kỷ tới", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Supple cho hay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã gọi việc tăng cường lực lượng này của Trung Quốc là vấn đề đáng lo ngại, đồng thời đặt ra những câu hỏi về ý định của Bắc Kinh.
"Với chúng tôi, việc tăng cường các biện pháp thực tế nhằm giảm rủi ro hạt nhân càng trở nên quan trọng", ông Ned Price cho hay.
"Bất kể những hành động của Trung Quốc khó hiểu đến đâu, sự tăng cường các hoạt động trên khó có thể che giấu. Điều đó cho thấy Trung Quốc dường như lại một lần nữa xa rời chiến lược hạt nhân dựa trên sự răn đe tối thiểu trong hàng thập kỷ qua".
Các nhà phân tích đánh giá, Trung Quốc được cho là có khoảng 350 vũ khí hạt nhân, chỉ là một phần nếu so với 5.550 đầu đạn trong kho hạt nhân của Mỹ. Các vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được triển khai từ các bệ phóng di động trên mặt đất, tàu ngầm tên lửa đạn đạo và các máy bay ném bom hạt nhân.
Vì thế, không thể có việc tất cả 120 silo mới đều được sử dụng để triển khai ICBM mang đầu đạn hạt nhân. Thay vào đó, Trung Quốc có thể đang chơi "trò chơi vỏ sò" với các tên lửa này, tức là các tên lửa hoạt động sẽ được di chuyển một cách ngẫu nhiên đến các silo.
Chuyên gia Heath từ Tập đoàn RAND cho biết, bãi phóng tên lửa mới của Trung Quốc, vốn làm tăng khả năng của nước này trong việc chống chịu trước các cuộc tấn công tên lửa và đáp trả, có thể là dấu hiệu cảnh báo với các đối tác và đồng minh của Mỹ tại châu Á, vốn đang dựa vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ.
"Khả năng leo thang căng thẳng hiện trở nên nguy hiểm hơn nhiều", chuyên gia này đánh giá.
"Điều này đặt ra những câu hỏi về sự sẵn sàng và khả năng của Mỹ trong việc duy trì cam kết an ninh với các đối tác và đồng minh ở châu Á. Mỹ phải xây dựng khả năng phòng thủ tên lửa hoặc tăng cường các biện pháp khác nhằm làm giảm mối nguy hiểm nếu muốn duy trì sự đáng tin cậy trong các cam kết liên minh của nước này tại châu Á".