Tin tức

Xây dựng thủy điện Hòa Bình mở rộng: EVN không lưu đánh giá tác động môi trường?

Chuyên gia nhận định việc EVN thực hiện dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng mà nói không lưu trữ đánh giá tác động môi trường là “hoàn toàn vô lý”.

14/12/2021 14:14

Theo đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng đã được chủ đầu tư công trình lập, trình duyệt theo đúng trình tự, thủ tục và đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt.

Nhưng trong các ngày 17, 20/10 và 6/11/2021, tại công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng có hiện tượng sạt lở trong hố móng. Công trình buộc phải ngừng thi công để đảm bảo an toàn cho đập thủy điện và hạ du.

Xây dựng thủy điện Hòa Bình mở rộng: EVN không lưu đánh giá tác động môi trường? - Ảnh 1.

Công tác thi công tại công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng đang bị đình chỉ sau sự cố sạt trượt

Câu hỏi đặt ra là báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã đánh giá, lường hết nguy cơ sạt lở khi thi công dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng hay chưa.

Phóng viên VTC News đã nhiều lần yêu cầu EVN cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, tuy nhiên đại diện đơn vị này luôn có lý do để từ chối.

Ông Trịnh Mai Phương - Trưởng ban Truyền thông EVN: “Chúng tôi chỉ có quyết định thông qua báo cáo thôi chứ nội dung không có. Bạn sang hỏi bên Bộ Tài nguyên - Môi trường, chắc họ sẽ cung cấp”.

Ông Trần Viết Trung - Phó trưởng ban Truyền thông EVN: “Chắc là bên bên Bộ Tài nguyên - Môi trường đã công khai, bạn nên hỏi cơ quan đó. Tôi có hỏi các ban chuyên môn của EVN thì chưa thấy cung cấp, có thể là họ không có”.

Phóng viên tiếp tục liên hệ làm việc với Bộ Tài nguyên - Môi trường thì được trả lời: Sẽ chỉ cung cấp một số phần của báo cáo đánh giá tác động môi trường này. Tuy nhiên, một số ngày sau, đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường phản hồi sau khi phóng viên liên hệ: “Việc này phải qua nhiều thủ tục, chúng tôi chưa thể trả lời ngay”.

Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Điều 37 về trách nhiệm của chủ dự án đầu tư sau khi có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, ở Khoản 5 ghi: Công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định tại Điều 114 của luật này, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Còn Điều 38 về trách nhiệm của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy định: Chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định và quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Nghĩa là EVN phải công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường, “trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”. Và Bộ Tài nguyên - Môi trường chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định và quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Có phải bí mật nhà nước?

Theo TS. Tô Văn Trường, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, thủy điện Hòa Bình là công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh và việc cung cấp thông tin phải được cấp có thẩm quyền cho phép (báo cáo báo cáo đánh giá tác động môi trường không chỉ có thông tin về đánh giá tác động mà còn nhiều thông tin kỹ thuật quan trọng khác).

Xây dựng thủy điện Hòa Bình mở rộng: EVN không lưu đánh giá tác động môi trường? - Ảnh 2.

TS. Tô Văn Trường

Chắc là bên Bộ Tài nguyên - Môi trường đã công khai, bạn nên hỏi cơ quan đó. Tôi có hỏi các ban chuyên môn của EVN thì chưa thấy cung cấp, có thể là họ không có".

Ông Trần Viết Trung - Phó trưởng Ban Truyền thông EVN

“Theo tôi hiểu, đáng nhẽ EVN và Bộ Tài nguyên - Môi trường vì lý do bảo mật vẫn có thể cung cấp bản tóm tắt các tác động được dự báo, đánh giá mức độ và phạm vi ảnh hưởng cũng như các biện pháp giảm thiểu, mà không cần cung cấp toàn văn báo cáo báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, việc từ chối yêu cầu cung cấp kết quả báo cáo đánh giá tác động môi trường đã trở thành thông lệ mặc cho có rất nhiều phản ứng từ truyền thông và cộng đồng, và điều này lẽ ra phải được điều chỉnh để đảm bảo thực hiện đúng theo quy định pháp luật về công khai thông tin môi trường”, ông Trường nói.

Về chuyện đại diện EVN không cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án với lý do “các ban chuyên môn không có”, TS. Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) bình luận: “Điều này là hoàn toàn vô lý, 100% EVN phải có và lưu trữ tài liệu này. Đây là một dự án lớn, mang tầm quốc gia, các cơ quan liên quan phải có và công khai”.

Xây dựng thủy điện Hòa Bình mở rộng: EVN không lưu đánh giá tác động môi trường? - Ảnh 4.

TS. Đào Trọng Tứ

Ông Tứ dẫn Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020, yêu cầu chủ dự án đầu tư phải công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp. “Về dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình thì không có gì là bí mật quốc gia, báo cáo cần phải được công khai”, ông nói.

