Tin tức

Xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình trở thành điểm đến hấp dẫn

(VOVTV) - Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình (KDLQGHHB), tỉnh Hòa Bình đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 1/8/2016, bước đầu đã đưa ra các định hướng tổng thể phát triển du lịch cho khu vực, là cơ sở và động lực quan trọng để triển khai lập các quy hoạch, dự án nhằm mục tiêu phát huy giá trị hồ Hòa Bình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tác giả Mùi Sơn / VOVTV
02/11/2021 16:29

Hồ Hoà Bình và cơ hội của nhà đầu tư

Theo UBND tỉnh Hoà Bình, để có cơ sở lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi nguồn lực đầu tư và quản lý xây dựng theo quy hoạch tại KDLQGHHB. Đồng thời, cụ thể hóa các không gian phát triển của KDL, trong đó, ngoài phát triển không gian du lịch, còn có các không gian khác như: đô thị, khu dân cư, cơ sở sản xuất, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và bảo vệ môi trường…

Xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình trở thành điểm đến hấp dẫn - Ảnh 1.

Xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình trở thành điểm đến hấp dẫn

Vì vậy, việc lập Quy hoạch chung xây dựng KDLQGHHB đến năm 2035 là rất thiết, để cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển KDLQGHHB đến năm 2030, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan. Từ đó, nhằm mục tiêu phát triển hồ Hòa Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút về du lịch của vùng trung du, miền núi phía Bắc với các sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với văn hóa truyền thống của tỉnh và hệ sinh thái lòng hồ.

Căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, Tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 22/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia. Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định số 1325/QĐ-UBND ngày 04/6/2018 ban hành Đề án phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia.

Trong thời gian gần đây, hoạt động du lịch trên Khu du lịch hồ Hòa Bình đã đạt được kết quả quan trọng. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư, đặc biệt là nâng cấp và mở rộng tuyến đường 435 lên vịnh Ngòi Hoa, vùng lõi của khu du lịch hồ Hòa Bình; một số dự án du lịch với quy mô lớn, chất lượng cao được đầu tư, xây dựng đã đi vào hoạt động; chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch được nâng lên. Đến thời điểm hiện tại, Khu du lịch hồ Hòa Bình trên 200 phương tiện tàu thuyền vận chuyển khách du lịch; có 107 cơ sở lưu trú; trong đó có 14 khách sạn, 32 nhà nghỉ, 61 nhà nghỉ cộng đồng với 1.383 buồng; thu hút  hơn 1.200 lao động, trong đó bao gồm 721 lao động trực tiếp và trên 500 lao động gián tiếp. Năm 2019, khu du lịch Hồ Hòa Bình đón 550.000 lượt khách, chiếm khoảng 17,7% trên tổng khách toàn tỉnh; trong đó có 26.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 160 tỷ đồng chiếm khoảng 7,7% tổng thu từ hoạt động du lịch toàn tỉnh.

Xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình trở thành điểm đến hấp dẫn - Ảnh 2.

Khu nghỉ dưỡng Avana Retreat (Mai Châu) luôn hấp dẫn giới thượng lưu đến nghỉ dưỡng bởi khung cảnh hoang sơ, mát mẻ

Ngoài các dự án đầu tư KDL, thời gian qua, tỉnh đã triển khai các dự án đầu tư hạ tầng du lịch, bảo tồn di tích, văn hóa các dân tộc trong KDL như: dự án hạ tầng du lịch hồ sông Đà; hạ tầng du lịch xóm Mỗ 2, xã Bình Thanh (Cao Phong); bảo tồn, tôn tạo khu di tích đền Thác Bờ; đường từ TP Hòa Bình đi xã Thung Nai… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật KDHHB còn yếu kém. Dự án đầu tư hệ thống thu gom, khu xử lý chất thải chưa được chú trọng. Sản phẩm du lịch đơn điệu; thiếu các chương trình, hoạt động hấp dẫn cho khách du lịch tại các điểm thăm quan. Hoạt động khai thác phục vụ du lịch hạn chế, hiệu quả kinh tế còn thấp. Thiếu các kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy các sắc thái văn hóa tại địa phương. Mặc khác, thiếu cán bộ chuyên trách về du lịch, chưa có đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, du khách chủ yếu thăm quan tự do… Vì vậy, để KDL phát triển xứng tầm nhất thiết sớm triển khai quy hoạch chung.

Kỳ vọng về phát triển du lịch ven đô

Thông tin với PV VOVTV, Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình cho biết: Với mục tiêu định hướng tổ chức không gian, quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, hạ tầng xã hội và dịch vụ đồng bộ gắn với bảo vệ cảnh quan sinh thái rừng; kết nối với các danh lam thắng cảnh, KDL trong vùng trung du, miền núi phía Bắc. Đồng thời, khai thác giá trị về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa các dân tộc, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển du lịch quốc gia…

Trước đây, quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 01/8/2016, bước đầu đã đưa ra các định hướng tổng thể phát triển du lịch cho khu vực, là cơ sở và động lực quan trọng để triển khai lập các quy hoạch xây dựng để đầu tư phát triển khu du lịch Quốc Gia.

Ngay sau đó, tỉnh Hoà Bình đã xây dựng "Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035", đến nay Đồ án đã được Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan đã thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch tại Quyết định số Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 25/3/2021.

Xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình trở thành điểm đến hấp dẫn - Ảnh 3.

Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt góp phần "định hướng" cho du lịch Hoà Bình phát triển

Tổng diện tích đất tự nhiên khu vực nghiên cứu quy hoạch là 52.200 ha, chia làm 2 khu vực: khu vực phát triển du lịch tập trung khoảng 21.880 ha; khu vực ngoài 30.320 ha. Toàn khu quy hoạch Du lịch quốc gia hồ Hoà Bình được phân thành 6 phân khu, gồm: phân khu 1 phát triển du lịch mang tính chất động gắn với đô thị Hòa Bình, liên kết với hệ thống cảng Ba Cấp, Bích Hạ (TP Hòa Bình); phân khu 2 phát triển du lịch sinh thái hồ, vui chơi giải trí nước Hiền Lương, Bình Thanh - Vầy Nưa gắn với cảnh quan sông Đà, hồ Hòa Bình (thuộc huyện Đà Bắc); phân khu 3 phát triển du lịch đồi núi cao phía Bắc và hồ Hòa Bình (thuộc huyện Cao Phong, Đà Bắc).

Phân khu 4 là phân khu trung tâm của khu quy hoạch DLQGHHB, với các hoạt động du lịch đặc trưng như: trung tâm giới thiệu, trung tâm mua sắm, phố đi bộ, công viên chuyên đề, du lịch văn hóa tâm linh… (thuộc huyện Cao Phong, Tân Lạc); bao gồm khu vực phát triển du lịch tập trung đảo Sung – Ngòi Hoa (cũ) – Thung Nai và khu vực ngoài; phân khu 5 phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với cảng Phúc Sạn, kết nối với KDL Mai Châu; phân khu 6 là khu vực thiên nhiên hoang dã phía Tây, trung tâm du lịch sinh thái tự nhiên gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh, tận dụng lợi thế của tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu chạy qua để kết nối tạo thành cửa ngõ phía Tây của KDLQGHHB.

Xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình trở thành điểm đến hấp dẫn - Ảnh 4.

Du khách khi đến với Hoà Bình sẽ được trải nghiệm cũng như khám phá mảnh đất, con người và văn hoá

Được biết, quy hoạch chung nhấn mạnh 4 khu vực phát triển du lịch trọng điểm đầu tư, chuyền tải phát triển cấp độ của quốc gia, của vùng với hạt nhân phát triển, tạo hiệu ứng lan tỏa đầu tư các điểm du lịch khác trong khu vực và của tỉnh. Đồng thời, định hướng phát triển hệ thống đô thị, khu dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch; định hướng phân bố dân cư trong các khu vực du lịch; phát triển không gian du lịch; hệ thống các điểm du lịch phụ trợ. Ngoài ra, quy hoạch cũng định hướng hệ thống hạ tầng xã hội phục vụ phát triển du lịch và định hướng phát triển kiến trúc - cảnh quan KDL.

Các khu chức năng được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch tại các khu chức năng có không gian đặc trưng nhằm thu hút khách du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch, tạo động lực phát triển đồng bộ toàn khu du lịch. Giai đoạn 2: Từ sau năm 2025 đến 2035, đầu tư xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng các khu chức năng và quản lý phát triển theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt.

Chỉ tính riêng năm 2019, KDLHHB đón 550.000 lượt khách, chiếm gần 18% tổng khách toàn tỉnh, trong đó có 26.000 lượt khách quốc tế; tổng thu đạt khoảng 160 tỷ đồng, chiếm gần 8% tổng thu từ hoạt động du lịch toàn tỉnh. Tuy lượng khách có tăng nhưng tập trung chủ yếu vào dịp đầu năm, thời gian lưu trú ngắn, hiệu quả hoạt động chưa cao, tổng doanh thu từ du lịch còn thấp…

Chính vì vậy, song song với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 14, ngày 22/6/2017 của BTV Tỉnh ủy về phát triển KDLHHB thành KDLQG, thì việc xây dựng Đồ án quy hoạch chung cho hồ Hòa Bình là hết sức cần thiết.

Hiện nay, tỉnh Hòa Bình chưa có cơ chế chính sách riêng thu hút các nhà đầu tư chung trong lĩnh vực du lịch. Các nhà đầu tư đến tỉnh Hòa Bình vẫn được hỗ trợ chung theo quy định của Luật đầu tư.

Xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình trở thành điểm đến hấp dẫn - Ảnh 5.

Hoà Bình phấn đấu đưa "ngành công nghiệp không khói" trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tập trung triển khai dự đầu tư về cơ sở hạ tầng như: nâng cấp đầu tư tuyến Đường tỉnh 435 đi qua các xã Bình Thanh và Thung Nai, huyện Cao Phong và xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc lên vùng lõi của khu du lịch Hòa Bình; xây dựng đường nội bộ tại một số điểm du lịch… trong thời gian tới sẽ xây dựng tuyến đường dọc theo ven hồ để kết nối đến các địa điểm được quy hoạch thành khu nghỉ dưỡng để thu hút nhà đầu tư phát triển du lịch.

Đồng thời, chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, trong đó có chỉ đạo triển khai một số dự án đầu tư du lịch trên Khu du lịch hồ Hòa Bình. Một số địa phương đã thành lập đoàn công tác hỗ trợ doanh nghiệp làm việc với người dân trong công tác giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện cho dự án sớm được triển khai và đi vào hoạt động.

Trong lĩnh vực du lịch, việc giải quyết các thủ tục hành chính đạt mức độ 3 và 4 luôn đảm bảo kịp thời, đúng thời gian; tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian cho các nhà đầu tư.

Ý kiến của bạn