Xăng tăng giá chóng mặt, doanh nghiệp vận tải kiệt quệ
Từ mức 17.000 đồng/lít hồi đầu năm, giá xăng dầu hiện đã tăng lên gần 25.000 đồng/lít, gây áp lực khủng khiếp lên người dân, doanh nghiệp.
Ngày 10/11, xăng E5RON92 tăng 559 đồng/lít, giá bán tối đa 23.669 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 658 đồng/lít, giá bán mới 24.996 đồng/lít. Dầu diesel 0,05S và dầu hỏa giữ ổn định giá bán như hiện hành, lần lượt là 18.716 đồng/lít và 17.637 đồng/lít.
Đây là lần tăng giá mạnh thứ 5 liên tiếp kể từ đầu tháng 9, được ví như “chiếc áo vắt lên lưng con lừa” bởi xăng dầu là đầu vào của hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và đời sống của người dân.
Lỗ càng lỗ nặng hơn
Chia sẻ với VTC News ngày 10/11, ông Nguyễn Đàm Văn, Tổng giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Văn Minh, chủ thương hiệu vận tải Văn Minh, bày tỏ lo lắng việc giá xăng dầu tăng cao đã tác động mạnh đến chi phí vận hành, doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Doanh nghiệp có đội xe khách 30 chiếc, nhưng nay chỉ hoạt động cầm chừng 10 chiếc, số còn lại nằm bãi vì không có khách. “Vốn đã thua lỗ vì dịch COVID-19, nay chi phí đầu vào bị đội lên thì đơn vị đã lỗ càng tiếp tục lỗ nặng hơn”, ông Văn nói.
Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, cho biết doanh nghiệp gần như “cá nằm trên thớt” vì cú bồi từ giá nhiên liệu đầu vào tăng cao sau khi đã chịu thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh.
“Trong cơ cấu chi phí hoạt động dịch vụ vận tải đường bộ thì xăng dầu chiếm tỷ lệ khá lớn. Do đó giá xăng dầu tăng đã đẩy doanh nghiệp tiếp tục chìm sâu vào thua lỗ”, ông Bằng nói.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và thương mại dịch vụ Đất Cảng, chia sẻ giá xăng dầu tăng cao cũng đã tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của công ty và toàn ngành vận tải.
Như những doanh nghiệp vận tải khác, từ đầu năm, hoạt động kinh doanh của Đất Cảng gặp khó khăn do các địa phương phong tỏa vì COVID-19. Khi hoạt động vận tải khách liên tỉnh được mở lại, doanh nghiệp đã lên phương án mở lại một số tuyến đường nhưng chỉ chạy được vài ngày thì phải dừng hoạt động vì không có khách.
“Từ nhiều tháng nay, vận tải hành khách đa số thua lỗ, đừng nói đến có lãi”, ông Hải nói.
Vẫn theo đại diện các nhà xe, phương án tăng giá vé để bù đắp thua lỗ không khả thi vì không có khách.
Bán xe không ai mua
Theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, lượng xe vào bến giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 10% so trước đó.
“Hiện số phương tiện vào bến chỉ đạt khoảng 10%, tương đương với 100 xe và 500 khách mỗi ngày. Nhiều nhà xe đăng ký nhưng không hoạt động hoặc hoạt động cách nhật do không có khách”, ông Thành cho hay.
Ông Tô Quang Học, Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học, cho hay doanh nghiệp đang chưa biết tính sao khi giá nhiên liệu liên tục tăng chóng mặt. Theo ông Học, giá xăng dầu chiếm 30 – 40% đơn giá vận chuyển nên việc xăng dầu tăng giá ngay lập tức ảnh hưởng đến chi phí. Nhưng khó khăn là doanh nghiệp không thể ngay lập tức tăng giá cước vì mỗi chuyến chỉ lèo tèo vài khách.
“Doanh nghiệp vận tải vừa lao đao vì dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nay thêm giá xăng, dầu tăng cao thì doanh nghiệp chết hẳn. Thậm chí muốn bán xe giờ cũng chẳng ai dám mua. Từ vài chục đầu xe trước đây, nay chúng tôi chỉ duy trì vài chuyến để giữ khách”, ông Học nói.
Chủ thương hiệu vận tải Văn Minh cũng trong tình trạng tương tự. Ông Văn cho biết dù vận tải hành khách đang thua lỗ nhưng không thể để xe nằm bãi mãi. Nhiều lần đơn vị tính đến phương án bán xe nhưng không có khách mua.
“Người muốn mua thì không có tiền. Người có vốn thì chẳng dại gì mua xe để về chạy bù lỗ vì không có khách”, ông Văn nói.
Theo ông Đỗ Văn Bằng, doanh nghiệp đang loay hoay vì không biết xoay xở kiểu gì. Tiếp tục chạy thì thua lỗ, nghỉ thì lấy đâu ra tiền trả lãi vay ngân hàng, mà bán xe cắt lỗ thì không ai mua.
“Doanh nghiệp gần như chết đứng giữa hai gọng kìm COVID-19 vì giá nhiên liệu xăng, dầu tăng phi mã. Tôi cũng bó tay không biết làm thế nào. Anh em nhà xe cũng chỉ biết nhìn nhau “cắn răng” mà chấp nhận”, ông Bằng than thở.
Doanh nghiệp xăng dầu cũng khổ
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương và Tài chính cho thấy quỹ bình ổn giá xăng dầu tại 15 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn đang bị âm xấp xỉ 1.500 tỷ đồng do trích quỹ để giữ giá bán lẻ trong nước.
Theo đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 9, quỹ bình ổn giá tại đơn vị này đã âm hơn 210 tỷ đồng. Tính đến ngày 22/10, quỹ giảm xuống còn âm 192,1 tỷ đồng.
Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) hiện âm quỹ bình ổn với mức 697,6 tỷ đồng.
Trong số gần 1.480 tỷ đồng bị âm do chi quỹ bình ổn giá được ghi nhận, các doanh nghiệp đang phải trích tiền cho mức âm Quỹ lớn bao gồm: Tổng công ty Thương mại, Xuất nhập khẩu Thanh Lễ âm hơn 53 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng âm hơn 64 tỷ đồng; Công ty TNHH Petro Bình Minh âm 71 tỷ đồng...
Tin nổi bật
Tin Video