Tin tức

Xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Văn bản số 4263/BVHTTDL-DSVH gửi UBND 3 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang về việc triển khai xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

19/11/2020 16:21

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương tiếp tục triển khai, thực hiện các ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 5049/BVHTTDL-DSVH ngày 19-12-2015, đồng thời thống nhất một số nội dung về: Nội dung hồ sơ; kế hoạch xây dựng hồ sơ; tiến độ, quy trình triển khai hồ sơ đề cử.

yen tu.jpg

Ảnh minh họa

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Cục Di sản văn hóa, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UBND 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương xem xét, phê duyệt, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử bao gồm Khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh) với Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) và Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương), là địa điểm có sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt. Đây cũng là nơi ra đời, hình thành và phát triển Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.

Tầm quan trọng của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử được thể hiện thông qua hàng loạt di tích, danh lam thắng cảnh trong khu di sản được nhận diện, xếp hạng ở cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, với đầy đủ bốn loại hình di tích, danh lam thắng cảnh, bao gồm: Di tích lịch sử; di tích kiến trúc - nghệ thuật; di tích khảo cổ; địa điểm danh lam thắng cảnh.

Ý kiến của bạn