Tin tức

Xâm hại tình dục trẻ em bao giờ mới có hồi kết?

Nạn bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em xảy ra từ nhiều năm nay, đáng nói, tình trạng này xảy ra mọi lúc, mọi nơi, cả ở gia đình, trường học và cộng đồng. Xử lý triệt để vấn nạn này đến nay vẫn là bài toán khó.

10/11/2021 09:06

Các vụ xâm hại tình dục trẻ em gia tăng đến mức báo động

Số liệu thống kê từ năm 2010 đến nay cho thấy, tình trạng xâm hại trẻ em không ngừng gia tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nếu như năm 2010 có gần 1.500 trường hợp bạo lực và xâm hại trẻ em thì năm 2014 là 4.500 vụ.

Theo số liệu của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2020, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.945 vụ xâm hại trẻ em, trong đó, 1.506 trẻ bị xâm hại về tình dục; 97% số vụ bị phát hiện, đối tượng đều có quen biết với nạn nhân, gia đình của nạn nhân.

Có thể kể đến một số vụ việc điển hình, ngày 23/9 vừa qua, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiến hành phiên xử phúc thẩm đối với bị cáo Vũ Đào (sinh năm 1964, ở phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Bị hại trong vụ án là cháu N.B.N (sinh năm 2016) là cháu họ sống gần nhà bị cáo.

Theo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, đầu tháng 8/2020, cháu N về sống cùng bà ngoại ở thị xã Sơn Tây. Chiều 8/10/2020, trước khi chở quần áo đi huyện Ba Vì bán cùng người thân, bà ngoại cháu có gửi cháu N sang nhà Vũ Đào nhờ trông giúp. Tại đây, cháu N đã bị xâm hại.

Xâm hại tình dục trẻ em bao giờ mới có hồi kết? - Ảnh 1.

Các vụ xâm hại tình dục trẻ em gia tăng đến mức báo động. Ảnh minh họa

Một vụ án khác khiến dư luận quan tâm, chiều 31/10, tại quán karaoke ở xã Bình Thạnh (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), có một nhóm đối tượng tổ chức ăn nhậu, hát hò. Sau đó, một người trong nhóm này đặt vấn đề "đi qua đêm" với T. (16 tuổi, nữ nhân viên của quán karaoke) nhưng bị thiếu nữ này từ chối. Các đối tượng ngang nhiên khống chế, ép em T lên xe ô tô, bất chấp nạn nhân bỏ chạy, cầu cứu. Các đối tượng đuổi theo, nắm tay, ghì cổ đẩy cô bé chưa đầy 16 tuổi vào ô tô, chở đến khách sạn tại khu phố 5 (thị trấn Liên Hương).

Nhận được tin báo, Công an huyện Tuy Phong (Bình Thuận) đã vào cuộc, trích xuất camera an ninh, lấy lời khai, đưa bị hại đi giám định, đồng thời, báo cáo sự việc cho lãnh đạo Công an tỉnh. Kết quả giám định pháp y cho thấy, nạn nhân có dấu hiệu bị xâm hại.

Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng truy tìm Trần Thanh Tuấn (SN 2004, trú tại xóm 9, thôn Ngọc Nha Hạ, xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) vì liên quan đến vụ hiếp dâm trẻ em xảy ra ngày 15/3/2021 tại phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Qua xác minh, Công an quận Hai Bà Trưng xác định, Trần Thanh Tuấn liên quan đến vụ án này…

Trên đây chỉ là 3 trong số hàng trăm trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em.

Chỉ mới xử phạt được 10% các vụ án xâm hại trẻ em

Theo các chuyên gia tâm lý, xâm hại trẻ em là một tội ác và không thể tha thứ. Con số vụ việc tăng lên hàng năm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn xâm hại tình dục trẻ em đang ở mức báo động. Bởi lẽ giờ đây, ngay cả ngôi nhà cũng không còn là chốn an toàn tuyệt đối với con trẻ khi ngay cả cha ruột, ông nội cũng có thể xâm hại chính con gái, cháu gái mình.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục tăng cao trong thời gian qua là do sự giáo dục chưa đầy đủ của các bậc cha mẹ, cha mẹ chưa hướng dẫn cho con biết tự bảo vệ mình trước những người khác giới... Đôi khi cũng là do các em gái, nhất là các em đang hoặc đã qua giai đoạn dậy thì, vô tình phơi bày cơ thể mình do trang phục quá hớ hênh, thoải mái…

Một vấn đề khác là nhiều bậc cha mẹ cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng khi con em mình bị xâm hại tình dục. Họ lo sợ rằng, nếu những người xung quanh biết con mình bị xâm hại, tương lai của các cháu sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi dư luận xã hội. Do đó, có không ít gia đình chấp nhận nhận tiền bồi thường của kẻ gây tội để các vụ việc chìm đi. Điều này cũng tiếp tay cho các đối tượng nảy sinh hành vi xâm hại trẻ em.