Cùng quan điểm, GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT, nguyên chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam nói báo cáo đánh giá tác động môi trường là yêu cầu đánh giá trước khi thực hiện dự án xây dựng. báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện Hòa Bình không phải là tài liệu bí mật nên phải được công khai. Nếu không công khai thì chỉ có sơ đồ ngầm bên trong công trình, các tổ máy…

Xây dựng thủy điện Hòa Bình mở rộng: EVN không lưu đánh giá tác động môi trường? - Ảnh 5.

GS.TS Vũ Trọng Hồng

“Báo cáo đánh giá tác động môi trường là những tài liệu đánh giá trên mặt đất như các ảnh hưởng đến địa chất, nước, gió, không khí, sinh vật, thực vật… chứ không đi vào kết cấu công trình. Nếu các đơn vị có liên quan giấu giếm, không công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường nghĩa là tài liệu này đang có vấn đề”, ông Hồng nói.

Ngại bị soi?

Tháng 11/2020, trao đổi với báo chí, ông Trịnh Lê Nguyên, giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) cho rằng, lâu nay rất khó để tiếp cận báo cáo tác động môi trường. Trong đó, có lý do các cơ quan quản lý, chủ dự án né công khai báo cáo tác động môi trường vì e ngại bị "soi" và thực tế đã từng có nhiều báo cáo tác động môi trường bị "bóc phốt".

Xây dựng thủy điện Hòa Bình mở rộng: EVN không lưu đánh giá tác động môi trường? - Ảnh 6.

Ông Trịnh Lê Nguyên - giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature)

"Có vấn nạn lâu nay đối với báo cáo tác động môi trường là chất lượng rất thấp, làm không đúng theo bản chất của đánh giá tác động môi trường, thậm chí vì kinh phí ít nên sao chép số liệu, đánh giá không hết tác động, thiếu trung thực trong đánh giá", ông Nguyên nói khi đó.

Ông Đào Trọng Tứ khi đó cũng nói có nhiều báo cáo đánh giá không đúng, không hết tác động, giải pháp giảm thiểu cũng không tới, thậm chí đánh giá sai lệch hiện trạng.

Ông nêu dẫn chứng báo cáo tác động môi trường dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A từng bị phản biện mới “lòi ra” chuyện không nêu đúng hiện trạng, đánh giá sai lệch về tác động.

Theo ông Tứ, đánh giá tác động môi trường khó vì đó là đánh giá những tác động có thể xảy ra trong tương lai. Đáng lẽ cái khó phải được thực hiện nghiêm, chấp nhận được phản biện để dự án tốt hơn, tác động ít đi, thì lâu nay lại có xu hướng ngược lại là 'che giấu' báo cáo báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trong các ngày 17, 20/10 và 6/11/2021, tại công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng có hiện tượng sạt lở trong hố móng.

Nguyên nhân, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là do ảnh hưởng của 2 cơn bão trong tháng 10/2021 gây mưa. Mưa kéo dài kết hợp các yếu tố địa hình làm đất bão hòa nước trong thời gian dài gây sạt trượt với cung trượt lớn.

Ngày 5/11, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra, làm việc về sạt lở khu vực thi công hố móng công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Thông báo nêu rõ, yêu cầu chung đặt ra là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho nhà máy thủy điện Hòa Bình, nhất là đập thủy điện Hòa Bình. Phải bảo đảm cảnh quan kiến trúc và an toàn cho công trình lịch sử văn hóa tượng đài Bác Hồ; Cần khảo sát, kiểm tra trên thực địa và kiểm tra các hồ sơ liên quan để đánh giá kỹ các nguyên nhân gây ra sạt trượt, từ đó đề ra các giải pháp trước mắt và lâu dài.

Phó Thủ tướng yêu cầu EVN tạm dừng thi công công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng để đảm bảo an toàn cho công nhân.

Thực hiện ngay các giải pháp giảm thiểu rủi ro và nguy cơ sạt lở đã được các chuyên gia và đại diện các bộ, cơ quan góp ý. Bên cạnh đó, chỉ đạo tư vấn thiết kế công trình khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp để đánh giá kỹ về nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt trượt và thực hiện ngay các giải pháp phù hợp nhất. Việc thi công trở lại, giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng quyết định trên cơ sở bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình và tượng đài Bác Hồ.

Công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Chủ đầu tư: Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Đại diện chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án Điện 1

Tổng mức đầu tư công trình: 9220,83 tỷ đồng

Tư vấn thiết kế: Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1

Nhà thầu thi công cụm công trình cửa xả: Liên danh nhà thầu Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Bộ Quốc phòng, Công ty cổ phần xây dựng 47, Công ty cổ phần Lilama 10

Khởi công: tháng 1/2021

Phát điện tổ máy 1: Quý III năm 2024

Phát điện tổ máy 2 và hoàn thành công trình: Quý IV năm 2024

Nguồn: Ban Truyền thông EVN

Ý kiến của bạn