Xăng tăng giá, người dân và doanh nghiệp khốn đốn
(VOVTV) - Việc giá xăng dầu tăng cao thời gian gần đây đã gây những tác động không nhỏ tới đời sống của người dân và doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn trong đại dịch. Với doanh nghiệp, việc giá xăng dầu ở mức cao đã làm chi phí đầu vào tăng cao, các dịch vụ, phí, cước giao hàng… đều tăng giá khiến doanh nghiệp phải tính toán, cân đối để cầm cự.
Theo nhiều người dân, việc điều chỉnh giá xăng, dầu gần đây đã ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, khi mà nhiều hàng hóa được điều chỉnh tăng giá do tác động của giá xăng tăng. Do đó nhiều gia đình buộc phải cân đối lại tài chính và thắt chặt chi trong tiêu dùng hàng ngày.
Từ đầu năm đến nay, đã có 3 lần điều chỉnh giá xăng dầu. Đợt điều chỉnh vào ngày 11/2 vừa qua đã đưa giá xăng dầu được điều chỉnh tăng thêm từ 660 – 980 đồng/lít cao nhất trong mấy năm qua. Việc giá xăng dầu leo thang ảnh hưởng rất lớn với doanh nghiệp vận tải. Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Quốc tế Delta, đơn vị lâu năm về logistics cho biết, trong vận tải đường bộ, 40% cước phí là chi phí nhiên liệu, việc điều chỉnh giá xăng dầu tăng trong thời gian ngắn đã làm tăng 13% cơ cấu chi phí của doanh nghiệp. Vấn đề này đã và đang ảnh hưởng rất mạnh đến doanh nghiệp khi mà chi phí vận tải đường bộ ước tính sẽ bị đội lên từ 4-5%.
Việc điều chỉnh này khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang đứng ngồi không yên, bởi bị ảnh hưởng giảm đơn hàng do giá cước tăng cao so với bình thường. Theo bà Đinh Tuyết Nhung, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã nông dược tỉnh Bắc Kạn, xăng tăng giá đã làm cho chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao dẫn đến giá thành sản phẩm tăng. Tuy nhiên, để tiếp tục kích cầu tiêu dùng, Hợp tác xã cũng tung ra các chương trình khuyến mại đối với khách hàng đặt nhiều hàng hóa trong một đơn hàng nhằm giảm chi phí vận chuyển.
Giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới. Việc tăng cao sẽ ảnh hưởng nhất định đến giá cả của một số hàng hóa và mặt bằng giá cả trong nền kinh tế quốc dân. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, nhà nước cần có sự điều chỉnh giảm các loại chi phí khác cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Cùng với đó, các doanh nghiệp phải nỗ lực, tái cấu trúc hoạt động để giảm được chi phí thấp nhất. Đối với các hoạt động vận tải phải có sự tính toán khoa học để sử dụng được cả hai chiều - khi đó sẽ giảm được rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp.
Thêm vào đó, cần trao đổi, thảo luận lại với các đối tác để ký kết lại các hợp đồng khi giá xăng dầu đang tăng rất cao - đây là vấn đề các doanh nghiệp cần quan tâm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá cả leo thang, các doanh nghiệp, đối tác cũng cần nêu cao tinh thần giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau.
Các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, việc giá xăng dầu tăng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đề ra. Song sẽ không lớn, bởi mức tăng năm nay sẽ không quá cao để chúng ta phải lo ngại. Tuy nhiên, nếu Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm được các chi phí về tiếp cận, quản lý, cũng như các chi phí liên quan ở mức thấp, thì sẽ giúp doanh nghiệp giảm thấp các chi phí trong sản xuất…
Từ đó sẽ làm gia tăng hiệu quả của các gói hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp có được chi phí hợp lý. Qua đó sẽ đẩy mạnh sản xuất và nâng cao hiệu quả trong chương trình hồi phục và phát triển kinh tế, góp phần làm cho chương trình có thể đạt được hiệu quả cao hơn.
Tin nổi bật
Tin Video