Về vấn đề giáo dục trẻ em cách tự bảo vệ mình tại các nhà trường hiện nay, ông An cho hay, tại trường học, vẫn chưa có những tiết học giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính, giáo dục tình dục khi trẻ bắt đầu lên cấp trung học mà vẫn chỉ chú trọng nhiều đến dạy và học các môn văn hóa.

“Ngoài ra, việc quản lý nhà nước về văn hóa phẩm đồi trụy, phim ảnh khiêu dâm, Youtube, thuốc lá rượu, bia rồi các chất gây nghiện khác vẫn chưa thật nghiêm, đây cũng là một trong những tác nhân dẫn đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Chế tài xử lý thì đã có nhiều rồi, luật cũng khá đầy đủ, nhưng các vụ việc vẫn cứ tăng lên.

Do đó, biện pháp tốt nhất là giáo dục từ trong gia đình, cần nâng cao kiến thức, kỹ năng giáo dục con của các bậc cha mẹ; Cùng với đó, phải xử lý thật nghiêm minh và bình đẳng trước pháp luật các vụ dâm ô xâm hại tình dục trẻ em. Nếu không làm nghiêm, các đối tượng sẽ nhờn luật, người dân không tin tưởng vào luật pháp và sẽ gây rối loạn xã hội”, ông Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.

Theo TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, trong nhận thức của xã hội nói chung, bạo lực và lạm dụng tình dục là vấn đề của cá nhân và chủ yếu là những cá nhân không tuân thủ các chuẩn mực giới truyền thống hoặc không được dạy dỗ để tuân thủ các chuẩn mực đó.

Sở dĩ vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em gia tăng là do cách thức xử lý các vụ việc, thực tế, các vụ án thì nhiều nhưng tỷ lệ vụ án đưa ra xử lý thì vẫn còn rất ít. Bộ Công an cũng thừa nhận, xử lý chưa được 10% các vụ việc, do đó tính răn đe các đối tượng vi phạm rất thấp. Đó cũng là lý do mà mặc dù người dân, báo chí đã đề cập, lên án nhiều nhưng những vụ việc xâm hại trẻ em vẫn xảy ra và có xu hướng tăng lên.

Cũng theo bà Hồng, mọi người lớn đều phải có trách nhiệm bảo vệ con trẻ. Từ những người chứng kiến vụ việc hay là nghi ngờ thì cũng phải lên tiếng để có hành động bảo vệ trẻ em; Cha mẹ cần lưu tâm đến con cái, không để con mình rơi vào tình huống có nguy cơ. Cần giáo dục pháp luật cho người dân, để những người có ý đồ thực hiện hành vi xấu xa đó cũng hiểu được rằng, nếu họ “manh động” thì có thể bị pháp luật trừng trị thích đáng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như ngày nay thì liên tục có những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện và xử lý. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, bị xâm hại và cần được chăm sóc trong xã hội, vì vậy cần có khung pháp lý mang tính răn đe cao hơn để bảo vệ đối tượng này khỏi các hành vi xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục.

Khung pháp lý xử phạt đối tượng xâm hại tình dục trẻ em được quy định khá rõ ràng, đầy đủ và mang tính răn đe, tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà không phải lúc nào các cơ quan chức năng cũng có đầy đủ căn cứ pháp lý để giải quyết.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, hiện nay, mạng internet phát triển, tác động của phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, những thông tin độc hại không được kiểm soát lan tràn trên mạng internet, dẫn đến các hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn.

Tuy nhiên, điều đáng nói, khi phát hiện con/cháu mình bị xâm hại, nhiều bậc cha mẹ còn ngần ngại báo cho các cơ quan chức năng vì nghĩ rằng, có thể ảnh hưởng đến danh tiếng gia đình, tâm lý con trẻ hay có thể bị đe dọa. Bởi đặc điểm của các vụ xâm hại tình dục trẻ em phần lớn xảy ra ở những nơi kín đáo, vắng vẻ, không có người chứng kiến, nhiều trẻ em là nạn nhân khi tuổi còn quá nhỏ, chưa nhận thức được đầy đủ sự việc.

“Để hạn chế vấn nạn xâm hại tình dục ở trẻ em, các cơ quan có thẩm quyền nên có những biện pháp để bảo vệ cả những trẻ bị xâm hại và gia đình của trẻ để họ dũng cảm tố cáo và đấu tranh với hành vi này; gia đình cần tuyên truyền, trang bị cho trẻ em các kiến thức về giới tính.

Đặc biệt, các bé gái phải nhận diện, cảnh giác với những hành vi bị xâm hại. Cùng với đó, xã hội cũng cần có những nhìn nhận đúng đắn và nhân văn đối với những nạn nhân rơi vào trường hợp như vậy trong tương lai, thay vì bàn tán, trêu trọc, khắt khe đánh giá thì phải lên án chính đối tượng phạm tội”, luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn