Xăng tăng giá, giải pháp nào kiềm chế lạm phát?
(VOVTV) - Xăng tăng giá ở mức hơn 30.000 đồng/lít đang khiến giá của nhiều mặt hàng cũng tăng theo. Chỉ số giá tiêu dùng đang trên đà tăng, nếu chậm có những giải pháp “hạ nhiệt” có thể sẽ dẫn đến lạm phát ở mức cao.
Áp lực lạm phát trên thế giới đang gia tăng khi giá nguyên nhiên vật liệu và những vật tư cơ bản, trong đó có xăng dầu đang ở mức cao. Trong khi đó, Việt Nam với nền kinh tế có độ mở lớn, các nguyên vật liệu cơ bản cho sản xuất chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài nên mặt bằng giá cả của thế giới đang tác động mạnh đến mức độ tăng trưởng và nguy cơ lạm phát ở nước ta.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau cần sớm có biện pháp ngăn chặn lạm phát. Trước hết phải có những giải pháp để kiểm soát tăng giá, đặc biệt là giá xăng dầu đang ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng CPI.
“Chỉ số giá tiêu dùng mấy tháng đầu năm nay tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái và đây cũng là nguyên nhân tạo ra áp lực lạm phát. Trong các mặt hàng tăng giá thì xăng dầu là mặt hàng có giá thuộc loại tăng cao nhất. Bên cạnh các giải pháp kiểm soát lạm phát cần phải có biện pháp kiểm soát giá xăng dầu.
Thời gian qua Chính phủ đã có những giải pháp tích cực như: sử dụng quỹ bình ổn, miễn giảm thuế bảo vệ môi trường, trình Thường vụ Quốc hội, siết chặt thị trường, chống tăng giá. Tuy nhiên do đứt gãy nguồn cung do tác động bên ngoài, nên trong ngắn hạn phải có những giải pháp tiếp theo. Cần đẩy mạnh quản lý xăng dầu nhập khẩu cho đến đầu ra, chống buôn lậu gian thương, siết chặt kỷ cương…” - đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Nếu lạm phát ở mức cao sẽ gây ra một loạt các hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế đất nước. Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội cho rằng, nếu không kiểm soát tốt giá xăng dầu, tất yếu giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng theo và nhanh chóng dẫn tới lạm phát. Từ đó đời sống người dân càng thêm khó khăn, vì sau hơn 2 năm qua, dịch bệnh bùng phát, nhiều người đã cạn kiệt tài chính. Khi lạm phát tăng cao, một giải pháp thường được áp dụng là tăng lãi suất ngân hàng, cũng sẽ khiến doanh nghiệp thêm 1 lần nữa lao đao khi vừa hồi phục chưa được bao lâu.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị cần có lộ trình tăng giá xăng dầu hợp lý: “Giá xăng dầu tăng dù là do tác động của thị trường thế giới nhưng cần có giải pháp kiềm chế thông qua lộ trình tăng giá xăng dầu. Nếu để tăng quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến kinh tế quốc dân. Theo tôi, cần có nỗ lực của ngành kinh doanh xăng dầu và sự trợ giúp của Nhà nước, cần có nguồn lực để yểm trợ cho ngành này nếu quỹ bình ổn không đảm bảo được nữa. Đây là bước đệm để giãn nhịp độ tăng giá, góp phần đảm bảo đời sống và sản xuất cho người dân”.
Cũng theo một số đại biểu Quốc hội, dù chỉ số giá tiêu dùng của nước ta đang ở mức 2,2%, thấp hơn nhiều nước trên thế giới nhưng không nên để giá xăng dầu tạo ra “cú sốc”, ảnh hưởng đến tính bền vững cho sự tăng trưởng kinh tế. Khả năng kiểm soát lạm phát dưới mức 4% đang là một nhiệm vụ khó khăn nên cần áp dụng linh hoạt và hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ, thậm chí phải tính đến việc điều chỉnh mức lạm phát.
Tin nổi bật
Tin Video